Online trên hồ câu cuối tuần

04:00, 13/04/2010

Anh V. và anh L. là chủ 2 doanh nghiệp ở vùng ven Tp.HCM, công việc bận rộn nhưng Chủ nhật nào họ cũng có mặt ở hồ câu, lúc thì Vườn Xoài (Đồng Nai), khi thì Bình An (Bình Dương) và thường xuyên nhất là dành cả ngày ở hồ Sông Mây, trên đường lên thủy điện Trị An.
 

Lý do thư giãn chỉ là một phần, vì Chủ nhật hàng trăm công nhân của công ty vẫn làm việc, các anh thì tay cầm cần tay kéo máy câu mà vẫn điều hành hoạt động, xử lý các đơn hàng và đàm phán với đối tác trong, ngoài nước qua di động. Có lẽ câu cá thực sự là môn thể thao để các anh lấy lại sự cân bằng về thể thất lẫn tinh thần sau cả tuần vật lộn với công việc.
 

Tuy không phải là dân “câu gạo”, song chiến lợi phẩm của mỗi lần đi hồ cũng không nhỏ, ít nhất cũng trên dưới chục ký cá, hôm trở trời thì ngót ngét cả tạ. Nói vậy nhiều người có thể giật mình rằng cá đâu mà nhiều thế? Vâng, nếu như các hồ câu giải trí ven nội thường nhỏ và lại rất đông người, vì gần Thành phố nên nhiều khi người ta đi giải trí hơn là nhu cầu ôm cần, thì các hồ 2 anh V. và L. thường câu lại chỉ dành cho dân chuyên nghiệp, phải đi xa hơn và không thật sẵn dịch vụ.

Khác với Vườn Soài, Bình An cũng như nhiều hồ câu khác là diện tích “có hạn”, và chủ hồ thả cá xuống chỉ để phục vụ dân câu, hồ Sông Mây rộng tới 360 hecta, là nguồn nước tưới tiêu cho các ruộng nương trong vùng. Hồ do một đơn vị quân đội quản lý và nuôi thả, khai thác. Hàng ngày họ tổ chức đánh bắt bằng lưới, cuối tuần nghỉ thì cho mở dịch vụ câu giải trí.
 

Tới Sông Mây, người ta có thể chọn 1/30 chiếc bè phao nằm dọc theo một bên bờ hồ, hoặc mang theo ghế ngồi ven hồ quăng cần ra cũng được. Bè phao rộng chừng gấp rưỡi chiếc chiếu đôi, 2/3 bè có mái che để mọi người có thể ngồi quây quần được, 1/2 bè thì trống để các cần thủ đứng quăng cần, kéo cá… Khi lên bè phao rồi, cần thủ có thể kéo dây đưa nó ra xa bờ chừng 40-50m và hãm lại: nếu câu cá mè và trôi, trắm thì quăng mồi ra xa thêm chừng 50m nữa; muốn câu cá tra thì mướn thuyền chải đưa mồi ra xa 250-300m đặt thả; còn muốn câu cá chép thì chỉ nên kéo bè phao ra chừng 25m là ổn, rồi quăng mồi ngược trở vào gần bờ.

Cũng cần nói thêm là cách câu của 2 miền khác nhau: ngoài Bắc phải thả thính làm ổ và câu lưỡi đĩa (gọi là câu lục), chùm 6 lưỡi cố định không có mồi và được thả vào giữa ổ, cá đến ổ ăn thính, nếu chạm vào lưỡi sẽ “nháy phao”; còn trong Nam thì không nhất thiết phải thả thính, nếu câu cá mè thì dùng lưỡi bom, chùm 4 lưỡi treo dây được đắp mồi bao quanh; nếu câu cá chép, trắm, trôi, tra thì viên mồi riêng cho 2 lưỡi treo lệch nhau. Không rõ có phải vì lo các cần thủ “sát cá” của mình quá hay không mà thường thì các hồ ngoài Bắc hay cấm câu lưỡi bom kiểu trong Nam; và người lại, các hồ trong Nam không cho câu lưỡi đĩa kiểu ngoài Bắc.

Mỗi lần đi câu về được ít cá nào các anh đều chia cho lái xe và bạn câu đi cùng nhặt về đủ ăn, rồi khoán cho người nhà xử lý: biếu hàng xóm xong còn lại đưa vào bếp ăn tập thể, bồi dưỡng thêm cho bữa ăn của công nhân. Nhiều dạo công việc bận rộn lại thấy các anh đi câu thêm một ngày giữa tuần (?!), có lẽ công việc được giải quyết “chạy hơn” trong những lúc ngồi ôm cần, và những lúc đó thì công nhân ăn cơm cá liên miên. Con cá tra to nhất mà anh V. đã câu được nặng 14,6kg – xách lên dài tới ngang bụng, còn con to hơn cỡ 20kg thì câu trượt vì cá dựt đứt cước, mặc dù đã dong nó vào gần bè, nhìn cái đầu to đen lù lù trước mắt. Anh L. thì vừa “chăn” được chú chép trắng 4kg, mang về vẫn còn thả ở bể nhỏ trong sân nhà mà chưa “xử lý”.

Những lúc ngồi trên bè đợi cá cắn câu, thường thì các anh bàn thảo công việc để phối hợp đáp ứng các đơn hàng khách đặt, có lúc phải điện thoại 3 bên để cùng thống nhất phương án xử lý, có lúc lại phải mở mail xem báo cáo ở công ty gửi vào rồi điều hành, chỉ đạo anh em thực hiện. Anh V. “tay to” thì cứ phải mở laptop ra, còn anh L. thư sinh hơn thì thích “chọc chọc ngoáy ngoáy” trên cái di động lấy ra từ bên thắt lưng. Trước thời 2G các anh cũng đã sắm đủ “đồ chơi” các hệ, từ khi có 3G thì lướt nhanh hơn, chẳng có cơ hội để mà quay ra quay vào châm điếu thuốc được nữa.

Ngồi bên này bờ nhìn sang bên kia thấy cả một dải sân golf Trảng Bom mà mát mắt, 2 bên bờ còn lại đều là rừng keo tai tượng lai (loại để làm nguyên liệu sản xuất giấy) bạt ngàn. Từng đàn Cò trắng thi thoảng lại vỗ cánh rào rào bay lên từ những đám rừng keo, còn trên mặt hồ thi thoảng lại có vài chú Nhan điển liệng qua liệng lại săn cá, xa xa vài con le le lặn ngụp kiếm ăn. “Trước ở đây còn có cả Bồ nông nặng tới 5kg/con, rồi chim Cóc, Gỗ gõ...”, anh Thi trông coi ở Sông Mây chỉ tay lên chiếc Boing 747 màu xanh của Vietnam Airline rõ một một nói,“Giờ thì chỉ mấy ông này là nhiều, bay rợp hồ suốt ngày”.

Phải rồi, thảo nào mỗi lần máy bay gần tới phi trường Tân Sơn Nhất, trên cao nhìn xuống cứ thấy một cái hồ có dáng hình và màu xanh thẫm hao hao giống Hồ Gươm, chỉ khác cái là không có cái chấm Tháp Rùa ở giữa. Rộng dài đất nước mình đâu cũng thấy mến yêu. Có thể cuộc sống còn nhiều bon chen và khói bụi, nhưng ai không biết “sống chậm” lại một tý với những lúc như thế này thì thật uổng, rồi sinh cáu bẳn lại càng thiệt thòi./.

Chí Bằng