Nội chiến ở Ukraine: Động thái mới của Nga, Mỹ, Đức
Trước diễn biến cuộc nội chiến ngày càng trở nên căng thằng ở miền Đông Ukraine, các quốc gia lớn, có liên quan như Nga, Mỹ, Đức đang có những động thái mới nhằm làm dịu bớt.
- Ukraine thực sự đã có nội chiến
- Sloviansk sắp bị quân đội chính phủ tạm quyền Ukraine tấn công
- Ukraine: Nội chiến đẫm máu xảy ra ở nhiều nơi
- Đưa máy bay vào Ukraine, Nga đối diện với cấm vận bổ sung
- Hình ảnh được Mỹ cho là đặc nhiệm Nga ở Ukraina
- Ukraine: Tiếng súng nội chiến đã vang
- Nội chiến ở Ukraine đã gần đỉnh điểm?
Nga: Rút quân khỏi vùng biên giới Ukriane
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Matxcơva đã rút quân khỏi khu vực đường biên giới với Ukraine.
"Người ta liên tục nói với chúng tôi về những mối lo ngại đối với quân đội của chúng tôi gần biên giới với Ukraine. Chúng tôi đã rút quân. Hôm nay họ đã không còn ở trên biên giới với Ukraine mà đóng tại những nơi thường xuyên tập trận, các các địa điểm huấn luyện", ông Putin phát biểu sau cuộc họp với Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter (hiện đang là người đứng đầu OSCE).
Ông Putin cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng Ukraine đang phát triển theo "viễn cảnh bất lợi nhất," đồng thời đổ lỗi cho chính phủ lâm thời của quốc gia láng giềng này.
Theo ông Putin, cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Kiev với lực lượng ly khai tại miền Đông Nam Ukraine là chìa khóa để chấm dứt cuộc khủng hoảng này.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga đã kêu gọi Ukraine chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực nhằm vào chính người dân nước này.
Lực lượng biểu tình có vũ trang ở Ukraine.
Đức: Các lực lượng ở Ukraine nên đối thoại
Hãng tin DPA của Đức ngày 7/5 dẫn các nguồn tin cho biết, Thủ tướng Angela Merkel (Đức) ủng hộ việc để các lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine tham gia đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại nước này.
Nguồn tin tren cũng cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ủng hộ đề xuất của bà Merkel về cuộc "đối thoại bàn tròn", với sự tham gia của tất cả các bên xung đột, trong đó có cả lực lượng ly khai.
Đây là sáng kiến mới của các chính khách nhằm làm giảm căng thẳng và giải quyết xung đột giữa các lực lượng của Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Kiev vẫn bác bỏ phương án đối thoại với lực lượng ly khai mà họ gọi là "khủng bố" này.
Cùng ngày, Thủ tướng Merkel và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã có cuộc gặp không chính thức với ứng viên tổng thống Ukraine Pjotr Poroschenko ở Berlin. Theo Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert, tại cuộc gặp ông, Thủ tướng Merkel đã nêu bật "tầm quan trọng của việc sẵn sàng đàm phán và đối thoại" vì cuộc bầu cử tổng thống tới đây ở Ukraine.
Ông Poroschenko mặc dù ủng hộ đề xuất tiến hành hội nghị lần thứ hai ở Geneva song bác bỏ việc tiến hành đối thoại với các lực lượng ly khai ở miền Đông và Nam Ukraine, cho rằng "họ không đại diện cho ai."
Mỹ: Giới chức tại Nhà Trắng điều trần về chính sách với Ukraine
Ba quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Barack Obama đã điều trần trước Quốc hội ngày 7/5 về chính sách của Nhà Trắng đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Phát biểu tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề châu Âu, bà Victoria Nuland cho biết, chính sách của chính quyền Obama đối với cuộc khủng hoảng Ukraine trước hết là hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và các viện trợ “không gây chết người”, giúp chính phủ tạm quyền ở Kiev chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào ngày 25/5 tới.
Chủ trương của Mỹ là tăng cường nỗ lực bảo đảm an ninh cho các quốc gia thành viên khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga bên cạnh các nỗ lực ngoại giao nghiêm túc để giải quyết cuộc khủng hoảng theo thỏa thuận Geneva ngày 17/4.
Bà Nuland cùng các quan chức Lầu Năm Góc và Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ và các đồng minh châu Âu áp đặt với Nga cho tới nay “đã mang lại hiệu quả.” Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẵn sàng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn nhằm vào toàn bộ nền kinh tế Nga.
Trái lại, cũng tại buổi điều trần, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Bob Corker cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào đội ngũ quan chức gần gũi với Tổng thống Vladimir Putin không hề có tác dụng, thể hiện ở việc thị trường chứng khoán Nga vẫn tăng gần 4% trong phiên giao dịch ngày 6/5.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có cuộc gặp với người đồng cấp Gruzia Irakli Alasania về tình hình Ukraine.
Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc gặp tại Washington, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời đánh giá lại những nỗ lực của các đồng minh và đối tác trong việc duy trì các cam kết quốc tế và gia tăng áp lực ngoại giao, kinh tế đối với Moskva.
Thanh Trà (tổng hợp)