PGS TS Trần Quý Tường: Hội Tin học Y tế Việt Nam ra đời sẽ góp phần hình thành nền y tế thông minh

14:01, 28/02/2022

Tháng 1/2022, Bộ Nội vụ đã có quyết định cho phép thành lập Hội Tin học Y tế Việt Nam và theo lộ trình, Hội sẽ tổ chức đại hội thành lập trong tháng 3/2022.

PGS TS Trần Quý Tường - nguyên Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế, Trưởng ban vận động thành lập Hội Tin học Y tế Việt Nam.

VietTimes đã có cuộc phỏng vấn với PGS TS Trần Quý Tường – nguyên Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế, Trưởng ban vận động thành lập Hội Tin học Y tế Việt Nam.

PV: Xin ông cho biết sự cần thiết của việc thành lập Hội Tin học Y tế Việt Nam.

PGS.TS. Trần Quý Tường: Thời gian qua, với sự cố gắng vươn lên của toàn ngành y tế nói chung và anh em làm công tác tin học y tế nói riêng, công tác tin học Y tế Việt Nam đã từng bước phát triển và hội nhập. Nhiều chính sách liên quan đến phát triển y tế điện tử do Bộ Y tế ban hành được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao.
Bộ Y tế đứng đầu các bộ về cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT. Ứng dụng CNTT trong bệnh viện có bước phát triển đột phá, 100% bệnh viện trên toàn quốc đã có phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện; 99,5% các cơ sở khám, chữa bệnh thành công trong kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện với cơ quan giám định và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Triển khai thành công và có hiệu quả 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ Y tế, đạt chỉ tiêu chính phủ giao. Bước đầu hình thành mạng lưới Y tế từ xa.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được đó, ứng dụng CNTT ở nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức, như cơ chế tài chính chưa hoàn thiện, nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu cho ứng dụng CNTT; sự kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa huy động tốt các nguồn lực xã hội cho ứng dụng CNTT y tế, sự tham gia xây dựng chính sách của các chuyên gia, cán bộ chưa hiệu quả, đặc biệt là chưa có tổ chức xã hội nghề nghiệp về CNTT y tế để phối hợp với các cơ quan nhà nước và đơn vị liên quan trong đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn của các cán bộ, nhân viên về CNTT y tế, cũng như tham gia xây dựng chính sách và các hoạt động quản lý nhà nước về CNTT y tế được tốt hơn.

Trong khi đó trên thế giới, Mạng Y tế Điện tử châu Á (AeHIN) đã thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tốt hơn. Theo các trang tin điện tử, hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 60 Hội tin học y tế của các nước. Một số Hội như: Hiệp hội Tin học Y tế Argentina, Hiệp hội Tin học Y tế Úc, Hiệp hội Tin học Y tế Bỉ, Hiệp hội tin học y tế của Bosnia và Herzegovina, Hiệp hội Tin học Y tế Brazil, Hiệp hội Tin học Y tế Croatia, Hiệp hội Tin học Y tế Nhật Bản, Hiệp hội Tin học Y tế Ấn Độ, Hiệp hội Tin học Y tế Malaysia. Các Hội này đều hoạt động rất có hiệu quả, có nhiều đóng góp vào sự phát triển của CNTT Y tế của họ.

PGS TS Trần Quý Tường: Hội Tin học Y tế Việt Nam ra đời sẽ góp phần hình thành nền y tế thông minh ảnh 1

PGS TS Trần Quý Tường (thứ 2 bên phải) được Ban tổ chức chương trình Gặp gỡ Xuân Nhâm Dân 2022 tặng hoa với tư cách đại diện cho tổ chức thứ 17 tham gia Liên minh các hội và hiệp hội CNTT cùng tân Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng.

Xuất phát từ các thực tế trên, việc thành lập Hội Tin học Y tế Việt Nam là rất cần thiết. Hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các tổ chức và công dân Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển CNTT y tế theo quy định của pháp luật Việt Nam, tự nguyện thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ lẫn nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, suốt đời. Đồng thời, Hội ra đời để góp phần đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, phổ biến, ứng dụng và phát triển CNTT y tế phục vụ sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

PV: Ông nghĩ gì về nguồn nhân lực CNTT cho ngành y tế, một môi trường đòi hỏi chuyên gia CNTT hiểu biết sâu sắc về y tế và bác sĩ cũng phải sử dụng trên mức thành thạo với CNTT?

PGS TS Trần Quý Tường: Đúng như vậy, để triển khai ứng dụng CNTT Y tế, chuyển đổi số thành công đòi hỏi các chuyên gia CNTT phải có hiểu biết về ngành y tế, đồng thời đội ngũ các thầy thuốc cũng phải cố gắng, tâm huyết với ứng dụng CNTT, chấp nhận sự thay đổi nề nếp, thói quen làm việc từ môi trường làm việc truyền thống sang nề nếp làm việc mới, khoa học hơn, tuân thủ quy trình chặt chẽ hơn.

Trong thời gian qua, ngành y tế đã quan tâm tuyển dụng, đào tạo và đã hình thành đội ngũ công chức, viên chức CNTT Y tế từ trung ương đến địa phương với hàng nghìn người làm việc ở các cơ quan quản lý y tế hay ở các đơn vị sự nghiệp y tế hoặc làm việc ở doanh nghiệp. Các cán bộ CNTT có năng lực, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được phân công. Ở một số đơn vị, đã chiêu mộ, tuyển dụng được cán bộ có trình độ cao về CNTT y tế, có người đã được đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ ở nước ngoài về CNTT Y tế.

Tuy nhiên, để đáp ứng với đòi hỏi của công cuộc chuyển đổi số y tế trong giai đoạn hiện nay, rất cần đội ngũ cán bộ CNTT y tế phát triển hơn về số lượng và chất lượng, cần nhiều người giỏi chuyên sâu CNTT Y tế hơn. Vì vậy, để đồng hành, chia sẻ với các cơ quan, đơn vị, Hội Tin học Y tế Việt Nam ra đời có một trong các nhiệm vụ quan trọng là tập hợp đội ngũ cán bộ CNTT Y tế, động viên, khích lệ họ, tổ chức đào tạo, tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CNTT Y tế và cả để chính các bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng… cũng phải coi việc sử dụng CNTT là không thể thiếu.

PV: Ông kỳ vọng gì về CNTT và chuyển đổi số trong ngành y tế, nhất là khi đã có Hội Tin học Y tế Việt Nam được phép thành lập?

PGS.TS. Trần Quý Tường: Bộ Y tế đã ban hành Chương trình chuyển đổi số Y tế giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu chung là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Để đạt được mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số Y tế, ngành Y tế đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, Trong đó quan trọng nhất là phát triển nền tảng cho chuyển đổi số, bao gồm chuyển đổi nhận thức; Kiến tạo thể chế: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức chi trả trong lĩnh vực CNTT y tế; Phát triển hạ tầng số y tế; Phát triển dữ liệu số y tế: Phát triển, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trong việc xây dựng, lưu trữ dữ liệu y tế; Phát triển nền tảng số trong y tế: Phát triển nền tảng tích hợp dữ liệu y tế quốc gia, kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, các hệ thống y tế chuyên ngành, thống kê y tế; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; tăng cường phát triển nguồn nhân lực, triển khai đào tạo các chuyên gia cấp trung ương và các chuyên gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về chuyển đổi số y tế.

Ứng dụng CNTT đã và đang trở thành một thành tố không thể thiếu với ngành y tế Việt Nam.

Phát triển Chính phủ số trong ngành y tế, bao gồm triển khai, hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành điện tử; Duy trì và vận hành hiệu quả Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính của Bộ Y tế; Duy trì và vận hành hiệu quả Cổng công khai Y tế, Cổng công khai giá các thiết bị y tế cũng như cấu hình thiết bị y tế; Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin quốc gia về y tế.

Phát triển kinh tế số trong ngành y tế: Với trọng tâm là thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế, các cơ sở khám chữa bệnh trong ngành y tế tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị cũng như cung cấp dịch vụ y tế, tăng cường trải nghiệm, nâng cao tiện ích cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ y tế. Và cả Phát triển xã hội số trong ngành y tế: Xây dựng, phát triển trung tâm đánh giá tác động và hỗ trợ chuyển đối số trong y tế (theo hướng xã hội hóa).

Trong đó có một số lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trong ngành y tế như chuyển đổi số trong phòng bệnh là triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trên cơ sở đó được bác sĩ tư vấn, chăm sóc cho từng người dân như là bác sĩ riêng: xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi một người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ.

Phát triển ứng dụng giám sát các dịch bệnh; Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân bao gồm cung cấp tri thức về phòng chống COVID-19, các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, thông tin dinh dưỡng và khai báo sức khỏe cá nhân.

Phát triển các hệ chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho phép người dân có thể tự kiểm tra chẩn đoán bệnh ban đầu của mình thông qua việc nhập các triệu chứng ban đầu của bệnh nhân vào hệ chuyên gia, hình thành các trợ lý ảo chăm sóc cho người dân. Triển khai tích hợp các ứng dụng có thể tự theo dõi, phát hiện ra tình trạng sức khỏe của người dân với các thiết bị gắn trên người (bao gồm thiết bị di động).

Xây dựng, triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã, đảm bảo đáp ứng được tất cả các nghiệp vụ của trạm y tế xã, đáp ứng các quy định tại Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12/08/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn. Xây dựng, triển khai hệ thống quản lý và cổng thông tin về ngộ độc thực phẩm, phản ánh các thông tin mất an toàn vệ sinh thực phẩm, cảnh báo nhanh về an toàn thực phẩm cho người dân qua các ứng dụng nhắn tin di động, kết nối với thông tin kiểm nghiệm thực phẩm. Triển khai thu thập thông tin môi trường qua thiết bị cảm biến trong lĩnh vực môi trường y tế.

Cùng với việc đó là chuyển đối số trong bệnh viện: Xây dựng “bệnh viện thông minh”: Các cơ sở khám, chữa bệnh căn cứ Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế về việc ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh để xây dựng lộ trình đáp ứng “bệnh viện thông minh” (Mức 6 của Thông tư 54). Đồng bộ mã số định danh Y tế (ID): Sử dụng mã số BHXH của người dân để xây dựng ID y tế và triển khai thực hiện trên toàn quốc;

Chương trình chuyển đổi số của ngành Y tế với các mục tiêu, giải pháp rất rõ dàng, tất cả vì sự phát triển, hiện đại hóa toàn ngành, vì mục tiêu cao cả là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tốt nhất. Để đạt được mục tiêu đề ra, toàn thể cán bộ ngành y tế tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đoàn kết, nỗ lực, không ngừng nâng cao năng lực quản lý, trình độ nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hội tin học Y tế Việt Nam ra đời xin được tham gia, phối hợp, “ghé vai gánh vác” cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan để cùng nhau thực hiện thành công các nhiệm vụ của Chương trình chuyển đổi số Y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.

PV: Xin cảm ơn ông và kính chúc Hội Tin học Y tế Việt Nam sẽ góp phần thành công cho một nền y tế thông minh!

Theo Đức Hoàng (viettimes.vn)