'Núp bóng' giao hàng lừa chuyển khoản
Thời gian gần đây, thủ đoạn giả danh shipper để lừa chuyển khoản chiếm đoạt tiền đã trở thành một hình thức lừa đảo phổ biến. Nhiều nạn nhân đã sập bẫy của các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng, mất đi số tiền lớn mà không hề hay biết.
Người dân hoang mang
Chiêu trò giả danh shipper gọi giao hàng lừa chuyển khoản tuy không mới nhưng gần đây liên tục xuất hiện, gây hoang mang cho người dân. Các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận nạn nhân thông qua những nền tảng giao hàng phổ biến.
Chúng giả danh shipper và liên hệ với nạn nhân qua điện thoại hoặc tin nhắn, thông báo rằng có gói hàng đang trên đường giao. Sau đó, họ yêu cầu nạn nhân thanh toán một khoản tiền thông qua chuyển khoản hoặc các ví điện tử để “nhận hàng”. Một số đối tượng còn giả vờ gặp sự cố khi giao hàng và yêu cầu nạn nhân ứng trước chi phí.
Một chiêu trò khác là đối tượng giả danh shipper đến trực tiếp tại nhà nạn nhân, yêu cầu thanh toán trước qua chuyển khoản vì lý do “công ty yêu cầu” hoặc “do đơn hàng chưa được xác nhận thanh toán”. Nhiều người đã vô tình chuyển khoản cho kẻ lừa đảo vì tin tưởng vào sự uy tín của các dịch vụ giao hàng chính thống.
Hầu hết các nạn nhân sau khi chuyển khoản đều không nhận được hàng, và khi quay lại để liên hệ với shipper giả mạo, họ phát hiện rằng toàn bộ thông tin liên lạc đã bị chặn hoặc không còn khả dụng. Số tiền bị chiếm đoạt có thể từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng, gây thiệt hại lớn cho những người nhẹ dạ cả tin.
Ngoài mất mát về tài chính, việc bị lừa đảo còn tạo ra cảm giác lo lắng và bất an, đặc biệt là trong bối cảnh các giao dịch thương mại trực tuyến và dịch vụ giao hàng trở nên phổ biến.
Chị Nguyễn Minh Ngọc (Hà Đông, Hà Nội) là một người có sở thích mua hàng online. Những lúc rảnh rỗi, chị thường vào xem các phiên livestream bán hàng trên mạng xã hội TikTok, Facebook. Chị cũng thường xuyên mua sắm đồ dùng trên TikTok, Shopee.
Có lần khi đang ở cơ quan, chị nhận được cuộc gọi của một người tự nhận là shipper giao một món đồ, nói là có người nhà đã thay chị nhận đồ, yêu cầu chị trả tiền cho món đồ đã chuyển phát.
Do bận rộn công việc và đặt khá nhiều đơn hàng trên mạng nên chị T không kiểm tra kỹ lại thông tin đơn hàng mà chuyển khoản tiền hàng (hơn 200 nghìn đồng) cho đối tượng nói trên. Chỉ đến khi về nhà chị mới biết mình đã mắc lừa đối tượng lừa đảo khi không có món hàng nào được chuyển tới.
May mắn hơn chị Minh Ngọc, chị Nguyễn Minh Nguyệt (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tỉnh táo thoát được cuộc gọi lừa đảo của đối tượng giả danh shipper. Bởi trước đó, trong nhóm cư dân của tòa chung cư chị đã liên tục cảnh báo chiêu trò lừa đảo này nên chị khá cảnh giác.
Theo đó, khi đang đi làm, chị Nguyệt nhận được cuộc gọi của shipper giả. thông báo có đơn hàng cần giao. Vì mọi lần chị rất hay đặt đồ trên Shopee, nên món hàng nào chị cũng thường xuyên vào check thông tin trên app xem hàng đã được giao chưa, thời gian nhận hàng bao giờ.
Ảnh 1: Tin nhắn đối tượng giả shipper lừa khách hàng chuyển khoản.
Sau khi nghe điện thoại chị hơi nghi hoặc vì những món đồ đặt chị đều đã nhận được, không thể nào có đồ mà mình lại quên, thế nên chị tỉnh táo hỏi lại shipper là món đồ gì. Người này cho biết là dây tập gym, hỏi chị xuống lấy hay chuyển khoản, cách hỏi giống như shipper quen mọi lần vẫn giao hàng cho chị.
Tuy nhiên chị Nguyệt rất tỉnh táo và bảo không đặt món đồ nào là dây tập, khiến shipper giả này phải hỏi đi hỏi lại có đúng là chị Nguyễn Minh Nguyệt không, nhưng sau đó chị liền cúp máy vì biết chắc là lừa đảo.
Còn bà Đỗ Thị Phượng (Đống Đa, Hà Nội) cũng suýt bị lừa tiền oan. Khi đang đi chơi, bà nhận được cuộc gọi giao hàng và yêu cầu chuyển khoản 410.000 đồng. Dù không nhớ là món hàng gì nhưng bà Phượng vẫn gật đầu đồng ý. Thế nhưng vì bận việc nên bà Phượng quên bẵng đi, ngay cả khi shipper này nhắn tin yêu cầu chuyển khoản bà cũng không để ý.
Chiều về, bà mới nhớ ra món hàng nọ và gọi lại cho shipper hỏi hàng thì người này cho biết vì bà chưa chuyển khoản nên chưa giao hàng. Bà đành xin lỗi và hẹn hôm sau giao lại, nhưng đợi cả buổi ngày vẫn không thấy hàng đâu.
