Nhiều nhà đầu tư ngoại mở rộng dự án công nghiệp điện tử tại Việt Nam
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mở rộng các dự án tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử và thu hút thêm các nhà đầu tư mới cho thị trường Việt Nam trong năm 2022.
- Công nghiệp điện tử tăng trưởng trong khó khăn
- Chú trọng liên kết phát triển ngành công nghiệp điện tử
- Lạng Sơn: Nhiều ông lớn "đổ bộ" xin làm điện gió, xây dựng khu đô thị và công nghiệp đầu năm 2022
- Xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025
- TP.HCM đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp - công nghệ hỗ trợ
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Samsung Việt Nam
Ngành điện tử và linh kiện đang là một điểm sáng trong nền kinh tế của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2016- 2020, ngành điện tử và linh kiện đã phát triển rất mạnh mẽ với các dự án đầu tư nước ngoài. Các tập đoàn lớn như Samsung, LG đã đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao với quy mô lớn ở Việt Nam.
Cụ thể, Tập đoàn Samsung đến từ Hàn Quốc đã bắt đầu hoạt động sản xuất tại Việt Nam từ năm 2008 với dự án đầu tư đầu tiên là Nhà máy sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh. Sau đó, Samsung Việt Nam tiếp tục xây dựng một nhà máy sản xuất lớn nữa ở Thái Nguyên (SEVT).
Hoạt động sản xuất của 2 nhà máy này đóng góp rất nhiều vào doanh thu cũng như lợi nhuận của Samsung và ngân sách địa phương. Đây cũng là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn thế giới.
Sau hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, hiện nay Samsung có tổng 6 nhà máy và đang xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội.
Tương tự, Tập đoàn LG (Hàn Quốc) cũng là một tập đoàn lớn đã đầu tư hoạt động ở Việt Nam từ năm 1995. Đến nay, LG sở hữu 3 nhà máy sản xuất các mặt hàng chính của LG bao gồm: LG Electronics Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử; LG Innotek Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất và bán các linh kiện điện tử và LG Display Vietnam Hai Phong chuyên sản xuất màn hình LCD và OLED.
Ngoài Samsung, LG, dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nổi bật khác là Intel products Việt Nam-dự án đầu tư của Mỹ từ năm 2006 và đi vào hoạt động vào năm 2010.
Đây là khoản đầu tư về công nghệ cao lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam với hơn 1 tỷ USD, đưa Intel products Việt Nam trở thành cơ sở sản xuất lắp ráp và kiểm định lớn nhất trong mạng lưới của Intel trên toàn thế giới.
Bên cạnh Samsung, Intel cũng là một cái tên giúp thu hút đầu tư lớn từ nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao nhờ vào bước tiến về công nghệ cũng như sản xuất. Đầu năm 2021, Intel đã tăng vốn thêm 475 triệu USD.
Đại diện Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại cho biết: một tên tuổi nổi tiếng khác về lĩnh vực điện tử là Foxconn Technology Group đến từ Đài Loan (Trung Quốc), tập đoàn có hàng trăm chi nhánh trên khắp thế giới.
Tập đoàn Foxconn được biết đến là đối tác cung ứng, sản xuất linh kiện chính của Apple, chuyên sản xuất các thiết bị liên quan đến máy tính, hàng điện tử, công nghệ thông tin…, các sản phẩm của Apple được gia công, sản xuất ở Việt Nam như AirPods, Apple Watch, iPad, Macbook.
Sẽ là thiếu sót nếu đề cập tới sự phát triển mạnh mẽ của ngành điện tử và linh kiện với các dự án đầu tư nước ngoài mà không nhắc tới Công ty TNHH Canon Việt Nam là thành viên của Tập đoàn Canon (Nhật Bản) với các sản phẩm chính là máy in.
Canon Việt Nam hoạt động từ năm 2001 và đến nay có 3 nhà máy sản xuất chính gồm: Nhà máy Thăng Long (Hà Nội) chuyên sản xuất các loại máy in phun, máy quét ảnh; Nhà máy Quế Võ (Bắc Ninh) chuyên sản xuất các loại máy in lazer; Nhà máy Tiên Sơn (Bắc Ninh) chuyên sản xuất các loại máy in phun.
Đại diện Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại cũng đề cập tới Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Goertek Vina thuộc Tập đoàn Goertek Technology đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) chuyên nghiên cứu và sản xuất các thiết bị công nghệ. Dự án đầu tiên của Goertek ở Việt Nam là vào năm 2013 tại Bắc Ninh. Hiện nay, Tập đoàn này đang khởi công xây dựng một nhà máy nữa ở Nghệ An.
Có thể thấy, ngành điện tử và linh kiện ở Việt Nam dù mới hình thành nhưng tăng trưởng rất mạnh mẽ. Việt Nam đã vươn lên nhóm các nước xuất khẩu hàng điện tử chủ chốt, từ mức thứ 47 trong năm 2001 lên vị trí thứ 11 trong năm 2020.
Việc các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng các dự án sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử và thu hút thêm các nhà đầu tư mới cho thị trường nước nhà trong năm 2022.
Theo/haiquanonline.com.vn