Những quyết sách quan trọng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

08:08, 04/12/2024

Sau 29,5 ngày làm việc (từ ngày 21/10 đến 30/11/2024), Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Kỳ họp này có nhiều đổi mới trong công tác lập pháp, trong đó có chính sách được luật định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em.

Những đổi mới trong công tác lập pháp

Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8, ngày 30/11/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp này có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn và có nhiều đổi mới trong xây dựng pháp luật; đổi mới trong phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ; đổi mới trong công tác phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình xây dựng dự thảo các luật, nghị quyết. 

Tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét 51 nội dung; trong đó có 33 nội dung thuộc công tác lập pháp, 18 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Quốc hội đã thông qua 18 luật với tỷ lệ tán thành cao, được cử tri, nhân dân quan tâm. 

Trong đó, Luật Tư pháp người chưa thành niên được ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026, nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Luật gồm 5 phần, 10 chương, 179 điều.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Luật Tư pháp người chưa thành niên được đánh giá có tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc; là một dấu ấn thể hiện sự đóng góp quan trọng của Quốc hội khóa XV về công tác cải cách Tư pháp. Luật quy định 4 nội dung lớn. 

Thứ nhất, quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng là: Khiển trách; Xin lỗi bị hại; Bồi thường thiệt hại; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quản thúc tại gia đình; Hạn chế khung giờ đi lại; Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; 

Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới; Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý; Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; Giáo dục tại trường giáo dưỡng. 

Thứ hai, quy định thời hạn điều tra, truy tố, xét xử đối với người chưa thành niên không quá 1/2 thời hạn đối với người trưởng thành. 

Thứ ba, giảm mức phạt tù tối đa đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi còn 09 năm, đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi còn 15 năm nhằm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về "Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự... đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội". 

Thứ tư, quy định trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên là phạm nhân trong trại giam.

Ngoài ra, Luật còn nhiều chính sách chuyên biệt khác chỉ áp dụng với người chưa thành niên trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhằm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về "phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em", Luật Tư pháp người chưa thành niên quy định việc "tách vụ án" trong trường hợp vụ án có bị can là người chưa thành niên và bị can là người trưởng thành (Điều 143); đồng thời, không quy định cụ thể trong Luật về thời điểm tách vụ án tại giai đoạn điều tra, mà giao cho liên ngành Tư pháp trung ương quy định chi tiết việc tách vụ án, bảo đảm phù hợp và bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh trong thực tiễn giải quyết án, bảo đảm thân thiện và nhân văn hơn dành cho người chưa thành niên.

Tại Kỳ họp này, Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Luật gồm 08 chương, 63 điều, nhằm phát huy vai trò của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phòng, chống mua bán người ngay từ cơ sở. 

Điểm mới của Luật là: Mở rộng đối tượng bảo vệ, gồm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người dưới 18 tuổi đi cùng, người thân thích của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người hoặc hỗ trợ nạn nhân; mở rộng chính sách hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người dưới 18 tuổi đi cùng như: trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp luật, hỗ trợ học nghề, tư vấn việc làm, trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế trong năm đầu tiên nếu nạn nhân chưa có bảo hiểm y tế…

Bên cạnh đó, Luật còn quy định hành vi nghiêm cấm mạnh hơn, bao gồm cả nghiêm cấm hành vi "thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai" nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa và xử lý hiệu quả các hành vi liên quan đến mua bán người.

Đại biểu Thái Thị An Chung (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) cho rằng: Việc thỏa thuận mua bán bào thai bản chất là tiền đề của việc mua bán trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay, việc xử lý rất khó khăn, vì trong quy định của Bộ luật Hình sự chưa có.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định "cấm hành vi thỏa thuận mua bán người từ khi còn là bào thai" là tạo cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ quyền lợi trẻ em và hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; góp phần trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em và phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về quyền trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ.

Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, gồm 03 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 40 điều của Luật hiện hành, bổ sung 02 điều, với một số nội dung mới, như:

Sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng bảo hiểm y tế, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng; Quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu; Quy định mức hưởng bảo hiểm y tế khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế...

Đặc biệt, tại Điều 12, Luật bổ sung đối tượng nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản được tham gia bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, để động viên, khích lệ và có chính sách thoả đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan tới phụ nữ, trẻ em

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó "Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025" và giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. 

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng, thực tế hiện nay, việc sử dụng thuốc lá điện tử đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Điều quan trọng nhất là có sự thống nhất về quan điểm là: thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang gây tác động tiêu cực tới giới trẻ, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em. Việc cấm loại thuốc lá này là "thuộc thẩm quyền của Quốc hội" - đây là vấn đề cấp bách, cần phải "xử lý ngay trong Kỳ họp này".

Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến lần đầu với 10 dự án luật, được Quốc hội thảo luận, hoàn thiện để xem xét thông qua ở các kỳ họp tới. Các dự thảo Luật được đông đảo cư tri quan tâm. 

Trong đó, dự thảo Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về cơ cấu, tốt về chất lượng; 

kiến tạo chính sách đột phá khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; tôn vinh nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề…

Còn với dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tập trung vào 4 nhóm chính sách: Quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập, tập trung; Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; 

Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, trong đó sửa đổi quy định về nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm (Điều 7); Mở rộng đối tượng vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài (Điều 10). 

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) kỳ vọng việc sửa đổi dự án Luật Việc làm nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế về quy định hỗ trợ việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký và quản lý lao động để đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực hiệu quả, quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm cũng như kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, Cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan đến việc làm bền vững.