Nỗ lực bứt phá trong xây dựng nhân lực ngành bán dẫn
Sự hiện diện của các tập đoàn lớn như Samsung, Foxconn hay Amkor Technology đã giúp Bắc Ninh nhanh chóng nổi lên như một điểm sáng trong thu hút đầu tư công nghệ cao. Điều khiến Bắc Ninh thực sự nổi bật không chỉ là dòng vốn đầu tư, mà chính là những chính sách đào tạo, thu hút nhân lực mang tính chiến lược, nhằm xây dựng nền tảng bền vững cho sự phát triển của ngành bán dẫn tại địa phương.
Ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết: Tỉnh đã ban hành chính sách riêng về hỗ trợ học phí cho sinh viên học tại Bắc Ninh (50% học phí), với tổng kinh phí hỗ trợ đến năm 2030 dự kiến đạt 1.000 tỷ đồng, số đối tượng thụ hưởng xấp xỉ khoảng 10.000 sinh viên… Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ nhà ở trị giá 1 tỷ đồng nếu giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh được tuyển dụng, tiếp nhận giảng dạy chương trình và cam kết làm việc ít nhất 10 năm…
Tương tự Bắc Ninh, Đà Nẵng cũng đang nỗ lực nắm bắt cơ hội để vươn lên trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thành phố đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách nhằm từng bước biến Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ của miền Trung, đồng thời đóng góp vào chiến lược phát triển nhân lực công nghệ cao cấp quốc gia.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng này, cần có các cơ chế đột phá và vai trò chủ động của các địa phương, doanh nghiệp cùng một tầm nhìn chiến lược rõ ràng trong phát triển nguồn nhân lực. Đây chính là lợi thế cạnh tranh quan trọng mà Việt Nam cần khai thác triệt để để tạo dựng vị thế vững chắc trong ngành bán dẫn và công nghệ cao toàn cầu.
Nhiều địa phương đang nỗ lực bứt phá trong xây dựng nhân lực ngành bán dẫn.