Những "ngón nghề" lừa đảo qua điện thoại

09:22, 22/02/2011

Các trò lừa đảo trên điện thoại đang có sự bùng phát mạnh. Đã có không ít người trở thành nạn nhân và các cơ quan chức năng cũng phải đau đầu khi tìm giải pháp đối phó. Trong lúc đó, danh sách người bị lừa gạt vẫn không ngừng tăng lên.

         Tin nhắn gài bẫy

            Tin nhắn (TN) lừa đảo đã hình thành từ lâu, hiện diện trên nhiều đầu số, đặc biệt như 6xxx, 7xxx, 8xxx. Nếu như một TN bình thường chỉ có giá cước khoảng 300 đồng thì TN cho các đầu số này thường từ 3.000- 15.000 đồng /tin. Theo tính toán, chỉ cần một ngày nhận được khoảng 100 TN có giá 15.000 đồng thì chủ nhân sở hữu dịch vụ giá trị nội dung kia sẽ thu được khoản lợi nhuận lên tới 1.500.000 đồng (trong đó 50% chia cho nhà mạng, 50% còn lại của kẻ lừa đảo).

            Sáng chủ nhật, Kiên, nhân viên một công ty XNK thiết bị Y tế  nhận được TN từ một số điện thoại lạ thông báo mình nhận được quà tặng âm nhạc “đặc biệt” từ một người bạn và yêu cầu phải gửi một TN theo cú pháp đến số điện thoại 8xxx. Vì hôm nay là sinh nhật của mình nên Kiên không nghi ngờ và cũng một phần vì tò mò muốn biết ai lại quan tâm đến sinh nhật của mình sớm như thế nên đã nhắn tin theo yêu cầu. Sau một hồi làm theo hướng dẫn, Kiên không nhận được quà sinh nhật nào mà tài khoản mất 50.000 đồng

            Phản ánh của cộng đồng mạng, hiện tại có khá nhiều những kiểu lừa đảo bằng tin nhắn cực kỳ tinh vi mà nếu người nhận được các tin nhắn ấy không tỉnh táo thì sẽ rất dễ bị mắc bẫy. Theo nhân viên trung tâm chăm sóc khách hàng Vietnamobile, thì hiện tại, có sự gia tăng mạnh kiểu tin nhắn lừa đảo lợi dụng việc làm từ thiện. Ăn theo sự kiện Bộ Thông tin - truyền thông thành lập cổng thông tin ủng hộ nhân đạo quốc gia 140x (các đầu số từ 1400-1409) để mọi người làm từ thiện qua tin nhắn, những kẻ lừa đảo cũng lợi dụng việc này để trục lợi. Theo đó, các đầu số dịch vụ sẽ gửi thông báo spam đề cập đến một chương trình ủng hộ từ thiện nào đó và yêu cầu mọi người gửi tin nhắn theo cú pháp đến số điện thoại được chỉ định để ủng hộ tiền trong tài khoản của mình cho những người nghèo khó, gặp nạn, thiên tai,… Tuy thế, tiền ủng hộ thu được sẽ lọt hết vào tay của kẻ lừa đảo.

Phần mềm lừa đảo

Nếu như với TN gài bẫy, kẻ gian phải tốn công gửi tin đi để dụ người khác nhắn tin lại thì các phần mềm lừa đảo sẽ tự động thực hiện việc đó. Vì thế, sự nguy hiểm cũng như tác hại còn lớn hơn rất nhiều lần.

Hà, thủ thư một trường ĐH tại TP.HCM, một lần nhận được email lạ giới thiệu về một “game giải trí hay nhất cho điện thoại năm 2010”, chị đã tò mò tải về và cài đặt, chơi thử. Tuy thế, chơi chưa được 5 phút thì Hà tắt game đi và bỏ quên nó vì nội dung game khá nhàm chán. Sự việc tưởng chừng chỉ có vậy nhưng sáng hôm sau, chị hết hồn khi gần 1,5 triệu trong tài khoản đã hết sạch. Gọi lên tổng đài, chị được yêu cầu đến trung tâm giao dịch của nhà mạng để làm đơn giải trình. Tại đây, chị nhận được bản kê khai chi tiết cho thấy điện thoại của chị liên tục gửi 100 TN cho một đầu số cung cấp dịch vụ GTGT trên điện thoại với cước phí mỗi TN lên tới 15.000 đồng.

Theo Sơn, thành viên diendangame.vn cho hay, phần mềm lừa đảo trên điện thoại có khá nhiều loại nhưng phổ biến nhất vẫn là các trò chơi. Kẻ gian lên mạng, lấy code của những game cũ, chỉnh sửa lại một chút rồi đặt thêm tính năng tự động gửi TN đến đầu số đã được chọn vào trong game rồi đóng gói và phát tán bằng email spam. Nếu có ai vô tình cài đặt là coi như mất hết tiền trong tài khoản. Ngoài game, còn có khá nhiều phần mềm chức năng khác cũng có khả năng nhắn tin ngầm mà khổ chủ không biết và cách thức hoạt động của chúng cũng tương tự như với các game ở trên.

