OpenAI mở thêm văn phòng mới tại Nhật Bản
Ngày 10/4, OpenAI - công ty phát triển ChatGPT của Mỹ thông báo sẽ mở văn phòng tại Nhật Bản trong bối cảnh lo ngại về chatbot AI thu thập trái phép dữ liệu cá nhân và tác động với môi trường học tập.
Kế hoạch trên được thông báo tại cuộc gặp giữa Giám đốc điều hành (CEO) OpenAI Sam Altman và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Tokyo.
Ông Altman cho biết hai bên đã thảo luận về những ưu điểm và cách hạn chế những nhược điểm của công nghệ AI. Ông đồng thời bày tỏ hy vọng các chatbot sử dụng AI sẽ tiếp tục phổ biến tại Nhật Bản khi những công cụ này được điều chỉnh để phù hợp hơn với ngôn ngữ và văn hóa của đất nước.
Cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Kishida và CEO Altman diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tăng cường các quy định về việc sử dụng ChatGPT do nghi OpenAI thu thập trái phép lượng lớn dữ liệu cá nhân từ người dùng, gây tổn hại đến quyền riêng tư. Ông Altman mong muốn được trao đổi quan điểm với các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu về công nghệ AI và ChatGPT của công ty.
Tại Nhật Bản, Bộ Giáo dục đang nỗ lực xây dựng các hướng dẫn liên quan đến việc sử dụng ChatGPT và các công cụ AI khác trong trường học do lo ngại về ảnh hưởng của những chatbot này đối với kỹ năng viết và tư duy của học sinh, sinh viên.
Biểu tượng OpenAI và ChatGPT.
Cùng ngày 10/4, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno tuyên bố nước này sẽ nghiên cứu việc sử dụng công nghệ chatbot để giảm bớt gánh nặng hành chính cho các quan chức chính phủ. Tuy nhiên, ông lưu ý quyết định triển khai chỉ có thể được đưa ra nếu chatGPT giải quyết được mối lo ngại về vấn đề xử lý thông tin mật và rò rỉ dữ liệu cá nhân.
ChatGPT đã tạo nên một "cơn sốt công nghệ", sau khi được ra mắt vào tháng 11/2022. Ứng dụng này có thể đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi hóc búa, viết mã code, sáng tác thơ hoặc viết bài luận, thậm chí có thể giúp học sinh-sinh viên vượt qua các kỳ thi khó.
Các báo cáo của ngân hàng đầu tư đa quốc gia UBS cho thấy tính đến tháng 1/2023, ChatGPT đã có khoảng 100 triệu người dùng thường xuyên, qua đó trở thành ứng dụng có lượng người dùng tăng nhanh nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, những khả năng vượt trội này của ChatGPT cũng gây tranh cãi trong dư luận khi các giáo viên lo ngại rằng học sinh, sinh viên sẽ sử dụng ứng dụng này để gian lận khi làm bài thi, còn các nhà hoạch định chính sách lo ngại nguy cơ lan truyền thông tin sai lệch.
Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ chủ trì cuộc họp cấp bộ trưởng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về các vấn đề kỹ thuật số vào cuối tháng 4 này. Nhiều khả năng, những rủi ro của AI là một trong những nội dung sẽ được đưa ra thảo luận tại cuộc họp.
Thùy Dung (T/h)