Những xu hướng công nghệ sẽ định hình chăm sóc sức khỏe năm 2021
Từ vaccine Covid-19 cho đến những tiến bộ trong học máy (machine learning), AI, những cải tiến về Wi-Fi, 5G và y học từ xa, các chuyên gia kỳ vọng sẽ có một bước chuyển mới đối với chăm sóc sức khỏe đó là “lấy bệnh nhân làm trung tâm” vào năm 2021.
- Khai trương mạng xã hội về y tế Make in Viet Nam
- 10 sự kiện nổi bật của ngành y tế trong năm 2020 vừa qua
- Mastercard hợp tác với MatchMove và Tappy Technologies biến phụ kiện thành thiết bị đeo hỗ trợ thanh toán
- Tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người: Bộ Y tế họp duyệt bước cuối cùng
- Telehealth - Bước tiến lớn trong chuyển đổi số ngành y tế
Trong suốt thời gian đại dịch bùng phát, dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa chính là một nguồn doanh thu chính cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Covid-19 đã có tác động mạnh mẽ làm thay đổi hoàn toàn hệ thống chăm sóc sức khỏe nhằm hoạt động phục vụ cho bệnh nhân thay vì nhà cung cấp và công ty bảo hiểm y tế. Covid-19 đang mở ra quá trình chuyển đổi lâu dài của hệ thống chăm sóc sức khỏe và mục tiêu cuối cùng vẫn là “lấy bệnh nhân làm trung tâm”. Ngoài ra, sẽ có một sự thay đổi mạnh mẽ trong chi tiêu cho hệ thống công nghệ y tế từ việc nâng cấp bệnh viện lớn, với kiến trúc nguyên khối, hướng tới nền tảng kỹ thuật số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Điều này sẽ giúp chia sẻ dữ liệu tốt hơn, triển khai tiêm vaccine Covid-19 trên toàn cầu, công nghệ học máy được vận hành và nhiều lựa chọn hơn để chăm sóc sức khỏe tinh thần của con người.
Dưới đây là dự đoán về các cách công nghệ sẽ định hình chăm sóc sức khỏe vào năm 2021.
Tiếp tục xu hướng về y tế từ xa
Vào năm 2020, nhiều rào cản đối với y tế từ xa (telehealth) cuối cùng đã được phá bỏ, sau nhiều thập kỷ làm việc của các doanh nhân và bác sĩ. Các yêu cầu mới do tác động Covid-19 tạo ra đã tạo động lực để giải quyết các nhu cầu về cơ sở hạ tầng và quy định mà trước đây không thể vượt qua.
Trong suốt thời gian đại dịch bùng phát, dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa chính là một nguồn doanh thu chính cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hiện, dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa không còn là tùy chọn, mà nó đã trở thành một dịch vụ buộc họ phải áp dụng.
Varsha Rao, Giám đốc điều hành của Nurx, một tổ chức chuyên về sức khỏe kỹ thuật số dành cho phụ nữ cho biết, bà hy vọng sẽ thấy được việc tiếp tục sử dụng “telehealth” trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vì bệnh nhân hiện đã nhận ra chất lượng, cũng như sự tiện lợi của dịch vụ này.
Theo Varsha Rao, khi các lựa chọn làm việc từ xa tăng lên, mọi người sẽ muốn được chăm sóc mọi lúc mọi nơi. Điều này làm cho “telehealth” trở thành một giải pháp thay thế hấp dẫn vì nó cho phép chăm sóc từ bất cứ đâu và cũng có thể duy trì sự chăm sóc liên tục khi họ đang di chuyển đến một nơi khác.
Cải thiện kết nối Wi-Fi và 5G
Roger Sands, Giám đốc điều hành của công ty giải pháp mạng Wyebot cho biết, mạng không dây trở nên khá quan trọng trong năm 2020 khi hầu hết bệnh nhân đều phải dựa vào thiết bị cá nhân và cũng là cách duy nhất để có thể giao tiếp với những người thân yêu đang nằm viện do mắc Covid-19.
Vào năm 2021, dự báo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ sử dụng các thiết bị không dây để kết nối mọi thứ, từ theo dõi bệnh nhân được cứu sống, đến liên lạc, hệ thống an ninh. Tự động hóa Wi-Fi sẽ là chìa khóa để giữ cho các mạng này luôn hoạt động.
Mạng không dây phải hoạt động mọi lúc, đó là lý do tại sao nhiều cơ sở hay tổ chức y tế đều dựa vào nền tảng tự động hóa và trí tuệ nhân tạo để giám sát mạng, cung cấp khả năng hiển thị liên tục và tự động cảnh báo cho hệ thống thông tin về bất kỳ vấn đề nào có thể xảy ra. Với hàng nghìn thiết bị được kết nối, hệ thống mạng tạo ra nhiều dữ liệu hơn để con người có thể phân tích trong thời gian thực.