Về sau bà mới biết là lừa đảo và cảm thấy mình quá may mắn khi không bị mất tiền. Trong khi hàng xóm nhà bà cũng bị lừa hơn 30 triệu đồng vì chiêu trò giả danh shipper này.
Không chỉ khách hàng bị lừa mà nhiều chủ cửa hàng cũng bị shipper giả danh lừa đảo. Thông thường, khi giao hàng dưới dạng “ship cod” (ship cod là hình thức giao hàng trước, sau đó mới trả tiền), các shipper sẽ phải ứng cho chủ shop một số tiền theo giá trị đơn hàng để nhận hàng, sau đó nhận lại số tiền đó từ khách.
Những cuộc gọi giả danh shipper
Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận nhiều vụ việc người dân trình báo bị các đối tượng sử dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó xuất hiện thủ đoạn mới là giả danh shipper.
Theo Công an, mới đây anh N.V.T (trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0325.595.xxx, xưng là shipper, thông báo anh có kiện hàng trị giá 321.000 đồng.
Do anh T không ở nhà nên bảo người này để hàng ở cổng nhà và gửi số tài khoản cho anh thanh toán. Tuy không kiểm tra cụ thể đơn hàng là gì, anh T vẫn chuyển khoản thanh toán đơn hàng cho đối tượng.
Sau đó, shipper lại gọi cho anh T nói là đã gửi nhầm số tài khoản trên là số đăng ký thẻ hội viên “Giao hàng tiết kiệm”, nếu chuyển tiền vào tài khoản đó Trung tâm giao hàng sẽ kích hoạt gói cước hội viên và mỗi tháng tài khoản của anh sẽ tự động bị trừ 6,8 triệu đồng.
Người dân cần kiểm tra kỹ trước khi nhận hàng để tránh lừa đảo.
Người này sau đó gửi một đường link, nói là trang Facebook của trung tâm vận chuyển để anh T liên hệ hủy đăng ký hội viên. Lo sợ bị trừ tiền trong tài khoản hàng tháng nên anh T đã thực hiện theo các yêu cầu và đã chuyển khoản hơn 300 triệu đồng cho đối tượng.
Khi thực hiện giao dịch cuối cùng thành công, đối tượng thông báo đã hoàn thành các lệnh, hệ thống sẽ chuyển trả cho anh T toàn bộ số tiền trên.
Để làm tin, đối tượng gửi ảnh chụp giao dịch thành công cho anh T. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau anh T vẫn không nhận được tiền. Chỉ đến khi liên hệ tổng đài ngân hàng, anh mới phát hiện bị lừa.
Tương tự Công an tỉnh Gia Lai vừa tiếp nhận điều tra 1 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền lớn liên quan đến việc giả danh shipper. Nạn nhân là chị N.T.L. (sinh năm 1987, trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku).
Theo đó, khi đang đi du lịch cùng gia đình thì chị L. nhận được cuộc gọi của người tự nhận là shipper giao hàng thông báo chị có đơn hàng trị giá 145 ngàn đồng. Vì là người thường xuyên mua hàng qua mạng nên chị L. không nhớ rõ được đây là đơn hàng gì nên đã báo cho shipper để hàng tại nhà rồi chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.
Lúc này, đối tượng đưa cho chị L. một số tài khoản tại VietinBank có tên “LAM NHUT LINH”. Sau khi chuyển 145 ngàn đồng vào tài khoản này thì đối tượng gọi lại cho chị L. thông báo chị đã chuyển nhầm số tài khoản của công ty giao hàng.
Cảnh báo được cơ quan chức năng phát đi.
Khi chuyển tiền vào thì tài khoản trên tự động kích hoạt gói cước hội viên của công ty. Mỗi tháng, người dùng bị trừ 3,5 triệu đồng. Sau khi kích hoạt, chị L. chỉ có một khoảng thời gian ngắn để hủy gói cước này.
Sau đó, đối tượng đề nghị chị L. liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty để được hủy gói hội viên qua tài khoản Messenger có tên “Cskh Giaohangtietkiem”.
Vì lo lắng bị trừ số tiền 3,5 triệu đồng/tháng nên chị L. đã liên hệ với tài khoản này rồi làm theo hướng dẫn. Sau đó, đối tượng gửi cho chị L. một đường link có giao diện giả mạo của Giao hàng tiết kiệm và liên tục hối thúc chị L. làm theo. Trong khoảng hơn 30 phút, chị L. đã bị đối tượng sử dụng chiêu trò tinh vi để thao túng tâm lý.
Đỉnh điểm, đối tượng dẫn dụ chị L. tới thao tác nhập mã xác thực “499999999” để hoàn tất thủ tục hủy gói cước hội viên. Nhưng thực tế con số này chính là số tiền mà chị L. nhập để chuyển cho các đối tượng, tương đương 499,999 triệu đồng. Khi phát hiện mình đã chuyển số tiền này cho tài khoản có tên “BUI DUC TRUNG” tại VPBank, chị L. mới biết mình bị lừa. Các đối tượng vẫn tiếp tục dụ dỗ chị chuyển thêm số tiền hơn 252 triệu đồng tương ứng với số dư còn lại trong tài khoản nhưng chị L. đã không thực hiện theo.
Ngay sau khi tiếp nhận đơn của chị L., Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) đã có công văn gửi VPBank-Chi nhánh Gia Lai về việc cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra, xác minh đơn tố giác tội phạm liên quan đến tài khoản “BUI DUC TRUNG”, trong đó có nội dung tạm khóa chiều ghi nợ, tạm ngừng cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử.