Nở rộ các dịch vụ thanh toán QR Code tại quầy
Thanh toán QR Code đang được dùng ngày càng nhiều hơn do tính tiện ích, bảo mật và chương trình khuyến mại của các nền tảng cung cấp dịch vụ.
- Trình duyệt Chrome cho phép chia sẻ hình ảnh bằng mã QR
- Malaysia triển khai truy vết COVID-19 bằng mã QR
- Quét mã QR trong Chuyển động 24h để cập nhật thông tin nóng về COVID-19
- VNPAY-QR tung ra nhiều ưu đãi cho người dùng
- Thanh toán vé tàu trực tuyến nhanh và tiện hơn bằng QR Code
- Quét mã QR để truy cập hồ sơ Instagram
Tại các chuỗi cà phê, quán ăn lớn, không khó để thấy hàng loạt bảng trưng QR Code của nhiều nhà cung cấp khác nhau.
Chị Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thường xuyên mua hàng qua mạng, đặt đồ ăn về nhà và từ lâu đã có thói quen thanh toán tại quán cà phê bằng QR Code.
Đến các chuỗi cà phê quen như Guta Cafe, The Coffee House, Trung Nguyên, chị Mai chỉ cần dùng smartphone quét mã QR đặt trên quầy là có thể thanh toán tiền. Nữ nhân viên văn phòng này cài sẵn hai ví điện tử trên điện thoại để xài qua lại nếu nếu hệ thống bị lỗi hoặc quán không hỗ trợ một ví nào đó.
Rất nhiều hình thức thanh toán QR Code được sử dụng tại quầy một cửa hàng thức ăn nhanh
Anh Tùng (Cầu Giấy, Hà Nội) thường đi tập thể dục buổi sáng và chỉ mang mỗi chiếc smartphone, không mang tiền. Khi cần mua nước hay ăn sáng thì có thể ghé các cửa hàng tiện lợi để mua hàng. Hầu như tất cả cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven, Circle K, Family Mart, MiniStop, B’s Mart,... đều có thanh toán bằng QR Code.
“Mua một chai nước hay một quả chuối vào buổi sáng bằng ứng dụng sẽ đỡ phiền toái nhân viên phải thối tiền, mình mua cũng không ngại, và cũng không cần phải mang tiền mặt”, anh Phi nói.
Tại cửa hàng Lotteria bên trong một trung tâm mua sắm ở Vincom Bà Triệu (Hà Nội), một nhân viên tại đây cho biết xu hướng khách hàng quét mã QR để thanh toán ngày một nhiều hơn, đặc biệt là giới trẻ. Người này cũng cho biết các ví thường có chương trình khuyến mãi khi thanh toán bằng QR Code.
Thanh toán bằng QR Code khởi đầu từ các quán cà phê, cửa hàng tiện lợi. Đến nay, hình thức này bắt đầu vào các siêu thị, nhà hàng, quán ăn nhanh, quán ăn truyền thống, và ngay cả trên các trang thương mại điện tử. Đa dạng dịch vụ như vậy giúp thúc đẩy người dùng sử dụng phương thức thanh toán tiện ích này.
Hiện nay, để thanh toán QR Code, người dùng có thể sử dụng ví điện tử hay ứng dụng ngân hàng để quét mã. Tất cả các ví điện tử và hơn 18 ứng dụng ngân hàng hiện nay đều có chức năng thanh toán QR Code. Thậm chí các ứng dụng đa dịch vụ như Shopee (liên kết với ví AirPay), Grab (liên kết Moca) cũng có thể dùng để quét thanh toán.
Khi thanh toán QR Code, người dùng không cần tiết lộ thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, đồng thời không phải tiếp xúc trực tiếp với nhân viên thu ngân như khi dùng thẻ thanh toán hay tiền mặt. Việc này hạn chế một phần việc lộ thông tin hay hạn chế lây lan dịch bệnh trong giai đoạn hiện tại.
Khảo sát của Visa hồi tháng 5 tại Việt Nam cho thấy 84% người dùng cảm thấy thông tin cá nhân của họ được bảo đảm an toàn khi thanh toán qua điện thoại di động.
Lượt thanh toán không tiếp xúc trên điện thoại di động, mã QR, và thương mại điện tử năm 2019 đều tăng so với năm 2018 đã chứng minh mức độ tín nhiệm cao từ phía người tiêu dùng. Cụ thể, 82% người dùng sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động ít nhất một lần một tuần.
Mặc dù tăng trưởng tốt, tỷ lệ thanh toán tại quầy vẫn xếp sau các thanh toán phổ biến hơn như nạp tiền điện thoại/mua thẻ cào, thanh toán hoá đơn, chuyển tiền - theo nghiên cứu của Cimigo công bố hồi tháng 3/2020.
Trong Sách trắng của IDC, do NTT Data (Nhật Bản) tài trợ, phát hành hồi tháng 4/2020 cho thấy thanh toán qua di động vượt lên hơn phương thức dùng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ tại khu vực châu Á. Cụ thể, năm 2019 dân châu Á chi khoảng 25 nghìn tỷ USD qua thẻ, nhưng chi tới 51 nghìn tỷ cho thanh toán di động - đứng đầu các phương thức thanh toán số.
Sách trắng này đánh giá Việt Nam có tỷ lệ lắp đặt các thiết bị POS trong các cửa hàng truyền thống còn thấp, do đó làm giảm tỷ lệ thanh toán bằng thẻ. Tuy nhiên IDC đánh giá Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng thanh toán kỹ thuật số mạnh mẽ khi thói quen mua hàng thương mại điện tử tăng lên và nhiều thiết bị POS quẹt thẻ được triển khai.
Do hạn chế về máy POS, thanh toán bằng QR Code đang trở thành xu hướng mới tiết kiệm hơn. Chủ điểm bán chỉ việc mở một tài khoản ngân hàng liên kết ví, sau đó trưng bày QR Code ngay tại quầy để khách quét mã, không cần trang bị máy POS. QR Code đặc biệt thích hợp tại các điểm bán quy mô nhỏ và vừa.
Sách trắng của IDC đánh giá Trung Quốc dẫn đầu khu vực và trên toàn cầu về thanh toán di động trong cuộc đua hướng tới một xã hội không tiền mặt. Trong đó, thanh toán QR Code tại quốc gia này cực kỳ phổ biến. Chẳng hạn WeChat có tỷ lệ chấp nhận lên đến 93% ở các thành phố lớn. Do đó người dân có thể quét QR Code để thanh toán ở gần như tất cả cửa hàng lớn nhỏ, siêu thị hay chợ trên đường phố. Thậm chí người xin ăn cũng có QR Code để khách qua đường bố thí.
Minh Anh