Nữ nhà báo phải là người tiên phong trong đấu tranh xóa bỏ định kiến giới
Đó là ý kiến của PGS.TS. nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tại Tọa đàm và trưng bày "Báo chí qua lăng kính giới" ngày 13/11, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.
Chương trình đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến vai trò của báo chí trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới. Nhận diện tình trạng định kiến giới trong xã hội thể hiện trên báo chí - truyền thông; thảo luận về khuôn mẫu giới, sạn giới, cách thức xây dựng sản phẩm báo chí có nhạy cảm giới.
Toàn cảnh tọa đàm và trưng bày "Báo chí qua lăng kính giới".
Theo chỉ số của "Dự án Thanh niên tham gia thách thức định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới" (Youth & Gender) do Liên minh châu Âu tài trợ, yêu cầu chung đối với các sản phẩm truyền thông, quảng cáo có nhạy cảm giới, bảo đảm thể hiện thông điệp truyền thông, quảng cáo không củng cố khuôn mẫu giới, định kiến giới và vai trò giới truyền thống mà theo hướng thách thức các khuôn mẫu, định kiến giới và hưởng đến thúc đẩy bình đẳng giới. Bảo đảm hình ảnh liên quan đến phụ nữ, nam giới, trẻ em trai, trẻ em gái và người LGBTIQ+ một cách cân bằng và đa dạng cả về định tính và định lượng trong các sản phẩm truyền thông, quảng cáo.
Đàn ông thường xuyên được nhìn nhận là phải khỏe mạnh, quyết đoán, có chí hướng, phù hợp với những công việc có áp lực cao và đòi hỏi khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng.
Trước thực trạng này, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên cần thể hiện sự trung lập về giới thông qua việc cân bằng hình ảnh và vai trò của cả phụ nữ và đàn ông. Không phân biệt đối xử giữa đàn ông và phụ nữ, giữa con trai và con gái.
Những câu chuyện, bài viết cần mang ý nghĩa thúc đẩy khả năng của phụ nữ trong lãnh đạo. Giảm bớt những cảnh báo về các sản phẩm không lành mạnh đang được tiêu thụ gắn với hình ảnh nam giới như rượu bia, thuốc lá. Làm sao để thể hiện được thông điệp đàn ông và phụ nữ có quyền ngang bằng việc đưa các quyết định mua sắm. Không quảng bá những phong tục, tập quán, nét truyền thống khiến khắc sâu định kiến giới vào dịp Tết, Trung thu hoặc các dịp, sự kiện văn hóa khác.
PGS.TS. nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, hiện còn tồn tại việc chưa nhận thức được đúng đắn về vai trò của nữ trong sự phát triển của báo chí.
Không nhấn mạnh vai trò kép của phụ nữ ở trong gia đình, nơi làm việc, cộng đồng (ví dụ, vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà). Không nhận xét về tính cách, ngoại hình, hoàn cảnh gia đình, thành tích học tập cũng như làm việc. Không sử dụng ngôn ngữ thể hiện thiên vị giới (ví dụ sử dụng những từ có gắn với giới tính để hàm ý mọi người trong xã hội).
Trao quyền cho trẻ em gái, phụ nữ trong các vai trò phi truyền thống: Lãnh đạo và quản lý, STEM (Khoa học, công nghệ, kiến trúc và toán học), giao thông vận tải, cảnh sát,… Tại gia đình, trẻ em trai, đàn ông vui vẻ và thành thạo với các công việc nhà, quan tâm chăm sóc mọi người.
PGS,TS, nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, hiện còn tồn tại việc chưa nhận thức được đúng đắn về vai trò của nữ trong sự phát triển của báo chí cũng như đóng góp của nhà báo nữ đối với sự nghiệp báo chí.
"Chính nữ nhà báo phải là người tiên phong trong việc đấu tranh xóa bỏ định kiến giới, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội", bà Hằng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra hoạt động trưng bày chuyên đề có tính lịch sử về các sản phẩm báo chí đề cập đến vấn đề giới tại Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua. Đây là một điểm nhấn sinh động và ý nghĩa phục vụ các mục tiêu hướng tới bình đẳng giới trong lĩnh vực báo chí.
Theo Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị