Nhận diện thủ thuật “lùa gà” đầu tư tài chính

09:43, 04/02/2025

Hiện nay, tình trạng lừa đảo trong trong lĩnh vực đầu tư tài chính gây bức xúc trong dư luận, với thủ đoạn lừa đảo tinh vi mức độ thiệt hại ngày càng nghiêm trọng.

Thủ đoạn tinh vi

Cùng với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực Fintech, tình trạng lừa đảo trên thị trường đầu tư tài chính lại càng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.

Theo tìm hiểu, hiện nay trên internet, các trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt các lời mời gọi tham gia các khóa học đầu tư forex, crypto, chứng khoán, hàng hóa phái sinh… Các đối tượng tự xưng là chuyên gia tài chính kêu gọi người dân tham gia các hội nhóm, các khóa học để tư vấn, đào tạo và hướng dẫn đầu tư đem lại lợi nhuận cao.

Thông qua các khóa học, các nhóm kín, các đối tượng lừa đảo đã dụ dỗ học viên tham gia đầu tư vào các sàn scam (sàn lừa đảo) như sàn forex, crypto, sàn chứng khoán… do chúng tự tạo ra và đặt máy chủ ở nước ngoài. Các đối tượng đặt tên sàn giống các sàn giao dịch quốc tế, thậm chí chúng đặt tên website trùng với các sàn của công ty chứng khoán được cấp phép, chỉ khác đuôi tên miền để gây nhầm lẫn cho người chơi.

Với tâm lý muốn giàu nhanh nhưng lại thiếu hiểu biết, nhiều người đã xuống tiền theo những lời mời gọi “rót mật vào tai” như: x2,x10,x100 lần số vốn bỏ ra, sớm mua nhà, tậu xe và đi du lịch khắp thế giới.

Sau dụ dỗ được người chơi nạp tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định, chúng sẽ nhanh chóng rút tiền ra và tạo cho khách hàng một số tiền ảo tương ứng trên sàn. Thời gian đầu, số tiền ít chúng có thể cho người chơi đổi được tiền thật và rút ra để tạo niềm tin. Sau đó, các đối tượng sẽ can thiệp vào lệnh để “kéo nến”, chỉnh số tiền ảo tăng mạnh nhằm kích thích người chơi hoặc dụ dỗ thêm người khác đầu tư thêm. Khi thấy lòng tham của người chơi được đẩy lên cao, chúng sẽ dụ dỗ người chơi tiếp tục nạp thêm tiền để nhanh chóng nhân tài khoản.

Tuy nhiên, khi người chơi muốn rút số tiền lớn ra thì các đối tượng nói sẽ tìm đủ mọi lý do không cho rút như máy treo, sai số tài khoản… Thậm chí các đối tượng còn dụ “con mồi” nạp thêm khoản phí mới cho rút tiền. Đến khi người chơi không còn khả năng để nạp tiền vào sàn nữa thì chúng mới can thiệp vào hệ thống để người chơi bị “cháy” tài khoản hoặc cắt đứt liên lạc.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã triệt phá rất nhiều ổ nhóm, đường dây lừa đảo với những phương thức tương tự như trên.

Đơn cử như vụ án điển hình liên quan TikToker Mr Pips (Phó Đức Nam; SN 1994, ở tại khu phố 5, phường 8, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Lê Khắc Ngọ (SN 1990, HKTT tại Hồ Tùng Mậu, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng.

Đối tượng Phó Đức Nam (Mr Pips) bị bắt trong đường dây lừa đảo tài chính hơn 5.200 tỷ đồng.

Theo Công an quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội), đây là ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoạt động có quy mô lớn, với phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, chuyên nghiệp; được phân công, phân cấp chặt chẽ; bố trí văn phòng chi nhánh trên toàn quốc và nước ngoài, hoạt động phạm tội diễn ra hoàn toàn trên không gian mạng ở phạm vi trong và ngoài nước… Vì thế, quá trình điều tra vụ án, các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu, nhiều trường hợp bị lừa mất tiền trong các sàn ảo lại tiếp tục bị lừa đảo dưới hình thức “hỗ trợ lấy lại tiền đã mất”.

Thông qua mạng xã hội, chúng thường sử dụng hình ảnh, thông tin của các cơ quan công an, công ty luật và văn phòng luật sư để tạo dựng lòng tin, kèm theo các video, bài viết cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo, cắt ghép các phát biểu của luật sư và cán bộ công an. Trắng trợn hơn, chúng còn sử dụng hình ảnh hoạt động của các công ty luật và nội dung giả mạo rằng Bộ Công an và Viện Kiểm sát đã ủy quyền "thu hồi vốn" và "đòi lại tiền bị lừa đảo".

Với chiêu thức này, nhiều nạn nhân không tỉnh táo tiếp tục bị lừa và mất số tiền rất lớn. Theo một số liệu thống kê mới đây, có đến hơn một nửa số nạn nhân bị lừa đảo qua mạng tiếp tục bị lừa thêm lần thứ hai bằng phương thức hỗ trợ lấy lại tiền.

