Ở đâu giá xăng đắt và rẻ nhất thế giới?
Việc hạn chế dùng xăng sẽ ảnh hưởng tới túi tiền của bạn, tuy mức độ ảnh hưởng ít nhiều đến đâu còn phụ thuộc vào việc bạn sống ở nơi nào trên thế giới.
Cả xăng và diesel đều là những nhiên liệu có sẵn ở hầu như mọi ngóc ngách trên thế giới, và mọi quốc gia đều tiếp cận được các thị trường thế giới với cùng mức giá như nhau. Thế nhưng giá bán lẻ các mặt hàng này lại rất khác nhau giữa các nước.
Có nhiều lý do khác nhau đằng sau sự chênh lệnh này, bởi nhiên liệu hóa thạch thường là vấn đề nhạy cảm trước các cách tiếp cận khác nhau của các chính phủ.
Giá nhiên liệu tăng giảm còn do các loại thuế, các khoản trợ giá, chi phí gốc, và các chính sách chống lạm phát của mỗi nước.
Việc là một nước khai thác dầu hay là một quốc gia nhập khẩu cũng ảnh hưởng tới giá cả khi xăng dầu đến tay người tiêu dùng.
Vấn đề là bạn có thể phải trả cao gấp 200 lần so với người khác, tùy thuộc vào việc bạn mua xăng dầu ở đâu.
Nơi giá xăng dầu rẻ nhất
Venezuela là nơi có giá xăng dầu rẻ nhất thế giới, theo báo cáo mới nhất của tổ chức tư vấn về xăng dầu trên toàn cầu, Global Petrol Prices, được công bố hôm 28/5/2018.
Tổ chức này đã phân tích dữ liệu từ 167 quốc gia và vùng lãnh thổ, và nói một lít xăng ở Venezuela có giá 1 xu Mỹ (tức khoảng 230 đồng Việt Nam), tuy nước này đang trong tình trạng hỗn loạn về tài chính và lạm phát tăng đến chóng mặt.
Vì sao giá lại thấp đến vậy?
Hai lý do: Venezuela có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, và mặc dù nền kinh tế đang suy sụp, chính phủ vẫn trợ giá cho hầu hết các loại nhiên liệu hóa thạch.
Mặt khác, Ả-rập Saudi, nước có trữ lượng dầu lớn thứ nhì thế giới, hiện đứng thứ 14 trong danh sách các nước có giá xăng dầu rẻ nhất thế giới: bạn phải trả cao gấp 54 lần so với ở Venezuela, 54 xu Mỹ (khoảng 12.000 đồng).
Xăng cũng rất rẻ ở Iran ($0,28/lít) và ở Sudan ($0,34/lít), cả hai đều là các nước sản xuất dầu.
Tại Kuwait, giá xăng là $0,35/lít, còn ở Algeria giá bán lẻ là $0,36/lít.
Chính phủ các nước này đã quyết định giữ giá xăng bán cho người dân thấp, nhưng bởi vậy họ cũng mất đi các cơ hội đem về những khoản thu.
Xuất khẩu lượng dầu khai thác được ra thị trường quốc tế giúp họ thu được những khoản lợi nhuận lớn hơn nhiều.
Giá dầu đã tăng trong 12 tháng qua, và nếu khuynh hướng này tiếp tục duy trì (theo như dự đoán của các chuyên gia), thì việc tiếp tục bán dầu giá rẻ cho người dân sẽ khiến chính phủ các nước đó phải chịu mức chi phí đắt đỏ hơn.
Những nước đắt đỏ nhất
Iceland là quốc gia có giá xăng dầu đắt nhất thế giới: 2,17 USD một lít (khoảng 50.000 đồng), theo Global Petrol Prices.
Vùng lãnh thổ Hong Kong của Trung Quốc đứng thứ hai, với giá xăng bán ra là 2,14 USD một lít - đắt gấp 194 lần so với Venezuela.
Nhưng có lẽ Na Uy mới là nơi gây ngạc nhiên nhất: đây là quốc gia có giá xăng đắt đỏ thứ ba trên thế giới này (2,05 USD một lít), tuy nước này là một trong những nước khai thác và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Na Uy quyết định áp thuế nặng lên xăng dầu nhằm giảm bớt việc dùng xe hơi cá nhân, và khuyến khích mọi người dùng phương tiện giao thông công cộng.
Lợi nhuận thu được từ việc xuất khẩu xăng được đưa vào quỹ thịnh vượng của Na Uy, còn được gọi là quỹ đầu tư dầu lửa quốc gia, hay trong tiếng Na Uy là Oljefondet, hiện được ước tính là quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới.
Mục tiêu của quỹ này là nhằm làm đa dạng hóa nền kinh tế Na Uy và đối phó với các hiệu ứng tài chính tiêu cực một khi nguồn trữ lượng quốc gia về loại nhiên liệu hóa thạch này trở nên cạn kiệt.
Hà Lan ($1,97/lít), Monaco, Hy Lạp and Đan Mạch (đều có mức giá bán lẻ $1,92/lít) cũng thuộc nhóm các nước có giá xăng dầu cao nhất thế giới.
Trong trường hợp Hy Lạp, nước này buộc phải tăng giá xăng theo yêu cầu của các chủ nợ quốc tế, một phần trong các điều kiện cứu trợ tài chính.
Israel ($1,88/lít) là một quốc gia nữa có mức giá xăng dầu cao do thuế cao, đứng thứ 9 trong bản phúc trình của Global Petrol Prices.
Một phần là bởi Israel phải nhập khẩu hầu hết các lượng nhiên liệu cần tiêu thụ, và một phần bởi thực tế dầu lửa là 'sản phẩm chủ yếu do các quốc gia không thân thiện với Israel sản xuất', theo các nguồn của chính phủ nước này.
Giá cả được xác định thế nào?
Hãng dầu khí của Brazil Petrobras nói khi tính đến giá dầu, có ba yếu tố cần cân nhắc: giá dầu do các nước xuất nhập khẩu thiết lập; mức thuế do chính phủ mỗi nước quyết định sẽ áp; và cuối cùng là mức lợi nhuận của công ty hay cá nhân bán lẻ xăng dầu.
Mỗi yếu tố có tác động một cách, và tạo ra những bối cảnh riêng biệt: các khoản thuế và các khoản trợ giá khác cho xăng dầu có thể tạo những khác biệt lớn trong giá bán ở các nước.
Các hoàn cảnh chính trị cụ thể và thậm chí cả mối quan hệ ngoại giao của một quốc gia cũng có thể ảnh hưởng tới túi tiền của người dân nước đó khi họ đi mua xăng dầu.
Giá tương đối
Có một yếu tố nữa cần tính đến. Đó là sức mua.
Chẳng hạn, giá xăng dầu ở Hà Lan có thể cao hơn so với Bolivia, nhưng điều đó không có nghĩa là người dân Hà Lan gặp khó khăn hơn trong việc mua mặt hàng này so với người dân Bolivia.
Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc bạn có trong tay bao nhiêu tiền để chi tiêu.
theo BBC