Áp lực cạnh tranh lớn trên thị trường thương mại điện tử
Thương mại điện tử tiếp tục được định vị là kênh phân phối hiệu quả nhưng áp lực cạnh tranh trong kinh doanh đồng thời gia tăng gay gắt.
Cơ hội nhiều
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024, tăng 20% so với năm trước, đưa quy mô thị trường sớm vượt mốc 25 tỷ USD. Hiện, thương mại điện tử đang chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Trong nền kinh tế số, tỷ trọng thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị. Với tốc độ tăng trưởng hai con số, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Tuy mới ở giai đoạn thử nghiệm song các phiên livestream trên mạng xã hội của Tổng công ty Viễn thông Viettel đã có 12 triệu lượt xem trong vòng 2 tiếng.
Kết quả khảo sát do công ty CP công nghệ Sapo thực hiện từ 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc cho thấy, có 77% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất một kênh bán hàng trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, website... với quy mô phổ biến từ 1-5 gian hàng.
Nguồn ngân sách quảng cáo của doanh nghiệp, nhà bán hàng được chú trọng đầu tư cho kênh trực tuyến như mạng xã hội Instagram, TikTok, Facebook, sàn thương mại điện tử. Đại diện công ty CP công nghệ Sapo nhấn mạnh: năm 2025, qua khảo sát, phần lớn các dự định của nhà bán lẻ đều nhắc đến việc mở rộng kênh bán trực tuyến.
Đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp bán lẻ, nhà phân phối, năm 2024 cũng ghi nhận các khoản đầu tư liên tục của các mạng xã hội lớn cho các công cụ hỗ trợ tiếp thị nhằm tăng tỷ lệ quảng cáo trúng đích, quảng cáo đúng nhu cầu và quảng cáo sáng tạo. Từ AI tối ưu quảng cáo trên Facebook đến ra mắt hình thức quảng cáo tin nhắn trên TikTok đều góp phần khiến các kênh tiếp thị này được tin tưởng.
Những tháng cuối năm 2024 và tháng đầu năm 2025 là một trong những thời điểm bùng nổ của kinh doanh trực tuyến. Đặc biệt ghi nhận sự xuất hiện dày đặc các phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội với đủ loại hàng hoá, sản phẩm góp phần tạo nên sự sôi động cho chợ Tết từ trực tiếp đến trực tuyến.
Bà Lê Thị Nga - Giám đốc Sapo Social Commerce & Shipping chia sẻ: các phiên livestream có nội dung sáng tạo và tương tác với khách hàng qua minigame có thể tăng tỷ lệ xem đến 35% so với các buổi chỉ giới thiệu sản phẩm thông thường. Khi kết hợp với các dịch vụ vận chuyển nhanh và chính xác, nhà bán hàng sẽ tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ việc tiếp cận khách hàng đến giao hàng tận nơi, giúp tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng.
Áp lực lớn
Tuy đã có một năm sôi động nhưng tốc độ tăng trưởng của các hình thức bán hàng trực tuyến trong năm 2024 vẫn chưa đạt được kỳ vọng, nhất là khi cạnh tranh gay gắt đến từ các sàn thương mại quốc tế gia nhập vào thị trường hay thông quan trực tiếp về Việt Nam như Taobao, Alibaba… Thực tế này khiến áp lực kinh doanh lớn hơn bao giờ hết trên thương mại điện tử.
Kinh doanh trực tuyến đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt trước sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tửMặt khác, các khoản phí nền tảng kinh doanh trên sàn đã tăng so với các năm trước; các khoản thuế được quản lý chặt chẽ và minh bạch hơn. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh bắt buộc phải tối ưu chi phí vận hành. Cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá đang có xu hướng giảm nhiệt, thay vào đó các nhà bán hàng bắt đầu có xu hướng kinh doanh bền vững để đảm bảo lợi nhuận.
Kinh doanh trực tuyến dự báo tiếp tục sôi động hơn trong năm 2025 và những năm tiếp theo khi còn có tới hơn 66% nhà bán hàng quy mô nhỏ và vừa chưa sử dụng livestream do chưa tự tin về cách vận hành hoặc thiếu nguồn lực.
Do đó, trong năm 2025, kinh doanh trực tuyến tiếp tục ghi nhận sự tham gia nhiều hơn của các cửa hàng, hộ kinh doanh, hợp tác xã… trong nỗ lực mở rộng kênh phân phối, góp phần thúc đẩy tiêu dùng, xuất khẩu. Để bắt nhịp nhanh chóng với thị trường và đạt được mục tiêu doanh thu như kỳ vọng, đại diện Sapo cho rằng, các hộ kinh doanh, cửa hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ phù hợp với quy mô và khả năng tài chính, đồng thời dễ dàng mở rộng tính năng khi cần thiết.
Bên cạnh đó, tập trung vào chiến lược nâng cao trải nghiệm khách hàng, chương trình chăm sóc khách hàng nhắm đúng nhu cầu có thể làm tăng tần suất mua sắm; tăng cường khai thác thương mại xã hội để giảm áp lực thuế phí, sáng tạo nội dung, tận dụng các nguồn quảng bá chi phí thấp…