Nhà thầu "còng lưng" gánh chi phí vì giá vật liệu bấp bênh
Lý giải hiện tượng giá vốn "ngốn" gần hết doanh thu, đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phúc Đạt (huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội) cho biết, giá vật liệu xây dựng bấp bênh là một trong những nguyên nhân chính.
Giá vốn "ngốn" doanh thu
Đại diện Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phúc Đạt (huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội) cho biết, nói riêng trên địa bàn huyện Đan Phượng, giá cát xây dựng đến chân công trình hiện tại đang ở mức từ 120 nghìn đồng – 150 nghìn đồng/m3. Nguồn cát, đất đắp phục vụ hoạt động thi công xây lắp là một trong những tác nhân làm cho chi phí giá vốn "ngốn" gần hết doanh thu.
Trong năm 2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phúc Đạt đạt 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán rất cao, lên đến 54,4 tỷ đồng nên Lãi gộp của công ty chỉ là 1,7 tỷ đồng. Gánh nặng giá vốn khiến cả năm, lãi sau thuế của công ty chỉ còn 91,8 triệu đồng.
Thoạt nhìn, mức giá này tưởng như là "dễ thở" đối với nhà thầu. Tuy nhiên khó khăn lại nằm ở tính thiếu ổn định, giá vật liệu mỗi thời điểm "nhảy múa" mỗi khác.Theo chia sẻ của vị đại diện, "Đơn giá này là ở thời điểm hiện tại. Nhưng nếu nhìn ngược về trước đây 1-2 tháng thì mức độ chênh lệch rất khác. Và nhìn từ nay đến cuối năm, chỉ cần vận tải đường sông gặp vấn đề, ví dụ như nước cạn, khiến thuyền không vào được bến cũng ngay lập tức làm cát tăng giá không phanh".
Trong khi đó, cước đường bộ quá cao, không thể thay thế được đường thủy khiến nhà thầu gần như không có cách nào xoay xở và luôn ở thế bị động.
"Chúng tôi tham gia và trúng nhiều gói thầu tất nhiên để phát triển công ty, nhưng một phần khác cũng mong muốn xây dựng cho quê hương. Tuy nhiên, còn rất nhiều vướng mắc, trong đó bao gồm chi phí vượt mức của giá vật liệu khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thể hiện rõ trên kết quả kinh doanh. Do đó, chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo ổn định tình hình", đại diện nhà thầu nói thêm.
Tương tự, chia sẻ với phóng viên, đại diện một nhà thầu trên địa bàn huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội cho biết vấn đề nguồn cung vật liệu trong thời gian gần đây thực sự làm cho nhà thầu đau đầu.
"Đến cuối năm, chúng tôi có những dự án phải hoàn thành. Tuy nhiên do nguồn cung khan hiếm, giá thành tăng cao nên có nhiều thời điểm doanh nghiệp buộc phải thi công cầm chừng, vừa làm vừa chờ vật liệu. Tất nhiên khi gặp vướng mắc như vậy, tiến độ thi công cũng sẽ bị ảnh hưởng và xảy ra nguy cơ chậm trễ", ông này chia sẻ.
Nguồn vật liệu tài nguyên khan hiếm
Thời gian qua, các nhà thầu ký hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng theo đơn giá cố định rối bời trước bối cảnh giá cả vật liệu bấp bênh, dẫn đến quá trình triển khai hợp đồng đã ký kết gặp rất nhiều bất lợi. Không ít nhà thầu than thở do giá vật liệu tăng cao khiến gói thầu vừa được ký kết đã có nguy cơ thua lỗ đã hiện hữu.
Trước tình hình giá vật liệu không ổn định, thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đã có điều chỉnh và công bố giá để chủ đầu tư có căn cứ bù giá kịp thời cho các nhà thầu. Tuy nhiên trên thực tế, những tác động khách quan vẫn khiến nhịp biến động của giá vật liệu diễn biến phức tạp, đặc biệt đối với các loại vật liệu từ nguồn khai thác tài nguyên tự nhiên từ mỏ cát, đất..
Ví dụ như đất san lấp, khảo sát của phóng viên Dân Việt trong giai đoạn gần cuối năm 2024 trên địa bàn Hà Nội cho thấy tình trạng các nhà thầu "khát" nguồn vật liệu, bởi số lượng các mỏ đủ điều kiện hoạt động ngày càng giảm.
Ảnh minh họa.
Trong vai nhà thầu cần nguồn cấp vật liệu, phóng viên đã liên hệ với một số chủ mỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội để đặt vấn đề về giá, khối lượng cũng như tiến độ cung cấp nhưng nguồn cung vật liệu san lấp rất ít, không bảo đảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, biên độ dao động rất cao, trung bình thì ở mức từ 130 - 150 nghìn đồng/m3, nhưng có khi lên tới 220 nghìn đồng/m3 khi khan hiếm.
Chỉ cần so sánh ở mức 150 nghìn đồng/m3, tại không ít gói thầu đã có sự chênh hơn từ 20 đến 25% so với thời điểm ký hợp đồng.
Phóng viên tiếp tục khảo sát ở các tỉnh lân cận Thủ đô như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình nguồn đất san lấp dù có được cải thiện về khối lượng, tuy nhiên do khoảng cách xa nên giá cước vận chuyển khiến giá vật liệu đội lên rất cao. Khảo sát gần nhất cho thấy con số giật mình, để vận chuyển đất đỏ san lấp từ huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) về Hà Nội, nhà thầu có thể phải trả tới 90 nghìn đồng tiền cước cho một m3.