Nhân tố thành công cho doanh nghiệp trong thời đại IoT

17:53, 11/08/2017

1 ngày của bạn bắt đầu khi đồng hồ báo thức đổ chuông vào 6h00 sáng, bạn tỉnh giấc giữa mùi thơm tươi mới của ly cà phê sữa đá đã được đặt pha sẵn từ lúc 5h55.

Daryl Tay, Giám đốc điều hành, UPS Việt Nam

Trong lúc nhâm nhi cốc cà phê, chuẩn bị cho ngày mới, chiếc radio sẽ tự động bật, và phát sóng những tin tức thời sự nhất. Cùng lúc khi bạn vừa hoàn thành bữa sáng, chiếc xe tự lái thông minh sẽ tấp vào lề cửa, sẵn sàng cho chuyến đi. Thay vì phải đợi taxi trong cái nắng gắt, bạn chỉ việc tận hưởng không khí mát lạnh của điều hoà ô tô. Khi xe bắt đầu rời khỏi cửa, đèn trong nhà tự động tắt và các cửa cũng được khoá trái. Xe đã biết rõ nơi bạn cần đến, và tìm ra con đường ngắn nhất dựa vào tình hình giao thông được liên tục cập nhật. 

Đây chính là tương lai của nhân loại – một thế giới được nâng cấp bởi Mạng lưới Vạn vật Kết nối Internet (IoT). IoT được định nghĩa là một mạng lưới các đồ vật vô tri – như các thiết bị, phương tiện, toà nhà và các vật dụng tương tự khác – được hỗ trợ bởi điện tử, phần mềm, cảm biến và kết nối mạng, cho phép chúng thu thập và trao đổi dữ liệu.

Với IoT, các công nghệ sẽ “giao tiếp” với nhau thông qua ngôn ngữ là dữ liệu lớn (big data). 

IoT trong hiện tại

Lượng truy cập mạng Internet và sử điện thoại thông minh tăng cao trên toàn cầu đã tạo nên một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm IoT.

Hiện nay, nhu cầu đối với các sản phẩm IoT đang cao hơn bao giờ hết, đặc biệt như nhà, hay xe thông minh với khả năng thu thập và phân tích dữ liệu, giúp cuộc sống trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn. Các doanh nghiệp cũng dần nhận ra rằng IoT sẽ góp phần cải thiện hiệu quả công việc, thúc đẩy kết nối, giảm thiểu sai sót gây ra bởi con người, và nâng cao tính an toàn. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Toàn cầu McKinsey, tác động kinh tế của các ứng dụng IoT trên toàn Thế giới dự đoán sẽ đạt đến 11 nghìn tỷ USD vào năm 2025. 

Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Một khảo sát gần đây của Microsoft cho biết: Theo thế hệ trẻ của Việt Nam, IoT sẽ là công nghệ có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến cuộc sống của họ trong tương lai.  Chính phủ Việt Nam cũng thể hiện sự ủng hộ to lớn đối với làn sóng công nghệ dẫn đầu này. Phòng thí nghiệm IoT đầu tiên tại Việt Nam – phòng thí nghiệm IoT Hoà Lạc, đã được khánh thành tại Hà Nội vào ngày 7/7/2016, nhằm hỗ trợ những công ty khởi nghiệp tập trung vào IoT. 

Còn đối với kinh doanh, khả năng kết nối toàn diện, thu thập dữ liệu và cung cấp các thông tin hiểu biết chuyên sâu chính là những nhân tố tiên quyết được chú trọng hàng đầu. IoT hiện đang được ứng dụng trong rất nhiều ngành công nghiệp, bao gồm ô tô, y tế, bán lẻ, sản xuất và logistics. 

Khi nói về IoT, logistic có lẽ sẽ không phải là đề tài được nhắc đến đầu tiên. Tuy nhiên, trên thực tế, đây lại là ngành công nghiệp dẫn đầu trong cuộc cách mạng IoT. Các nhà cung cấp phải phụ thuộc nhiều vào thông tin mới nhất trên toàn mạng lưới dịch vụ, nhằm đưa ra những quyết định quan trọng.

