Nơi tôi luyện những “chiến binh” công nghệ tiêu chuẩn quốc tế
Sau khi đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi Tin học, lập trình quốc tế, nhiều người Việt trẻ đã tự tin bước ra môi trường cạnh tranh toàn cầu, góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam có nhiều chuyên gia công nghệ hàng đầu.
Kỹ năng lập trình, thuật toán, khả năng hoàn thiện, làm việc nhóm và ngoại ngữ là những nền tảng cơ bản của chuyên gia công nghệ toàn cầu. Các cuộc thi Tin học, lập trình chính là “địa chỉ đỏ” để khảo sát, đánh giá những kỹ năng, nền tảng cơ bản này của nguồn nhân lực công nghệ.
Một trong những kỳ thi Tin học quy mô quốc gia có tuổi đời lâu nhất tại Việt Nam là Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam do Hội Tin học Việt Nam khởi xướng tổ chức từ năm 1992, với sự tham gia của nhiều “lão làng” công nghệ như Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Tiến sĩ khoa học Phạm Thế Long, Phó Giáo sư – Nhà giáo nhân dân Hồ Sĩ Đàm… Từ “sân chơi” trí tuệ quốc gia này đã tìm ra rất nhiều tài năng Tin học trẻ.
Khoảng năm 2004, giới trẻ Việt tiếp cận ngày càng nhiều thông tin liên quan tới những cuộc thi tại các quốc gia phát triển nhất về công nghệ thông tin, chẳng hạn cuộc thi robot của Hoa Kỳ, từ đó có động lực mạnh dạn tham gia “sân chơi” trí tuệ quốc tế.
Năm 2005, 3 đội tuyển đạt giải cao nhất Olympic Tin học sinh viên Việt Nam đăng ký tham dự các vòng loại khu vực của Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC tại 3 nước châu Á: Ấn Độ, Philippines và Iran, và đã khẳng định vị thế của trí tuệ Việt khi đạt thứ hạng cao ngay lần đầu xuất ngoại. Qua vòng loại tại Tehan, tháng 4/2006, lần đầu Việt Nam có đại diện trong Top 100 đội tuyển tham dự Vòng chung kết thế giới của Kỳ thi Lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC tại Hoa Kỳ.
“Ưu điểm, nhược điểm của nguồn nhân lực công nghệ trẻ đã bộc lộ khá rõ khi vươn tầm tại những “sân chơi” trí tuệ quốc tế như ACM/ICPC. Những năm 2005 – 2009, bên cạnh ưu thế về kỹ năng lập trình, thì điểm yếu nhất của sinh viên Việt Nam là khả năng ngoại ngữ. Trình độ tiếng Anh của hầu hết học sinh, sinh viên gần như bắt đầu từ con số 0. Cùng với đó, sinh viên Việt còn bộc lộ yếu kém hơn bạn bè quốc tế về khả năng làm việc nhóm, và rất thiếu kỹ năng hoàn thiện, những năm đầu tham gia ACM/ICPC chỉ hoàn thiện dược 2 – 3 bài/11 bài thi trong giới hạn thời gian giải quyết là 5 giờ đồng hồ”, ông Nguyễn Long, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam nhớ lại.
Từ mong muốn tạo môi trường để các cơ sở giáo dục – đào tạo của Việt Nam có cơ hội cọ xát với những cơ sở đào tạo hàng đầu thế giới, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ trong nước, ý tưởng tham gia và đăng cai tổ chức vòng loại châu Á cuộc thi lập trình quốc tế ACM/ICPC tại Việt Nam đã được đề xuất triển khai.
“Để ý tưởng đề xuất được hiện thực hóa, chúng tôi đã phải vượt qua không ít rào cản. Quốc tế mở cửa mời gọi, nhưng nhiều người can ngăn chúng tôi với lý do “Chưa thể được đâu! Sinh viên Việt Nam làm sao có đủ trình độ công nghệ và ngoại ngữ để thi”… Song với sự đồng tình ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là PGS.TS Bùi Thế Duy (hiện là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ), người đã từng 2 lần đạt giải Tin học quốc tế thời học sinh, chúng tôi quyết định phải tham gia hội nhập bằng mọi cách. Chính các bạn sinh viên cũng háo hức ủng hộ chúng tôi. Năm 2006, lần đầu đưa cuộc thi ACM/ICPC về Việt Nam, chúng tôi xin được ra đề bằng song ngữ Anh – Việt nhưng bị nhiều đội quốc tế nghi ngờ về tính minh bạch. Ngay các năm sau, đề thi vòng loại Châu Á tại Việt Nam đã hoàn toàn bằng tiếng Anh. Không ngờ cứ chỉ một vài năm sau, lượng từ điển các đội mang vào thi ngày càng ít và bây giờ gần như không có. Từ chỗ ước mơ được vào Top 50 – 60, đến nay, sinh viên Việt Nam đã dẫn đầu khối ASEAN, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có thứ hạng 12, đạt giải Đồng trong Chung kết ICPC toàn cầu năm 2022”, ông Nguyễn Long kể.
