Nở rộ website giả mạo để kêu gọi đầu tư tài chính

07:59, 14/07/2023

Nhiều website và ứng dụng (app) cung cấp các dịch vụ đầu tư tài chính trái phép nở rộ trên không gian mạng, với những “cam kết” online chắc nịch như lãi suất cao hơn ngân hàng, sinh lời từng ngày, đầu tư đảm bảo thu lãi… luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư. Các cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra cảnh báo về hình thức đầu tư tài chính chưa được cấp phép này.

Điểm chung của các website giả mạo và app đầu tư tài chính trái phép thường đưa ra mức lợi nhuận rất cao. Ảnh: BA

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã đưa ra khuyến cáo tới các nhà đầu tư về tình trạng giả mạo văn bản của UBCKNN nhằm mục đích lừa đảo nhà đầu tư.

Văn bản giả mạo đề số 128/GCN-UBCK ngày 10/5/2023 về việc đăng ký thành lập quỹ đại chúng. UBCKNN khẳng định: Văn bản này là giả mạo. UBCKNN không cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho công ty quản lý quỹ là Công ty TNHH Quỹ Đầu tư Sac Capital VN và không cấp giấy chứng nhận đăng ký lập quỹ đại chúng cho quỹ này. Do vậy, UBCKNN khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng, kiểm tra, đối chiếu các thông tin trước khi giao dịch. Danh sách các công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán do UBCKNN cấp đều được đăng tải đầy đủ, kịp thời trên trang thông tin điện tử của UBCKNN.

Đây không phải lần đầu UBCKNN phát đi cảnh báo về các dấu hiệu lừa đảo trong lĩnh vực đầu tư tài chính.

Trước đó, cơ quan này cũng liên tục nhắc tên các trang website, app cung cấp dịch vụ chứng khoán trên không gian mạng như: Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF… thực hiện huy động vốn và có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán khi chưa được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Hay việc một số đối tượng giả mạo sử dụng tên, logo, thông tin của một số công ty quản lý quỹ (Công ty Cổ phần quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital…) để lập các website, tài khoản trên mạng xã hội Facebook, ứng dụng Telegram… nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư.

“Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh” - UBCKNN nhấn mạnh.

Một điểm chung của các website giả mạo và app cung cấp các dịch vụ đầu tư tài chính trái phép nở rộ trên các trang mạng hiện nay là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham của nhiều người, các đối tượng tội phạm sử dụng rất nhiều thủ đoạn kêu gọi đầu tư tham gia, sau đó chiếm đoạt tiền.

Để tạo lòng tin cho nhà đầu tư, các đối tượng đưa ra lời mời gọi dưới vỏ bọc dự án đầu tư, hứa hẹn mang lại những khoản lợi nhuận không tưởng cố định mỗi tháng khoảng 3 - 4%/thángthậm chí có những trường hợp lên đến 50 - 70%/năm.

Hoặc các đối tượng “vẽ” ra những mục tiêu rất lớn, thậm chí có cả kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế danh tiếng, đưa ra những hình ảnh về người đi trước thành công, được những ưu đãi vô cùng hấp dẫn của công ty như tặng nhà, xe, đi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp... Đây là những chiêu trò khá phổ biến khiến cho nhà đầu tư tin tưởng, nhằm mục đích lôi kéo nhà đầu tư. Các cam kết này chỉ là hứa hẹn, chứ không hề có bất cứ biện pháp đảm bảo thực hiện như thế chấp tài sản, bảo lãnh ngân hàng.

Liên quan đến hình thức đầu tư thông qua các website và ứng dụng trên mạng, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Vĩnh Phúc khuyến cáo người dân, các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư tài chính.

Cần kiểm tra tính pháp lý của các dự án đầu tư, sàn giao dịch đầu tư tài chính hay các công ty về đầu tư tài chính như: Doanh nghiệp tên là gì? Có đăng ký kinh doanh không? Có trụ sở tại Việt Nam không? Có ký hợp đồng đầu tư tài chính với người chơi không.

Khi muốn đầu tư, tuyệt đối không được quá tin tưởng vào những lời chào mời về mức lợi nhuận, lãi suất quá cao của dự án, mà phải tìm hiểu kỹ hệ thống vận hành cũng như cách mà các dự án sinh ra lợi nhuận.

Tuyệt đối không tin tưởng và đầu tư vào các dự án có cam kết lợi nhuận cao "khủng", hứa hẹn chi trả mức lãi suất cao… vì đây hoàn toàn có thể là một trong những chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư.

Thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Ba nhóm lừa đảo chính gồm: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. 

Theo thanhtra.com.vn

https://thanhtra.com.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/no-ro-website-gia-mao-de-keu-goi-dau-tu-tai-chinh-212492.html