Nông thôn Việt Nam: Đổi thay nhờ ICT

10:00, 23/05/2011

Trong thời đại “thông tin là vàng”, thông tin liên lạc đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội, là cánh cửa để người dân khu vực nông thôn tiếp cận với tri thức, công nghệ mới, tiếp cận với kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật… để từ đó đổi thay và làm giàu cho chính cuộc sống của mình.


Diện mạo mới

Trong những năm gần đây, nhờ có “đổi mới”, nông nghiệp và nông thôn nước ta đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Đóng góp vào sự phát triển chung, lĩnh vực BCVT-CNTT đã có những bước phát triển toàn diện, vượt bậc, xứng đáng là một trong những ngành đi đầu trong công cuộc đổi mới, góp phần tạo nền tảng thông tin vững mạnh, thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn nói riêng và cả đất nước nói chung.

Những bước tiến thần kỳ của ngành BCVT trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước được thể hiện qua các giai đoạn phát triển chiến lược: giai đoạn Tăng tốc độ phát triển (1993-2000) và giai đoạn Hội nhập và phát triển (2001-2010). Trong sự phát triển đó, không thể không nhắc đến vai trò tích cực của VNPT – tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước trong lĩnh vực BCVT-CNTT.

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ SXKD, VNPT còn nỗ lực phổ cập các dịch vụ BCVT công ích để xoá đi khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị. Tháng 12/2003, mạng điện thoại của VNPT đạt 7 triệu thuê bao, đưa mật độ điện thoại của Việt Nam lên 8 máy/100 dân, hoàn thành trước 2 năm chỉ tiêu mà Đại hội Đảng IX đề ra cho năm 2005.

Đón đầu xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, tháng 10/2004, VNPT chính thức khai trương và đưa vào khai thác các dịch vụ trên nền mạng NGN. Đây là một bước chuyển biến mang tính cách mạng về công nghệ đối với toàn bộ mạng viễn thông Việt Nam.

Bà con dân tộc truy cập Internet tại điểm BĐVHX Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Tháng 4/2008, VNPT tiếp tục ghi dấu ấn của mình khi phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ VT-CNTT, phát thanh, truyền hình.

Nếu như cách đây khoảng 10 năm, điện thoại, Internet còn là thứ “xa xỉ” với người dân khu vực nông thôn thì đến bây giờ, đây là những phương tiện liên lạc quan trọng, giúp ích cho họ trong việc nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.

Có thể nói, những năm qua, cùng với điện, đường, trường, trạm, hệ thống thông tin liên lạc đã góp phần làm nên diện mạo mới của nông thôn Việt Nam. Đặc biệt, từ khi VNPT triển khai dịch vụ cố định không dây Gphone, người dân vùng sâu, vùng xa, kể cả những nơi cáp thông tin chưa thể kéo đến, vẫn có thể liên lạc điện thoại.

Một trong những nỗ lực khác của VNPT trong việc phổ cập dịch vụ BCVT đến với nông thôn là sự phát triển của hệ thống điểm bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) từ năm 1998 trên phạm vi cả nước. Bằng việc cung cấp nhiều dịch vụ BCVT, đọc sách báo miễn phí..., điểm BĐVHX đã trở thành điểm sáng mới ở nông thôn, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình CNH-HĐH nông nghiệp và nông thôn.

Với mong muốn tạo điều kiện cho mọi người dân nông thôn được tiếp cận với Internet, VNPT đang tích cực đưa Internet đến các trường học trong cả nước, hỗ trợ tối đa cho ngành GD&ĐT, y tế từ Trung ương tới các địa phương, đồng thời tích cực triển khai hạ tầng mạng lưới tại các địa bàn mà mạng chưa phủ tới.

Đến nay, trên toàn mạng lưới, VNPT đã có 88,9 triệu thuê bao điện thoại và gần 2 triệu thuê bao Internet. VNPT vẫn giữ vai trò là doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng rộng lớn nhất trong các doanh nghiệp khai thác viễn thông với 93% cơ sở hạ tầng của mạng điện thoại cố định, gần 60% hạ tầng mạng điện thoại di động quốc gia và 75% thị phần Internet.

Hướng đến “Cuộc sống đích thực”

Như chính slogan “Cuộc sống đích thực”, VNPT luôn ý thức được trách nhiệm của mình là phát triển vì sự tiến bộ chung của đất nước và đi đầu trong các hoạt động phục vụ cộng đồng.

Đồng hành với các hoạt động SXKD để vươn lên xây dựng và góp phần làm giàu cho đất nước, VNPT cũng không ngừng nỗ lực đóng góp sức mình vào các hoạt động nhân đạo, xã hội vì cộng đồng.

Trong nhiều năm qua, VNPT đã ủng hộ số tiền hàng trăm tỷ đồng đóng góp vào các Quỹ như Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa, Tấm lòng vàng, Quà tặng cuộc sống, Mái ấm tình thương, ủng hộ đồng bào thiên tai, bão lụt… VNPT cũng là doanh nghiệp khởi xướng nhiều hoạt động như: “Hành trình nhân ái” mang lại ngày Tết ấm no cho người nghèo; tặng xe lăn cho người khuyết tật; xây dựng nhà tình nghĩa cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Gần đây nhất là chương trình hỗ trợ gần 200 tỷ đồng của VNPT để phát triển kinh tế - xã hội, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 2 huyện Mường Tè và Sìn Hồ của tỉnh Lai Châu.

Bên cạnh đó, “Khuyến học-Khuyến tài” cũng là một trong những hoạt động thường xuyên được VNPT quan tâm. Xuyên suốt 5 năm qua, chương trình học bổng “VNPT - Chắp cánh tài năng Việt” đã trao tặng 10.000 suất học bổng với tổng trị giá gần 8 tỷ đồng cho các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn nhưng vượt khó vươn lên ở hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Cùng với đó là chương trình “Một triệu giờ đồng hành” do Đoàn Thanh niên VNPT phát động với hàng triệu giờ miễn phí truy cập Internet và phổ cập tin học cho thanh thiếu niên vùng nông thôn; chương trình “Tuổi trẻ nhiệt huyết VNPT” đưa đoàn viên, thanh niên VNPT về khám chữa bệnh, phổ cập tin học cho đồng bào các vùng sâu, xa, biên giới hải đảo…

Các đơn vị thành viên của VNPT như VinaPhone, MobiFone, VDC… cũng tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng, an sinh xã hội như trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, tặng nhà tình nghĩa, chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, quyên góp hàng tỷ đồng ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, bão lũ…

Trong những năm qua, VNPT liên tục nhận được nhiều Bằng khen của Chính phủ, các cơ quan, ban ngành vì có nhiều hoạt động và đóng góp lớn cho công tác nhân đạo, từ thiện và đền ơn đáp nghĩa… Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, năm 2011 VNPT sẽ tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh cao cả của một tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước trong các hoạt động phát triển mạng lưới, phổ cập dịch vụ, các hoạt động an sinh xã hội vì sự phát triển của cộng đồng nói chung và người dân khu vực nông thôn nói riêng.

(theo Mic.gov.vn)