PCI 2020: Quảng Ninh nắm giữ vị trí đầu bảng 4 năm liên tiếp
Lần thứ 4 liên tiếp, tỉnh Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2020) do VCCI công bố.
Với điểm số PCI tổng hợp năm 2020 đạt 75,09 điểm, Quảng Ninh là tỉnh đứng đầu Chỉ số PCI năm 2020. Tăng 1,69 điểm PCI tổng hợp so với năm trước đó, Quảng Ninh đã vượt qua chính mình để xác lập vững chắc vị trí quán quân bảng xếp hạng PCI trong 4 năm liên tiếp. Không chỉ vậy, Quảng Ninh còn là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh, thành phố vượt qua được mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.
Kết quả này tới từ những nỗ lực đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2020, khi chính quyền tỉnh này đã đặt trọng tâm vào công tác hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do dịch COVID-19.
Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu trên bảng xếp hạng PCI.
Theo VCCI, cộng đồng doanh nghiệp tại Quảng Ninh đã đánh giá cao chính quyền tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, 89% doanh nghiệp đánh giá chính quyền tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. 79% doanh nghiệp cho biết chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh. 97% doanh nghiệp nhận được phản hồi từ cơ quan chính quyền tỉnh sau khi phản ánh khó khăn, vướng mắc và 81% doanh nghiệp hài lòng với cách giải quyết của cơ quan chính quyền tỉnh.
Bên cạnh đó, yêu cầu “3 giảm” trong cải cách thủ tục hành chính (giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư) được chính quyền tỉnh thực hiện liên tục từ năm 2017 tới nay đã mang lại kết quả tích cực qua đánh giá của doanh nghiệp: 71% doanh nghiệp đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản (năm 2019 là 66%), 84% doanh nghiệp cho biết thời gian thực hiện thủ tục được rút ngắn so với quy định (năm 2019 là 76%).
Gánh nặng chi phí không chính thức của doanh nghiệp tại Quảng Ninh cũng đã giảm bớt, khi chỉ có 3% doanh nghiệp phải chi trả trên 10% doanh thu cho khoản chi này (năm 2019 là 5%). Chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể, với tỷ lệ doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục sử dụng một số loại dịch vụ ở mức cao, ví dụ: dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường (81%), dịch vụ tư vấn pháp luật (88%) và dịch vụ liên quan tới công nghệ (75%).
Đồng Tháp và Long An là những địa phương tiếp theo nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2020. Với điểm số 72,8, Đồng Tháp nắm giữ vị trí thứ 2 trong PCI 2020 với những cải thiện đáng kể so với năm 2019 trong công tác cải cách hành chính (tăng 1,1 điểm), tạo thuận lợi về gia nhập thị trường (tăng 0,81 điểm) và giảm thiểu chi phí không chính thức cho doanh nghiệp (tăng 0,45 điểm).
Long An đạt 70,37 điểm và đứng vị trí thứ 3 trong PCI 2020, tăng 5 bậc so với năm 2019, với những bước tiến mạnh mẽ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp (tăng 1,17 điểm) và công tác cải cách thủ tục hành chính (tăng 1,32 điểm).
Những tỉnh tiếp theo đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI 2020 là Bình Dương (70,16 điểm), Đà Nẵng (70,12 điểm), Vĩnh Long (69,34 điểm), thành phố Hải Phòng (69,27 điểm), Bến Tre (69,08 điểm), thành phố Hà Nội (66,93 điểm) và Bắc Ninh (66,74 điểm).
Trong danh sách này, Bình Dương có sự cải thiện mạnh mẽ nhất khi tăng 2,78 điểm và 9 bậc so với kết quả năm 2019, với những đánh giá tích cực của doanh nghiệp về gia nhập thị trường (tăng 1,22 điểm) và công tác hỗ trợ doanh nghiệp (tăng 0,91 điểm).
Nhóm cuối cùng trong PCI 2020 là Bắc Kạn, Đắk Nông, Hà Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu. Trong đó, đáng chú ý có sự xuất hiện của tỉnh Bạc Liêu. Theo PCI 2020, số điểm của tỉnh Bạc Liêu là 59,61, giảm 4,17 điểm. Với số điểm này, tỉnh Bạc Liêu đã tụt từ vị trí 51 xuống vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng PCI.
Thùy Chi (T/h)