Nhiều smartphone sẽ đại hạ giá?
02:00, 21/02/2013
Các hãng công nghệ liên tiếp cho ra đời những sản phẩm thế hệ mới sẽ khiến cho thị trường điện thoại thông minh (smartphone) tại Việt Nam có sự cạnh tranh gay gắt và việc giảm giá là tất yếu.
Smartphone sẽ cạnh tranh về giá
Dự báo về thị trường điện thoại thông minh trong năm 2013, đại diện một hãng công nghệ lớn tại Việt Nam cho rằng, giá hầu hết các loại điện thoại thông minh sẽ “tụt dốc”, do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ di động hiện nay. Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Toàn (Giám đốc Daotoangroup) cho hay, khi các hãng công nghệ liên tục “chạy đua” ra mắt sản phẩm để cạnh tranh, giành thị phần thì giá cả sẽ ngày càng hạ. Đây là cơ hội để người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm phù hợp với túi tiền cũng như nhu cầu sử dụng của mình. Trong cuộc đua này, các dòng điện thoại Trung Quốc có đầy đủ tính năng một chiếc smartphone đẳng cấp với giá chỉ từ 1,5 triệu đồng có nhiều lợi thế và thúc đẩy cạnh tranh.
Người tiêu dùng nên chọn mua smartphone theo nhu cầu thực tế, không nên chạy theo mốt
Theo giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp bán lẻ điện thoại, máy tính lớn tại Việt Nam, năm 2012 mới chỉ là năm khởi đầu cho sự sôi động của thị trường smartphone. “Trong tháng 12-2012, thị trường smartphone chiếm khoảng 45% thị phần và dự kiến sẽ lên đến 70% trong năm 2013 khi mà các chuỗi bán lẻ đều tập trung vào dòng sản phẩm này”. Điều này buộc các hãng công nghệ phải liên tục đổi mới và phát huy thế mạnh sẵn có của mình.
Theo đại diện của Sony Việt Nam, hãng này sẽ tập trung khai thác thế mạnh về công nghệ hình ảnh, âm thanh và nhiều tính năng độc đáo khác để đưa ra thị trường những chiếc điện thoại thông minh, cao cấp hàng đầu Việt Nam. Kèm theo đó là mức giá dễ chấp nhận để giành thị phần.
Người dùng phải thông minh
Cùng với việc nhiều hãng công nghệ liên tiếp cho ra đời những chiếc điện thoại thông minh với thiết kế độc đáo trong năm 2012, “công nghệ truyền thông” cũng khiến những chiếc smartphone trở nên hấp dẫn hơn. Một số sản phẩm bị “thổi giá” khiến người dùng hao tốn không ít tiền của để sở hữu những chiếc điện thoại mơ ước. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian sử dụng ngắn ngủi, không ít dòng điện thoại đã sụt giá mạnh khiến người dùng cảm thấy tiếc nuối, không chỉ bởi do số tiền bỏ ra lớn mà còn bởi cảm giác chiếc điện thoại vừa mua bị mất giá.
Gần đây nhất là sự giảm giá mạnh của các “gương mặt quen thuộc” như: Apple với iPhone 5 và Samsung với Galaxy SIII, Note 2. Có một thực tế là smartphone nào càng “hot” càng được thổi giá cao thì “tụt giá” càng nhanh chóng. Tháng 9-2012, iPhone 5 (phiên bản 16GB, màu đen) khi mới có mặt ở Việt Nam với giá khoảng 23 triệu đồng/chiếc thì đến nay, sau khoảng 4 tháng, “siêu phẩm” này chỉ còn 14,99 triệu đồng. Trong khi đó, Samsung Galaxy Note II lúc đầu có giá 16 triệu đồng (tháng 10-2012) nay đã “tụt” về mức giá 12,5-14 triệu đồng/chiếc. Điện thoại Samsung Galaxy SIII hồi tháng 6-2012 có giá 15,9 triệu đồng/chiếc, nay chỉ còn 10-12 triệu đồng/chiếc. Bên cạnh đó, Nokia Lumia 710 cũng giảm từ 6,3 triệu đồng/chiếc (tháng 4-2012) xuống còn 4,5-4,9 triệu đồng/chiếc, Lumia 610 là 4,99 triệu đồng/chiếc (tháng
5-2012) xuống 3,8 triệu đồng/chiếc... Hay với sản phẩm Sony Xperia S ở thời điểm mới có mặt trên thị trường theo đường xách tay rơi vào 16,5 triệu đồng. Khi Sony chính thức tung sản phẩm vào cuối tháng 8-2012, mức giá vào khoảng gần 14 triệu đồng thì nay chỉ còn chưa đến 7 triệu đồng/chiếc.
Giám đốc hệ thống bán lẻ điện thoại CellphoneS cho biết, sự ra mắt liên tục của các hãng điện thoại với những cải tiến về công nghệ đã khiến người dùng có nhiều sự lựa chọn. Thêm vào đó, có hãng liên tục ra dòng sản phẩm thông minh cũng khiến giá bị tụt bởi “lớp sau đè lớp trước”.
Bởi vậy, người dùng cần tỉnh táo khi lựa chọn cho mình những “siêu phẩm” di động, không chỉ là việc sở hữu một chiếc điện thoại thông minh với giá cao ngất ngưởng rồi nhanh chóng xuống giá, mà cần sẵn sàng khai thác hết các tính năng của chiếc điện thoại hiện đại đó. Việc khai thác tính năng này hầu hết sẽ “móc túi” thêm của người tiêu dùng để trả cho các doanh nghiệp viễn thông hay doanh nghiệp nội dung. Nhiều chuyên gia lĩnh vực này cho rằng, nên đợi 2-3 tháng sau khi sản phẩm có giá dễ chấp hơn mới chọn mua; đồng thời không nên chạy đua sở hữu sản phẩm công nghệ bởi cuộc đua của các nhà sản xuất chưa có dấu hiệu lắng xuống.
Theo ANTĐ