Tiêu biểu, UPS đã phát triển và ứng dụng phần mềm định vị và chỉ đường tối ưu trực tuyến tích hợp ORION trên các phương tiện giao hàng của UPS tại Mỹ. Hơn 200 thiết bị cảm biến có khả năng giám sát nhiều hoạt động, như liệu người lái có đang đeo dây an toàn không, tốc độ di chuyển, hay thời gian nghỉ của phương tiện. Chỉ trong vòng ba giây, ORION có khả năng kết hợp dữ liệu bản đồ với yêu cầu giao hàng của mỗi người nhận, từ đó gợi ý cung đường ngắn nhất và tiết kiệm nhiên liệu nhất trong số 200.000 lựa chọn, đảm bảo mỗi gói hàng đều được chuyển đến đúng hạn. 

Thách thức cho các nhà cung cấp IoT và các doanh nghiệp công nghệ cao 

Trong bối cảnh sôi động như vậy, sự phát triển của IoT sẽ ảnh hưởng ra sao đến các doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam – những nhân tố chủ chốt tạo nền móng cho ngành IoT?

Năm 2015, các nhà xuất khẩu công nghệ cao đóng góp 25% vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Hiển nhiên, công nghệ là một trụ cột vô cùng quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Trong một ngành công nghiệp đầy cạnh tranh với một tốc độ thay đổi chóng mặt như vậy, các sản phẩm phải được nâng cấp nhanh chóng, đồng thời các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt để trở thành nhà tiên phong trong thị trường. 

Các doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam đang phải thử thách trên nhiều mặt trận.

Dù đang phát triển nhanh chóng, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại về cơ sở hạ tầng. Đồng thời, Việt Nam cũng chưa có một nền công nghiệp được thiết kế chuyên dụng cho sản xuất những thiết bị công nghệ cao nhỏ và phức tạp hơn. Về thương mại điện tử, nhiều người tiêu dùng cũng đang tìm kiếm những sản phẩm tiện lợi, linh hoạt với chi phí thấp hơn. Do đó, các doanh nghiệp công nghệ cao đang phải trải qua những áp lực liên tục nhằm đáp ứng những kỳ vọng gia tăng của cả người bán lẻ và người tiêu dùng trên toàn cầu. 

Cách mạng là cần thiết

Khi mở rộng quy mô kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao hiểu biết đối với những khác biệt về văn hoá, các vấn đề về luật pháp, cũng như các hiệp ước thương mại mới. Đặc biệt, với nhu cầu phát triển những linh kiện IoT ngày một tinh vi, chuỗi cung ứng đang ngày càng dài hơn, và hệ sinh thái logistic cũng ngày càng phức tạp hơn. 

Để vượt qua những thách thức đó, các doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam cần liên tục phân tích, đánh giá, xây dựng chiến lược và hướng triển khai, nhằm tạo ra những dòng lợi nhuận mới, đóng góp vào sự phát triển cao hơn của doanh nghiệp.

Họ có thể bắt đầu bằng việc cơ cấu lại quá trình chuỗi cung ứng của mình. Việc xây dựng một chuỗi cung ứng phản ứng nhanh hơn sẽ cho phép các doanh nghiệp xử lý các biến động theo nhu cầu. Khi tìm nguồn cung ứng từ nhiều nhà cung cấp, các doanh nghiệp có thể theo dõi các đơn đặt hàng của họ bằng các công cụ công nghệ có khả năng hiển thị các lô hàng trong quá trình vận chuyển, cải tiến việc theo dõi và dự báo.

Nhập khẩu và xuất khẩu sẽ không còn quá khó khăn nếu các doanh nghiệp công nghệ cao hợp tác với một bên logistics thứ ba, với khả năng mang lại những hiểu biết chuyên sâu về phân phối, cùng các công nghệ đột phá, phục vụ các nhu cầu logistics của họ. UPS sở hữu một hệ thống vận tải đa phương thức có khả năng vận chuyển hàng hoá đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao tiếp cận khách hàng của họ nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn. 

Bắt kịp làn sóng IoT

Nhằm tận dụng thành công sự phát triển của IoT, các doanh nghiệp công nghệ cao trước hết cần phải hiểu rõ cách vượt qua những thách thức trước mắt, và đứng từ góc nhìn của khách hàng để tiếp cận với đổi mới và vấn đề logistics. Khả năng của IoT là vô tận. Vì vậy, tương lai của các doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam và nền công nghiệp IoT là rất đáng kỳ vọng, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ cao hiểu rõ việc đầu tư cho logistics không hề tốn kém, mà ngược lại, sẽ mang nhiều lợi thế cạnh tranh.

Daryl Tay (Giám đốc điều hành, UPS Việt Nam)