Hack SIM

Nếu như tin nhắn gài bẫy mang lại số tiền tối đa là 15.000 đồng /tin và có thể bị phát hiện tức thời thì phần mềm lừa đảo lấy có thể lấy được hết tiền trong tài khoản mà nạn nhân không hề hay biết. Tuy thế, “trò” phần mềm lừa đảo thì là “cỏn con” so với “chiêu” hack SIM bởi hack SIM có thể giúp kẻ gian trộm được, không chỉ tiền trong tài khoản mà còn có thể bán lại tài khoản ấy cho người khác hoặc lấy hết tiền trong ngân hàng khi SIM đó được liên kết với tài khoản ngân hàng của khổ chủ.

Hack SIM chính thức được hình thành khi những kẻ lừa đảo phát hiện ra khả năng trục lợi từ việc chủ nhân của SIM đăng ký số điện thoại của mình vào các dịch vụ giao dịch bằng TN thông qua tiền trong tài khoản ngân hàng. Bằng cách này, chỉ cần biết được mã số bảo mật của tài khoản “ví điện tử” trong điện thoại thì những tên lừa đảo có thể dễ dàng lấy hết tiền tiết kiệm của nạn nhân.

Phản thận trọng tối đa

Theo các chuyên gia, tình trạng lừa đảo trên điện thoại đã chuyển sang nhiều kiểu biến tướng khác nhau rất tinh vi và người dùng cần thận trọng tối đa để tránh bị lừa và mất tiền oan ức cho những việc này. Một đại diện của Vietnamobile cho hay, khi nhận được những TN yêu cầu phải reply lại theo cấu trúc đã được “gài” sẵn, người dùng không nên làm theo vì 99,99% những TN như vậy sẽ khiến bạn mất tiền một cách oan ức bởi đó là lừa đảo. Thậm chí, nếu nhận được TN từ tổng đài (với các đầu số 090, 095, 099,…) thì tốt nhất nên gọi lên tổng đài để kiểm tra lại trước khi làm theo. Những số tổng đài mà bạn có thể liên lạc khi khẩn cấp là, Mobifone (18001090), Sfone (905), Vinaphone (18001091), Viettel (198), Vietnamobile (123 hoặc 456), Beeline (199),…

Với các TN lừa đảo dạng làm từ thiện, người dùng nên trực tiếp nhắn tin vào cổng thông tin ủng hộ nhân đạo quốc gia 140x (các đầu số từ 1400-1409) – và tham khảo các chương trình từ thiện phát động của Việt Nam trên cổng này ở địa chỉ http://1400.vn. Theo ông Nguyễn Phương Hiền, phó giám đốc kinh doanh Trung tâm Dịch vụ GTGT Vinaphone, nhà mạng xác định một nguyên tắc là hoạt động từ thiện phải qua cổng thông tin nhân đạo quốc gia. “Chúng tôi không ủng hộ việc các doanh nghiệp tự động làm từ thiện trên các đầu số kinh doanh của mình. Nếu họ có nhờ hỗ trợ, chúng tôi cũng sẽ chỉ qua cổng thông tin nhân đạo quốc gia”. Ngoài ra, “việc doanh nghiệp dùng đầu số kinh doanh để làm từ thiện sẽ dễ nhập nhằng, vừa làm khó cho nhà mạng vừa khiến người dùng dễ nhầm lẫn giữa hoạt động kinh doanh và từ thiện”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Trung tâm Dịch vụ giá trị gia tăng MobiFone cho hay.

            Khi sử dụng các dịch vụ ví điện tử hoặc liên kết số điện thoại của mình với tài khoản ngân hàng để tham gia các dịch vụ chi trả bằng TN, điều quan trọng là bạn cần phải kiểm tra giao dịch trong tài khoản để có thể kiểm soát số tiền 24/7. Theo đại diện của ngân hàng Navibank, hiện tại một số ngân hàng như Navibak có tổng đài tự động (miễn phí) để giúp khách hàng biết khi có các giao dịch mới phát sinh và việc này đã giúp cho nhiều người dùng giữ được nguyên vẹn số tiền trong ngân hàng trước kẻ lừa đảo. Tuy thế, với một số ngân hàng thì bạn cần phải trả phí để được mua tin nhắn thông báo.

            Một vài nhà mạng di động đã chính thức chặn tin nhắn gửi đến cho các đầu số của những công ty game để ngăn chặn kẻ lừa đảo lợi dụng lấy cắp tiền khách hàng của mình. Các nhà mạng hiện cũng đã lập các bộ phận chuyên môn nhằm kiểm soát các giao dịch trên tài khoản của khách hàng và khi có các giao dịch bất thường hoặc tăng mức cước quá mức, sẽ chủ động liên lạc với khách hàng để tìm hiểu thông tin. 

Hà Si

TIN LIÊN QUAN