Làm sao tránh “sập bẫy” lừa đảo tài chính

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia NCS, trước thực trạng lừa đảo ngày càng tinh vi, người dùng cần phải cảnh giác, chủ động nhận diện các dấu hiệu bất thường của các website và ứng dụng lừa đảo.

Theo ông Sơn, có thể nhận biết các nền tảng lừa đảo qua những lời hứa hẹn lợi nhuận phi thực tế. Các website hoặc ứng dụng lừa đảo thường thu hút người dùng bằng cách hứa hẹn mức lợi nhuận cao bất thường hoặc không có rủi ro. Các đối tượng thường sử dụng các cụm từ như "lãi suất khủng", "đảm bảo an toàn vốn", hoặc "kiếm tiền dễ dàng trong thời gian ngắn" để lôi kéo người dùng.

Bên cạnh đó, các nền tảng lừa đảo thường có tên miền đáng ngờ. Các website này thường sử dụng tên miền nước ngoài (không có ".vn") hoặc các tên miền cố tình nhầm lẫn với các tổ chức uy tín.

Dấu hiệu nhận biết lừa đảo về hệ thống thanh toán bất thường. Các đối tượng yêu cầu chuyển khoản thông qua các trung gian không rõ ràng như tài khoản cá nhân, ví điện tử, tiền điện tử. Ngoài ra, việc rút tiền thường rất khó khăn, chỉ được thực hiện khi đạt hạn mức cao hoặc bị kéo dài thời gian xử lý.

Nhà đầu tư cần cảnh giác với việc nhân viên hoặc đội ngũ liên lạc của các nền tảng thúc ép người dùng đầu tư ngay lập tức, tạo cảm giác đây là "cơ hội hiếm có". Họ sử dụng các chiến thuật tâm lý như hứa hẹn "sắp hết thời gian ưu đãi" hoặc "chỉ dành cho một số ít người tham gia".

Đặc biệt, trước khi đầu tư cần phải tìm hiểu về giấy phép hoạt động của các đơn vị, tổ chức này. Do đó, khi các đơn vị thiếu giấy phép từ cơ quan quản lý nhà nước cũng là dấu hiệu cảnh báo. Một hệ thống đầu tư tài chính hợp pháp luôn được cấp phép bởi cơ quan quản lý nhà nước. Nếu nền tảng không công khai các giấy phép này, đó là một dấu hiệu cần thận trọng.

 Nhà đầu tư cần thận trọng với các chiêu thức lừa đảo đầu tư tài chính

Thời gian qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khuyến cáo người dân, cần thận trọng khi nhận được chào mời tham gia diễn đàn, hội nhóm đầu tư chứng khoán trên không gian mạng hoặc tải, cài đặt, sử dụng các ứng dụng (app) giao dịch.

Người dân muốn tham gia thị trường chứng khoán cần trang bị cho mình kiến thức về thị trường chứng khoán thông qua các kênh chính thống của cơ quan quản lý, đơn vị vận hành thị trường và các tổ chức kinh doanh chứng khoán có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán đã được UBCKNN cấp phép, tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Liên quan đến các hoạt động lừa đảo tài chính qua mạng, chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu cho rằng, không có dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa. Nạn nhân cần chủ động liên hệ cơ cơ quan chức năng để báo cáo và nhờ hỗ trợ giúp đỡ.

Vị chuyên gia này cho biết, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo thường giả danh sự uy tín của công ty, doanh nghiệp, luật sư, kiểm sát viên hoặc chuyên gia an ninh mạng để thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân để lừa hỗ trợ lấy lại tiền, nhưng mục đích là tiếp tục lừa đảo nạn nhân.

Theo chuyên gia Hiếu, người dân phải luôn luôn giữ cảnh giác và không đồng ý thực hiện bất kỳ giao dịch tài chính nào mà không có đầy đủ thông tin và xác minh. Bên cạnh đó, mỗi người cần có chủ động bảo vệ thông tin tài chính cá nhân và tìm hiểu thêm về các hình thức lừa đảo phổ biến để tránh trở thành nạn nhân. Hiện nay, website dauhieuluadao.com, canhbao.ncsc.gov.vn và tinnhiemmang.vn cũng cập nhật kiến thức nhận biết lừa đảo qua mạng hoặc kiểm tra những đường link giả mạo, độc hại, lừa đảo.

Trước thực trạng báo động về lừa đảo tài chính, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là những ai đã từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng, cần lưu ý tuyệt đối không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo các dịch vụ như "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa", "thu hồi tiền bị chiếm đoạt"... Không chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo dưới bất kỳ hình thức nào để tránh bị thiệt hại thêm.

Liên quan vấn đề trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã đưa ra khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin vào hình thức “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” trên mạng xã hội. Không tin tưởng dịch vụ yêu cầu thanh toán trước các khoản phí.

Theo Tạp chí Tin học và Đời sống (Số 1 năm 2025)