Các cuộc thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam và ICPC đã giúp các cơ sở giáo dục - đào tạo nhìn nhận rõ hơn định hướng đào tạo đội ngũ “tinh binh” theo tiêu chuẩn người làm công nghệ toàn cầu.
So với ngày đầu Việt Nam chập chững tham gia các cuộc thi Tin học, lập trình quốc tế, giờ đây, chất lượng, năng lực công nghệ thông tin của người Việt đã có sự thay đổi mạnh mẽ.
“Năng lực thuật toán, công nghệ của người Việt được thế giới đánh giá rất cao. Về kỹ năng lập trình, trong khu vực và châu Á, chúng ta đang ở mức tiệm cận các quốc gia và vùng lãnh thổ hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Kỹ năng làm việc tập thể và kỹ năng hoàn thiện đã trở thành điều kiện tiên quyết của các lập trình viên Việt. Nhiều người Việt trẻ đã tự tin bước ra môi trường cạnh tranh toàn cầu”, ông Nguyễn Long khẳng định.
Đặc biệt, chính từ các cuộc thi như Olympic Tin học sinh viên Việt Nam và ICPC, hiệu ứng tích cực được lan tỏa, thúc đẩy xu thế học công nghệ thông tin chưa từng có trước đây tại Việt Nam.
“Tôi đã tham dự rất nhiều cuộc thi tin học trẻ toàn quốc dành cho mọi lứa tuổi học sinh. Năm vừa rồi có cháu mới học lớp 1 mà lập trình Python từ bài đầu đến cuối và đoạt giải Nhất. Hàng năm, nhiều giải lập trình cho học sinh đã được tổ chức ngay ở cả các “vùng trũng” công nghệ như miền Trung, Tây Nguyên”, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam chia sẻ sự ngạc nhiên thú vị.
Thứ hạng cao trong các cuộc thi Tin học, lập trình quốc gia và quốc tế đã trở thành “giấy giới thiệu” đặc biệt giúp các tài năng trẻ Việt Nam “rộng cửa” hơn khi đến với những tập đoàn công nghệ toàn cầu như Google, Facebook, Microsoft, Amazon...
Các doanh nghiệp công nghệ thông tin có tiếng tăm đều cho rằng các kỳ thi như ICPC giúp họ test (kiểm tra) khá chuẩn những con người hội tụ đủ kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, và sẵn sàng trả lương rất cao cho những người xuất sắc.
“Giờ nhìn lại thì thấy hầu hết các bạn đạt giải cao đều thành công. Các công ty công nghệ hàng đầu ở Việt Nam và thế giới đều có mặt các bạn, kể cả các vị trí rất cao như CTO (giám đốc công nghệ), COO (giám đốc điều hành), Founder (nhà sáng lập) “kỳ lân” công nghệ. Nhiều hãng công nghệ lớn, và“kỳ lân” công nghệ sẵn sàng tuyển chọn những bạn từng tham dự chung kết ICPC toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu coi trọng và tìm kiếm những bạn trẻ trong top đầu bảng xếp hạng thi ICPC”, ông Nguyễn Long cho biết.
Trong 10 năm gần đây, Việt Nam bắt đầu hòa nhịp với xu thế công nghệ mới, điển hình là AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi khối). Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam đánh giá rất cao nhiều “kỳ lân” blockchain được xây dựng và vận hành bởi những người Việt trẻ từng có xuất phát điểm đẹp từ các cuộc thi Tin học, lập trình. Ví dụ như Nguyễn Thành Trung, CEO (Tổng Giám đốc điều hành) của Sky Mavis, “cha đẻ” của dự án game NFT Axie Infinity; hoặc Lưu Thế Lợi với Kyber Network – mô hình sàn giao dịch phi tập trung lớn nhất trên thế giới cho tiền mã hoá; Đoàn Quang Minh, đồng sáng lập Harmony ONE, sáng lập MassBit, hạ tầng cho blockchain và ứng dụng web3; hay Huy Nguyễn, CEO KardiaChain, được Google đánh giá là một trong những nền tảng blockchain tốt nhất ở châu Á và Đông Nam Á…
Nhiều bạn trẻ khác cũng đang là người dẫn đầu, mạnh dạn đi vào những thị trường mới như vận chuyển công nghệ, lưu trú, khách sạn… Chẳng hạn Phạm Hữu Ngôn – CEO kiêm CTO Ahamove; Phạm Kim Cương – Founder kiêm CEO Cohost; Lê Yên Thanh - Giám đốc Phenikaa MAAS…
Năm 2022, dịp kỷ niệm 15 năm tổ chức các kỳ thi ICPC Việt Nam, 12 gương mặt đại diện cho những người từng đạt giải ICPC đã cùng xuất hiện. Họ là những minh chứng sống cho sự thành công của người Việt trẻ trên thế giới. Trong đó, không ít người sẵn sàng quay về nước hỗ trợ giúp đỡ những lứa đàn em sau này để các em có thể giỏi hơn, thành công hơn mình.
