Những chính sách, quy định mới về giáo dục có hiệu lực từ năm 2023
Nhiều Nghị định, Thông tư, Quyết định mới có liên quan đến lĩnh vực giáo dục sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ năm 2023 như sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài, thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục,…
Sáp nhập Trường ĐH Nội vụ Hà Nội vào Học viện Hành chính Quốc gia
Quyết định 27/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia trực thuộc Bộ Nội vụ được ban hành ngày 19/12/2022, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Quyết định này thay thế Quyết định 05/2018/QĐ-TTg ngày 23/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia; bãi bỏ Quyết định 2016/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường ĐH Nội vụ Hà Nội; Quyết định 468/QĐ-BNV ngày 3/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường ĐH Nội vụ Hà Nội;
Bên cạnh đó, bãi bỏ Quyết định 5989/QĐ-BGDĐT ngày 21/12/2016 của Bộ GD&ĐT về việc thành lập Phân hiệu Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại tỉnh Quảng Nam; Quyết định 5600/QĐ-BGDĐT ngày 27/12/2018 của Bộ GD&ĐT về việc thành lập Phân hiệu Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tại TPHCM.
Theo Quyết định mới, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội sẽ được sáp nhập vào Học viện Hành chính Quốc gia. Trường ĐH Nội vụ Hà Nội có trách nhiệm chuyển toàn bộ nhân sự, tài chính, tài sản hiện có của trường vào Học viện.
Học viện Hành chính Quốc gia có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí, sắp xếp, quản lý và sử dụng nhân sự, tài chính, tài sản của Trường ĐH Nội vụ Hà Nội theo quy định; xây dựng phương án tự chủ tài chính, phương án quản lý, xử lý tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Học viện tiếp nhận và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Trường ĐH Nội vụ Hà Nội, bảo đảm quyền lợi của học viên, sinh viên; cấp văn bằng, chứng chỉ đối với học viên, sinh viên theo quy định của pháp luật; kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Trường ĐH Nội vụ Hà Nội đã và đang triển khai thực hiện.
Nhiều chính sách, quy định mới về giáo dục có hiệu lực thi hành từ năm 2023.
Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học
Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học
Nghị định này quy định về tổ chức và quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học; hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2023. Đồng thời Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài
Ngày 15/12/2022, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 18/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư số 06/2016/TT-BGDĐT ngày 21/3/2016 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Quy chế này áp dụng đối với việc tuyển sinh ở cả bậc đại học, cao đẳng sư phạm, thạc sĩ, tiến sĩ,…
Thông tư 18/2022/TT-BGDĐT sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/1/2023.
Về nội dung, Thông tư mới đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư 06/2016/TT-BGDĐT (như ở khoản 1, khoản 2 Điều 1; Điều 2; Điều 3; Điều 9; điểm c khoản 1 trong Điều 10;…). Bên cạnh đó, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ, khoản, điều và phụ lục của Quy chế tuyển sinh đi học nước ngoài ban hành kèm theo Thông tư 06/2016/TT-BGDĐT.
Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ GD&ĐT, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh
Thông tư 19/2022/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Thông tư này được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc ký ngày 22/12/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/12/2023 và thay thế Thông tư 01/2018/TT-BGDĐT ngày 26/1/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Tại Thông tư 19/2022/TT-BGDĐT có liệt kê đầy đủ các thiết bị dạy học tối thiểu cho môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh tại trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học (áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học được giao tự chủ giảng dạy và trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh).
Cụ thể, tài liệu (giáo trình 2 tập); tranh in hoặc tranh điện tử (bộ tranh vũ khí bộ binh, bộ tranh mìn bộ binh, sơ đồ tổ chức quân đội và tổ chức công an,…); bản đồ quân sự (bản đồ địa hình quân sự, ống nhòm, thước chỉ huy,…); mô hình vũ khí (mô hình súng tiểu liên AK luyện tập; súng tiểu liên AK, CKC, B40, B41 cắt bổ,…); máy bắn tập (máy bắn tập: MBT- 03; TBS-19/AK; HLAK-20,…) và các thiết bị khác.
Cơ sở giáo dục thường xuyên được quản lý bởi 2 bộ
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 1 năm 2023, theo đó ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Quy chế này có hiệu lực từ 22/2. Theo đó, Trung tâm GDNN-GDTX là cơ sở GDTX thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước về GDTX của Bộ GD&ĐT; hoạt động GDNN của Bộ LĐ-TB&XH đồng thời chịu sự quản lý nhà nước trên địa bàn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trung tâm đặt trụ sở chính. Trung tâm thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.
Trung tâm sẽ tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục, đào tạo gồm chương trình xóa mù chữ; chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT cho đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người tàn tật, khuyết tật, đối tượng trong độ tuổi học phổ thông theo kế hoạch hằng năm của địa phương, người lao động có nhu cầu hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục
Quyết định số 4597/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc ban hành quy định kỹ thuật về dữ liệu trong thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục
Quy định này áp dụng đối với: Các cơ sở giáo dục (CSGD) bao gồm: CSGD mầm non, CSGD phổ thông, CSGD thường xuyên, CSGD đại học, trường cao đẳng sư phạm và trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non. Quy định cụ thể các nội dung sau: Quy định cấu trúc thông tin tối thiểu của giao dịch thanh toán cần lưu trữ khi triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với việc thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục; quy định về định dạng cấu trúc và thành phần dữ liệu QR Code trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; yêu cầu về kết nối giữa hệ thống thanh toán của CSGD với hệ thống của tổ chức cung ứng dịch vụ.
Chân Hoàn (T/h)