Những “ông vua” của Thung lũng Silicon "chênh vênh" vì AI
Apple, Meta, Google và Tesla, những gã khổng lồ công nghệ từng dẫn đầu làn sóng đổi mới, lại đang có vị thế không mấy chắc chắn trong làn sóng AI…
Wall Street Journal ví von những đế chế này đang bước vào độ tuổi trung niên. Họ từng là những doanh nghiệp công nghệ tiên phong, thách thức các ngành công nghiệp truyền thống. Thế nhưng, giờ đây, họ cũng phải “bối rối” trước làn sóng công nghệ mới – AI.
Trong báo cáo tài chính mới nhất, CEO Apple Tim Cook đã phải trấn an các nhà đầu tư, kêu gọi họ kiên nhẫn với chiến lược "chậm mà chắc" của Apple trong cuộc đua AI, khi mà hãng điện thoại giá trị nhất thế giới đang bị các đối thủ như Samsung hay các hãng điện thoại Trung Quốc bỏ lại.
Tương tự, CEO Meta Mark Zuckerberg đang nỗ lực triển khai các công cụ AI mới nhằm giữ chân người dùng, bảo vệ nguồn thu quảng cáo vốn rất quan trọng với công ty.
Ngay cả Elon Musk, tỷ phú nổi tiếng với sự táo bạo, cũng đang vật lộn trong cuộc cạnh tranh AI. Ông phải tìm cách trấn an các nhà đầu tư trước đà giảm giá cổ phiếu của Tesla. Elon Musk từng tuyên bố: “Chúng ta chưa đến bờ vực sụp đổ, thậm chí chưa từng đến”. Tuy nhiên, câu nói này không giấu nổi áp lực lớn mà ông và Tesla đang phải đối mặt.
"Thất bại không phải vì làm sai, mà làm đúng nhưng theo cách cũ"
Trong cuốn sách kinh điển được xuất bản từ cách đây hơn hai thập kỷ “Nghịch lý nhà đổi mới” , tác giả Clayton Christensen có viết nhiều công ty thành công có thể thất bại không phải vì họ làm sai, mà vì họ làm đúng… nhưng theo cách cũ. Trong khi đó, những doanh nghiệp nhỏ hơn, ít bị ảnh hưởng bởi thành công quá khứ, lại dễ dàng tạo ra những đột phá mới, thậm chí mở ra cả thị trường mới. Khi ấy, “người mới” có thể dần dần thay thế những “gã khổng lồ” từng thống trị.
Trước đây, nhiều độc giả tìm đến cuốn “Nghịch lý nhà đổi mới” để lý giải cho làn sóng bùng nổ công nghệ trong thời kỳ dot-com – thời điểm đặt nền móng cho thế hệ những “người hùng” đầu tiên của Thung lũng Silicon. Ngày nay, khi trí tuệ nhân tạo (AI) nổi lên, người ta cũng lại thấy nhiều điểm tương đồng.
Giống như Internet từng được xem là một công nghệ đầy hứa hẹn, có khả năng thay đổi mọi ngành nghề, AI hiện tại cũng mang theo những kỳ vọng lớn lao. Tuy nhiên, ở thời điểm này, mọi thứ vẫn còn khá mơ hồ: AI sẽ được ứng dụng như thế nào, ai sẽ là người dẫn đầu, và khi nào sự thay đổi thực sự diễn ra. Tất cả vẫn đang là những câu hỏi chưa có lời đáp.
Lịch sử từng chứng minh không phải ai đi đầu cũng giành chiến thắng. Pets.com, một cái tên nổi bật trong thời kỳ dot-com từng được kỳ vọng rất lớn, nhưng nhanh chóng sụp đổ vì chiến lược chưa phù hợp với thực tế.
Năm 2007, khi Apple ra mắt chiếc iPhone đầu tiên, tác giả Clayton Christensen, thời điểm đó là Giáo sư tại Đại học Harvard, không coi đây là mối đe dọa lớn đối với ngành điện thoại di động. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại, iPhone không chỉ làm thay đổi cách con người giao tiếp, mà còn mở ra cả một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên điện toán di động và nền kinh tế ứng dụng.
Chưa có nền tảng AI nào thực sự chiếm thế thượng phong trong cuộc đua AI, kể cả mô hình của các ông lớn - Ảnh: Getty Images.
Làn sóng đổi mới thường làm thay đổi trật tự
Tuy nhiên, những “tay chơi” từng làm chấn động nền công nghệ thế giới giờ đây có phần lúng túng trong cơn sóng AI. Phản ứng của Apple trước sự bùng nổ của AI bị nhiều nhà quan sát cho là chậm trễ.
Mặc dù Google đã ra mắt trợ lý AI Gemini, tuy vậy, chưa thể khẳng định công cụ này có đủ sức bảo vệ mảng kinh doanh trụ cột là quảng cáo. Bởi vì thói quen người dùng đang thay đổi nhanh chóng. Thay vì tìm kiếm và nhấp vào các liên kết quảng cáo, họ ngày càng có xu hướng hỏi thẳng chatbot.
Khi chưa có nền tảng AI nào thực sự chiếm thế thượng phong trong cuộc đua AI, nhất là khi những ông lớn công nghệ còn đang “theo sau” nhiều mô hình của các tay chơi mới. Điều đó thúc đẩy nhiều nhà đầu tư tăng cường đặt cược vào những startup AI tiềm năng – những “kẻ ngáng đường” có thể thay đổi cục diện trước các ông lớn công nghệ.
Dĩ nhiên, tiềm lực tài chính sẽ là bàn đạp quan trọng giúp các công ty trẻ có thể vượt lên và chiếm lĩnh thị trường, bất chấp việc các ông lớn đã đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu AI từ lâu.
Dù vậy, công bằng mà nói, chưa có tập đoàn nào trong số này thật sự sa sút. Trái lại, họ vẫn là những trụ cột vững chắc của nền kinh tế Mỹ, với tổng giá trị vốn hóa thị trường lên tới khoảng 7.000 tỷ USD – con số khổng lồ, đủ để khẳng định sức mạnh và tầm ảnh hưởng của họ.
Tuy nhiên, những đổi mới đột phá luôn tiềm ẩn khả năng làm thay đổi trật tự hiện tại. Sẽ có những công ty vươn lên dẫn đầu, hoặc sẽ có những đế chế sụp đổ và trở thành “bài học đắt giá” tại Thung lũng Silicon và cả giới công nghệ.