Dịch vụ y tế từ xa cũng sẽ được hưởng lợi từ việc cải thiện kết nối. Việc kết nối một bác sĩ với một robot để cho phép khám bệnh từ xa sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Theo dõi bệnh nhân từ xa tốt hơn
Nếu có nhiều người khám bệnh từ xa, các bác sĩ sẽ cần một phương pháp để thu thập các dấu hiệu bệnh quan trọng và các điểm dữ liệu khác từ xa. Do đó dịch vụ theo dõi bệnh nhân từ xa (RPM) xuất hiện. Tất cả các thiết bị đo huyết áp được kết nối internet, cân, máy đo đường huyết IoT, nhiệt kế IoT, cảm biến oxy trong máu có trong các thiết bị đeo tay và các thiết bị theo dõi giấc ngủ đều có thể cung cấp dữ liệu cho RPM.
Các công cụ RPM cung cấp cho các bác sĩ và y tá dữ liệu bệnh nhân theo thời gian thực. Với việc ngày càng nhiều bác sĩ chuyển sang chăm sóc ảo, “telehealth” và hồ sơ sức khỏe điện tử (EHRs), thì quản lý dữ liệu bệnh nhân trở nên quan trọng hơn trong việc chăm sóc sức khỏe trong tương lai.
Vận hành máy học và trí tuệ nhân tạo
Art Papier, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập công ty công nghệ VisualDx nói rằng, năm 2020 đánh dấu một bước ngoặt thực sự của trí tuệ nhân tạo (AI) trong chăm sóc sức khỏe. Xu hướng này đã xuất hiện dưới dạng các “chatbot” cơ bản và máy sàng lọc triệu chứng trong những tháng đầu của đại dịch Covid-19. Papier cho biết, những công cụ này đã làm tăng vai trò quan trọng của AI, điều này sẽ thúc đẩy việc áp dụng AI tiên tiến hơn vào năm 2021.
Các công cụ AI giúp hợp lý hóa việc chăm sóc ảo và mở rộng các dịch vụ theo yêu cầu đã trở thành một nhu cầu cần thiết. AI cũng có thể giúp hướng dẫn nhân viên trong quá trình đăng ký bảo hiểm y tế. Công nghệ học máy đã có tác động to lớn đến chăm sóc sức khỏe trong năm 2020 và hy vọng xu hướng đó sẽ tiếp tục vào năm 2021 bằng cách cung cấp nhiều công cụ hơn để điều trị bệnh nhân thông qua y tế từ xa.
Cải thiện khả năng chia sẻ và tương tác dữ liệu
Với nhiều dữ liệu mới bao gồm từ kết quả kiểm tra Covid-19 đến dữ liệu từ các thiết bị đeo hay các lần khám bệnh từ xa, khả năng tương tác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe đã có những cải thiện trong lĩnh vực này trong thập kỷ qua nhưng vẫn còn những rào cản cần phải chinh phục.
Scott Galbari, Giám đốc công nghệ tại công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe Lyniate, Mỹ cho biết, khả năng tương tác sẽ là một ưu tiên lớn đối với các tổ chức và công ty chăm sóc sức khỏe nhà nước và tư nhân vào năm 2021. Trong tương lai, việc tái đầu tư và hiện đại hóa hệ thống công nghệ, cơ sở hạ tầng của các cơ quan y tế công cộng vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu. Việc chia sẻ dữ liệu liền mạch sẽ rất quan trọng đối với việc phân phối vaccine Covid-19 vào năm 2021, bao gồm cả việc lưu trữ và vận chuyển vaccine, cũng như nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và dữ liệu cá nhân được liên kết với nhau. Do đó, nếu không có khả năng tương tác, chia sẻ dữ liệu, các quyết định, quy trình làm việc và kết quả của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng.
Sử dụng công nghệ để mở rộng chăm sóc sức khỏe tâm thần
Đại dịch Covid-19 đã cho thấy việc nâng cao nhận thức về cách công nghệ có thể được tận dụng từ xa nhằm giúp mọi người đối phó với căng thẳng và lo lắng. Do đó, các ứng dụng trị liệu kỹ thuật số được thiết kế để giải quyết những phản ứng cảm xúc của tâm trí đối với căng thẳng, lo lắng hoặc rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) bằng phản hồi thần kinh.
Trong vòng 5 năm tới, phần lớn các trường học sẽ sử dụng các giải pháp sức khỏe kỹ thuật số như một phần của hệ sinh thái với nguồn lực của sức khỏe tâm thần. Các trường học đánh giá cao khả năng chi trả và khả năng tiếp cận kỹ thuật số đối với vấn đề sức khỏe, trong khi học sinh yêu thích sự riêng tư, tiện lợi và cá nhân hóa.