Nhiều chính sách quản lý hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử
Các cơ quan quản lý đã có nhiều chính sách để kiểm soát, siết chặt các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử để đảm bảo tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Những vấn đề phát sinh từ sàn thương mại điện tử
Trong những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ thông tin và thói quen người tiêu dùng đã khiến cho thị trường thương mại điện tử bùng nổ mạnh mẽ. Bên cạnh những ưu việt, thị trường này vẫn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối.
Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) cho thấy, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam năm 2023 đạt trên 25% so với năm 2022, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hoá trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD, đóng góp khoảng 15-17% tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.
Sàn thương mại điện tử tồn tại nhiều vấn đề.
Theo nghiên cứu của Trường Đại học RMIT, tại Việt Nam có hơn một nửa dân số mua sắm trực tuyến, ngành thương mại điện tử dự kiến tăng trưởng 18% trong năm nay, đạt giá trị 22 tỉ USD. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh thứ ba khu vực sau Philippines (23%) và Thái Lan (19%).
Sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử đã giúp cho nhiều cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh thành công. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp có hành vi lừa đảo, gian lận trong kinh doanh thương mại điện tử, ảnh hưởng xấu tới những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Mặt trái sàn thương mại điện tử là chưa kiểm soát triệt để tình trạng sản phẩm kém chất lượng tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của khách hàng. Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, vừa qua, đơn vị này đã tiếp nhận được 1.567 đơn, thư phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó thương mại điện tử chiếm khoảng 5,5%, đứng thứ ba trong số các lĩnh vực kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ nhận được phản ánh nhiều nhất.
Thực trạng trên do các sàn giao dịch chưa có quy trình kiểm tra chặt chẽ đối với thông tin sản phẩm và nhà bán hàng, dẫn đến việc các nhà bán hàng không uy tín lợi dụng để bán hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, một số sàn tập trung vào mở rộng thị phần mà chưa đầu tư đúng mức vào các biện pháp kiểm soát chất lượng nên mới để xảy ra tình trạng hàng kém chất lượng tồn tại.
Một vấn đề nhức nhối nữa là các cá nhân, tổ chức bán hàng trên sàn thương mại điện tử đã tìm cách trốn thuế. Đơn cử như trường hợp Đỗ Mạnh Cường (38 tuổi, trú tại Hà Nội) đã bị Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an Hà Nội khởi tố về tội Trốn thuế. Cụ thể, PC03 phối hợp Cục thuế TP. Hà Nội phát hiện Cường đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên Shopee, Tiki, Lazada từ năm 2019 đến nay với doanh thu hơn 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cường dùng nhiều tài khoản cá nhân khác nhau để nhận tiền thanh toán và không kê khai, nộp thuế theo quy định. Cảnh sát xác định, Cường trốn thuế khoảng 2,5 tỷ đồng, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Cường từng được cơ quan thuế tuyên truyền, nhắc nhở nhưng không chấp hành việc kê khai nộp thuế theo quy định. Bị can được cho là còn thực hiện nhiều hành vi đối phó nhằm che giấu doanh thu, trốn tránh nghĩa vụ thuế.
Bên cạnh trường hợp trên, vẫn còn nhiều trường hợp trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế trên sàn thương mại điện tử. Trong báo cáo gần đây, chính Bộ Công thương cũng thừa nhận, cho dù thu thuế thương mại điện tử năm 2023 đạt gần 100.000 tỷ đồng, tăng 16,1% so với năm 2022, nhưng “vẫn còn thất thu trong lĩnh vực này”.
Theo tìm hiểu, hiện nay, hoạt động lừa đảo, mạo danh các sàn thương mại điện tử đang khiến người dân rất bức xúc. Theo Tiến sĩ Joshua Dwight - giảng viên Đại học RMIT và nghiên cứu viên chuyên về gian lận kỹ thuật số cho biết, thương mại điện tử là mục tiêu bị các đối tượng lừa đảo nhắm đến. Các đối tượng có thể tạo trang website giả mạo có giao diện giống hệt và vẫn kết nối bạn tới trang thương mại điện tử thật. Trang web giả vừa chuyển tiếp thông tin của người dùng đến nền tảng mua sắm thật để hoàn tất các giao dịch hợp pháp, vừa ngầm thu thập dữ liệu của bạn để thực hiện các hành vi lừa đảo trong tương lai. Thậm chí, kẻ xấu có thể tấn công trực tiếp vào các nền tảng thương mại điện tử. Chúng có thể phát động các cuộc tấn công từ chối dịch vụ để “đánh sập” trang web hoặc chèn mã độc hại để khai thác lỗ hổng bảo mật của nền tảng mua sắm.
Đảm bảo công bằng, cạnh tranh và lành mạnh
Để khắc phục những hạn chế của các nền tảng mạng xã hội, một trong những giải pháp căn cơ là cơ quan quản lý nhà nước đã tích cực đưa các chủ thể tham gia kinh doanh thương mại điện tử hoạt động theo khung khổ các quy định của pháp luật.
Vừa qua, lần đầu tiên, khái niệm nền tảng số đã được đưa vào Luật Giao dịch điện tử. Vai trò của các nền tảng giao dịch điện tử, nền tảng số trung gian như Shopee, Lazada… ngày càng được quan tâm, theo đó sẽ tăng cường quản lý nhóm nền tảng số trung gian lớn có số lượng khoảng 3 triệu người dùng trực tiếp. Theo đó, các nền tảng số trung gian có trách nhiệm báo cáo các bộ quản lý chuyên ngành như Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông… các hoạt động định kỳ, hàng năm của mình. Quy định này sẽ giúp bảo vệ tốt hơn quyền lợi người sử dụng dịch vụ thương mại điện tử, xử lý kịp thời những tranh chấp trong giao dịch thương mại điện tử hàng hóa.
Về quản lý hàng giả, hàng kém chất lượng, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, cần sự phối hợp từ các phía như nhà bán hàng, sàn thương mại điện tử và chính người tiêu dùng. Đồng thời, việc thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật và tăng cường giám sát từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ là yếu tố then chốt để xây dựng lòng tin, hướng đến một môi trường thương mại điện tử minh bạch và bền vững.
Về vấn đề quản lý thuế, Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội thông qua. Theo quy định của luật này, từ ngày 1/4/2025, sàn thương mại điện tử sẽ trích nộp thuế thay các hộ/cá nhân kinh doanh trên sàn, dựa trên doanh thu thực tế từ số đơn hàng hộ/cá nhân kinh doanh khởi tạo và giao dịch thành công trên sàn.
Từng sàn thương mại điện tử sẽ trích nộp thuế vào ngân sách nhà nước, khấu trừ thuế cho hộ/cá nhân kinh doanh. Cơ quan thuế sẽ có số liệu về tổng thu nhập của hộ/cá nhân kinh doanh trên sàn. Hộ/cá nhân kinh doanh không cần phải kê khai doanh thu tính thuế cho hoạt động kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, cơ quan quản lý cũng quản lý rất chặt, yêu cầu họ phải đáp ứng đầy đủ các thủ tục pháp lý mới được hoạt động. Cụ thể, gần đây Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã tạm dừng cung cấp dịch vụ và yêu cầu đại diện sàn Temu hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.
Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam
Liên quan các hoạt động thanh toán, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 18, quy định về hoạt động thẻ ngân hàng (thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng...). Trong đó, một số điều khoản sẽ có hiệu lực muộn hơn, từ ngày 1/1/2025 và áp dụng với tài khoản thanh toán cá nhân.
Thông tư quy định, khách hàng chỉ được thực hiện rút tiền và giao dịch thanh toán qua phương tiện điện tử như chuyển tiền online khi đã hoàn tất việc đối chiếu giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản hoặc người đại diện.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật NCS cho rằng, mục đích của việc phải xác thực khuôn mặt là đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch. Giải pháp xác thực sinh trắc học sẽ được thực hiện dựa trên sự so khớp giữa thông tin sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ CCCD do cơ quan công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập (VNeID). Điều này sẽ loại bỏ được tài khoản ảo, tài khoản rác, tài khoản thuê-mượn, đồng thời buộc các đối tượng lừa đảo phải sử dụng tài khoản chính chủ, do chính mình lập ra. Khi xác thực sinh trắc học, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính của chủ tài khoản vi phạm qua đối chiếu với thông tin trên CCCD gắn chip.
Với những chính sách quản lý chặt chẽ, các hoạt động thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ ngày càng phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.
Theo Tạp chí Tin học và Đời sống (Số 1/2025)