Những vấn đề đặt ra trong Nghị quyết 68 của Chính phủ
Ngày 12/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu chung của Nghị quyết 68 là đưa hoạt động cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia lên một nấc thang mới.
Bên lề họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 68), Báo điện tử Chính phủ có cuộc trao đổi với ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) về những vấn đề đặt ra trong Nghị quyết này.
Ông Ngô Hải Phan (người bên trái trong ảnh) tại cuộc họp báo về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP.
Xin ông cho biết mục tiêu chính của Nghị quyết 68?
Ông Ngô Hải Phan: Nghị quyết 68 được xây dựng trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm cải cách trong nước và kinh nghiệm cải cách của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Mục tiêu chung của Nghị quyết 68 là đưa hoạt động cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia lên một nấc thang mới, có thể tạm gọi là “làn sóng cải cách thủ tục hành chính và quy định kinh doanh thứ 3”.
Cụ thể, Nghị quyết 68 đề ra mục tiêu giảm thiểu số lượng văn bản quy định kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định là rào cản, gây ra chi phí không hợp lý, không cần thiết cho hoạt động kinh doanh.
Đến năm 2025, Nghị quyết 68 đề ra chỉ tiêu cắt giảm tối thiểu 20% quy định và tối thiểu 20% chi phí tuân thủ và hướng tới tạo ra một môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo đà tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới.
Được biết phạm vi áp dụng của Nghị quyết 68 rất toàn diện. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Ông Ngô Hải Phan: Nghị quyết 68 có phạm vi áp dụng rộng và toàn diện, bao gồm 5 nhóm quy định có tác động đến hoạt động kinh doanh. Cụ thể là: Thủ tục hành chính (TTHC), điều kiện kinh doanh, yêu cầu báo cáo, kiểm tra chuyên ngành và quy chuẩn-tiêu chuẩn.
Ngoài ra, Nghị quyết 68 không chỉ áp dụng với các quy định đang có hiệu lực mà còn áp dụng với các quy định dự kiến ban hành nhằm bảo đảm các quy định ban hành trong tương lai cũng được kiểm soát, đánh giá và không cản trở việc đạt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 20% tổng số quy định và tối thiểu 20% tổng chi phí tuân thủ mà Nghị quyết 68 đề ra đến năm 2020. Nghị quyết 68 cũng yêu cầu thống kê cả các quy định trong các văn bản hành chính nếu có tác động đến hoạt động kinh doanh.
Đồng thời, Nghị quyết 68 còn tập trung cải cách việc thực hiện thông qua việc triển khai có hiệu quả việc thực hiện TTHC qua cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông, không địa giới hành chính; thực hiện TTHC trên môi trường điện tử (Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin 1 cửa điện tử cấp bộ, tỉnh,…), tham vấn trực tuyến.
Vậy trong tổ chức thực hiện Nghị quyết 68 có những điểm mới nào, thưa ông?
Ông Ngô Hải Phan: Có 3 điểm mới cốt lõi. Đó là chương trình cải cách theo Nghị quyết 68 là chương trình cải cách có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, được tiếp cận theo cách làm mới từ các nước thuộc OECD.
Hai là, phạm vi cải cách của Nghị quyết 68 mang tính tổng thể, có hệ thống. Các bộ, ngành có nhiệm vụ thống kê, tính chi phí tuân thủ, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong văn bản đang có hiệu lực thi hành và trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); không chỉ cải cách ở khâu xây dựng, ban hành VBQPPL mà cả khâu tổ chức thực hiện các quy định này trên thực tế thông qua đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.
Ba là, chương trình cải cách này cũng đề cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế các bộ, ngành trong việc thẩm định các quy định trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; sự tham gia của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC; vai trò chủ trì, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra của Văn phòng Chính phủ và văn phòng các bộ trong triển khai thực hiện và đặc biệt với công cụ cải cách, tham vấn được điện tử hóa theo thời gian thực về tiến độ và kết quả cải cách của các bộ, ngành sẽ giúp công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành cũng như sự phối hợp giữa các bên tham gia quá trình cải cách.
Xin ông cho biết lộ trình thực hiện Nghị quyết 68?
Ông Ngô Hải Phan: Theo quy định của Nghị quyết 68, trong năm 2020, Văn phòng Chính phủ xây dựng phần mềm thống kê, rà soát và tính chi phí tuân thủ và các bộ, ngành thực hiện việc thống kê toàn bộ các quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh vào phần mềm; hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa của các bộ, ngành sẽ tập trung vào các vấn đề nổi bật đang là rào cản đối với hoạt động kinh doanh để hỗ trợ phục hồi hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, người dân; phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của các bộ trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/10/2020.
Trong các năm tiếp theo, trên cơ sở kết quả thống kê, rà soát, các bộ, cơ quan sẽ đề ra kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa hằng năm để hướng tới thực hiện mục tiêu chung của cả giai đoạn 2020-2025, mỗi năm các bộ, cơ quan ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ phương án cải cách theo hai đợt, đợt 1 trước ngày 30/5 và đợt 2 trước ngày 30/9 hằng năm.
Các phương án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thông qua phải gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan và tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp.
Như vậy, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân có vai trò như thế nào trong việc thực hiện Nghị quyết 68, thưa ông?
Ông Ngô Hải Phan: Có thể nói sự hưởng ứng tích cực của các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân là rất quan trọng đối với Nghị quyết 68.
Nghị quyết đề ra nhiệm vụ huy động sự tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và người dân để gửi phản ánh, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc, rào cản trong hoạt động kinh doanh quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính và dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Phần mềm nêu trên đã được xây dựng các chức năng tham vấn trực tuyến để hiệp hội, doanh nghiệp và người dân có thể tiếp nhận thông tin về các kế hoạch cắt giảm, đơn gian hóa, các quy định dự kiến ban hành, phương án cải cách của các bộ, ngành, phục vụ hiệp hội, doanh nghiệp, người dân gửi phản ánh, kiến nghị về các quy định đang là rào cản đối với hoạt động kinh doanh; đóng góp ý kiến trực tiếp về các quy định dự kiến ban hành; chung tay, đồng hành với Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết 68 nói riêng và cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh nói chung.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo baochinhphu.vn