Nhiều trường ĐH 'top' đầu công bố điểm sàn xét tuyển

09:40, 23/07/2024

Đến ngày 22/7, có nhiều trường đại học lớn đã công bố điểm sàn xét tuyển năm 2024.

Học viện Ngoại giao vừa công bố điểm sàn xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Học viện như sau:

Điểm sàn xét tuyển đại học năm 2024 của Học viện Ngoại giao - Ảnh: VGP/NN

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được tính theo thang điểm 30, gồm tổng điểm 3 môn của tổ hợp xét tuyển trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, chưa nhân hệ số và đã bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng theo quy định của Bộ GDĐT.

Với cá thí sinh xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 12/20 điểm (được xác định dựa trên kết quả phỏng vấn do Học viện tổ chức).

Điểm sàn của Học viện Ngoại giao năm 2024 cao hơn năm trước 0,5 điểm ở tất cả các tổ hợp xét tuyển.

Năm 2024, Học viện Ngoại giao tổ chức tuyển sinh 2.200 chỉ tiêu, trong đó 70% số chỉ tiêu dành cho các phương thức xét tuyển sớm. Còn với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Học viện bố trí 550 chỉ tiêu.

Theo công bố của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đại học chính quy là 23,5 điểm (thang điểm 30, đã cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực).

Tuyển sinh các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là 20 điểm (thang điểm 30, đã cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực).

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 2.300 chỉ tiêu các chương trình đại học chính quy do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng và 400 chỉ tiêu các chương trình đại học chính quy do đối tác nước ngoài cấp bằng.

Cụ thể, các ngành tuyển sinh do Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng gồm: Quản trị kinh doanh; Tài chính – Ngân hàng; Kế toán; Kinh tế; Kinh tế quốc tế; Kinh tế phát triển.

Các ngành tuyển sinh do đối tác nước ngoài cấp bằng: Quản trị kinh doanh do Đại học Troy, Hoa Kỳ cấp bằng; Quản trị kinh doanh do Đại học St.Francis, Hoa Kỳ cấp bằng.

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh theo các phương thức sau:

Xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024: Xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực học sinh bậc trung học phổ thông do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức

Xét tuyển chứng chỉ quốc tế: Xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả học tập bậc trung học phổ thông và phỏng vấn; Xét tuyển chứng chỉ quốc tế khác (SAT, ACT, A-Level)

Xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Xét tuyển thẳng theo quy định Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển dự bị đại học; Xét tuyển thẳng theo quy định Đại học Quốc gia Hà Nội và xét tuyển dự bị đại học; Xét tuyển lưu học sinh; Xét tuyển ngành Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao.

Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng vừa công bố điểm sàn xét tuyển năm 2024.

Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (mức điểm nhận đăng ký xét tuyển) cho các chương trình đào tạo đại học do Đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng và đồng cấp bằng.

Chi tiết như sau:

Điểm sàn xét tuyển đại học năm 2024 của Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: VGP/NN

Năm 2024, Trường Quốc tế tuyển sinh 11 ngành đào tạo do đại học Quốc gia Hà Nội cấp bằng/đồng cấp bằng năm 2024. Theo đó, trường tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu với 5 phương thức xét tuyển chính.

Trường áp dụng các phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GDĐT và quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển theo kết quả kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; Xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp một trong ba kết quả: Kết quả học tập bậc THPT; Kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của của Đại học Quốc gia Hà Nội; Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Xét tuyển các phương thức khác, gồm: Xét tuyển theo kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM; Xét tuyển các chứng chỉ quốc tế, kết quả các kì thi chuẩn hóa, bao gồm: Chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge, Anh (A-Level); Kết quả kì thi chuẩn hóa SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ); Xét tuyển thí sinh quốc tế đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ GD&ĐT.

Học viện Tài chính có điểm xét tuyển của thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là từ 20 điểm trở lên đối với chương trình chuẩn và từ 21 điểm trở lên đối với chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế theo từng mã xét tuyển.

Mức điểm sàn này là tổng điểm 3 môn thi thuộc một trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển (đã cộng điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng).

Năm 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Học viện Tài chính (dự kiến) là 4.500 trong đó: Chương trình chuẩn là 3.100; Chương trình đào tạo định hướng CCQT là 1.280; Chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng cử nhân – DDP là 120.

Chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi THPT ít nhất bằng 60%; xét tuyển dựa vào kết quả đánh giá năng lực, đánh giá tư duy ít nhất 5%, số còn lại xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và xét tuyển kết hợp.

Năm 2023, với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Hải quan và Logistics - 35,51 điểm (chương trình chất lượng cao, môn tiếng Anh nhân hệ số 2).

Ở chương trình chuẩn, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Quản trị kinh doanh với 26,17 điểm.

Với phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT, điểm chuẩn cao nhất là 29,5 với các ngành: Tài chính doanh nghiệp, Kế toán doanh nghiệp, Tài chính - ngân hàng 3, Hệ thống thông tin quản lý.

Học viện Ngân hàng cũng đã công bố điểm sàn xét tuyển theo phương thức xét điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo đó, đối với chương trình đào tạo tính điểm xét tuyển trên thang điểm 30, Học viện Ngân hàng quy định mức điểm sàn nhận hồ sơ là 21 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên theo quy chế tuyển sinh hiện hành).

Đối với chương trình đào tạo tính điểm xét tuyển trên thang điểm 40, Học viện áp dụng mức điểm sàn nhận hồ sơ là 28 điểm (đã bao gồm điểm ưu tiên theo quy chế tuyển sinh hiện hành).

Trong khi đó, năm 2023, chương trình đào tạo chất lượng cao, tính điểm xét tuyển trên thang 40 (môn Toán nhân hệ số 2) có mức điểm sàn nhận hồ sơ thấp hơn – 26 điểm, gồm điểm ưu tiên. Các chương trình còn lại, điểm sàn xét tuyển là 20, tính theo thang 30.

Năm 2024, Học viện Ngân hàng dự kiến tuyển sinh 3.514 chỉ tiêu với 5 hình thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Xét kết quả học tập THPT (xét học bạ; Xét kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực; Xét chứng chỉ quốc tế (CCQ; Xét kết quả thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Năm 2023, điểm chuẩn trúng tuyển Học viện Ngân hàng theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2023 dao động quanh mức 25-26 điểm.

Ngành Luật kinh tế có điểm trúng tuyển cao nhất - 26,5/30 điểm.

Học viện có 4 chương trình chất lượng cao lấy điểm chuẩn theo thang 40, mức trúng tuyển dao động 32,6 đến 32,75 điểm.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/nhieu-truong-dh-top-dau-cong-bo-diem-san-xet-tuyen-102240722131656344.htm