“Có thể nói, những người Việt trẻ đã không ngừng nỗ lực vươn lên, hội nhập với trào lưu công nghệ mới, dần dần đưa Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên bản đồ công nghệ thế giới. Nhờ đó, Việt Nam đã thay đổi hình ảnh từ một quốc gia chỉ có ưu thế về outsourcing (gia công xuất khẩu phần mềm) sang quốc gia có nhiều chuyên gia công nghệ hàng đầu, tự tin tiến bước trên hành trình định vị cường quốc về công nghệ thông tin”, ông Long nhận định.
Theo thống kê từ Hội Tin học Việt Nam, trong số những bạn trẻ đạt thành tích cao nhất từ các cuộc thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam và ICPC, chưa tới 10% quay về nghiên cứu giảng dạy tại các cơ sở giáo dục - đào tạo; khoảng 50 – 60% được doanh nghiệp/tổ chức nước ngoài thuê làm việc ở Việt Nam hoặc nước ngoài với mức lương quốc tế (từ 3.500 – 7.000 USD/tháng); khoảng 30 – 40% làm ở Việt Nam, nhưng số lượng làm trong doanh nghiệp lớn không nhiều, chủ yếu gia nhập các startup công nghệ.
Ông Nguyễn Long lưu ý, con số 10% quay về làm giáo dục - đào tạo không đủ đáp ứng yêu cầu thực tế. Hiện cả nước có khoảng trên 300 khoa CNTT, ước chừng chỉ có 100 khoa có đủ nguồn nhân lực có chất lượng cao tham gia giảng dạy và đào tạo. Không ít trường đến nay vẫn duy trì dạy Pascal, chỉ đảm bảo phần lý thuyết, mô hình, còn để ứng dụng và sáng tạo theo xu thế công nghệ thì rất khó khăn. Theo xu thế phát triển, nhiều trường đã mở thêm ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu… Thiếu hụt nguồn giảng viên chất lượng cao là thực trạng đáng quan ngại, vì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực công nghệ của Việt Nam trong tương lai.
Một vấn đề khác, theo Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam, cũng cần phải đặc biệt lưu tâm: “Chúng ta vẫn đang thiếu môi trường tốt là các doanh nghiệp Việt thực sự lớn mạnh, có thể giúp các bạn trẻ rèn luyện, bồi dưỡng thêm kỹ năng nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh khi ra thế giới. Hầu hết lực lượng tốt nhất của chúng ta thường hướng tới các doanh nghiệp nước ngoài. Tôi biết có bạn đã từng làm công nghệ cho một tập đoàn rất nổi tiếng làm về outsourcing ở Việt Nam, trả lương mức khá, nhưng chỉ làm vài tháng là bạn bỏ việc vì thấy “chẳng có gì để làm”. Vấn đề không phải lương cao hay thấp mà các bạn muốn được “lớn”, được tiếp cận xu hướng mới và được thách thức. Tôi rất mong các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam lớn mạnh về công nghệ nhanh hơn, thay vì chỉ đi làm những sản phẩm theo kiểu “may đo” thì cần phải bắt đầu có những đột phá về công nghệ và phương thức tuyển dụng người tài, nằm trong nhóm doanh nghiệp dẫn đầu, khi đó, các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển, vươn tầm quốc tế hơn”.
“Bây giờ ra nước ngoài, chúng ta đều thấy tự hào khi nhắc đến người Việt. Nhưng vẫn cần có những bước đi mạnh mẽ hơn, để nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam sẵn sàng cạnh tranh với những đối thủ lớn hơn, vào những vị trí top đầu của bảng xếp hạng thế giới; và để có thêm nhiều hơn nữa doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có tên trong danh sách dẫn đầu về công nghệ toàn cầu”, Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam khuyến nghị.
Bài: Bình Minh
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Phạm Luyện
Theo vietnamnet.vn