Phát hiện bằng chứng hoạt động của núi lửa trên sao Hỏa sau 3 triệu năm
Các nhà thiên văn học tìm thấy trầm tích núi lửa chỉ khoảng 50.000 năm tuổi tại một khe nứt trên đồng bằng Elysium Planitia của sao Hỏa.
Hành tinh đỏ từng là điểm nóng núi lửa cách đây 3 - 4 tỷ năm, nhưng ngày nay không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các vụ phun trào vẫn còn diễn ra trên bề mặt thiên thể. Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng hoạt động núi lửa cuối cùng được ghi nhận trên sao Hỏa đã là 3 triệu năm trước. Tuy nhiên, khám phá mới của Đại học Arizona (Mỹ) có thể đẩy mốc thời gian này về sớm hơn rất nhiều.
Sử dụng dữ liệu từ vệ tinh quỹ đạo, các nhà thiên văn học đã phát hiện một mỏ trầm tích núi lửa chưa từng được biết đến trên sao Hỏa. Nó nằm xung quanh một khe nứt trong khu vực đồng bằng Elysium Planitia. Trong báo cáo trên tạp chí Icarus, nhóm nghiên cứu ước tính mỏ trầm tích mới khoảng 50.000 năm tuổi.
"Đây có thể là trầm tích núi lửa trẻ nhất trên bề mặt sao Hỏa. Nếu chúng ta nén lịch sử địa chất của hành tinh thành một ngày duy nhất, sự kiện phun trào xảy ra vào những giây cuối cùng", tác giả chính của nghiên cứu David Horvath từ Đại học Arizona nhấn mạnh.
Vụ phun trào đã tạo ra một lớp trầm tích mịn, tối màu, rộng hơn 12 km và bao quanh một khe nứt trải dài 32 km.
Vệ tinh sao Hỏa chụp ảnh trầm tích núi lửa xung quanh khe nứt trên sao Hỏa. Ảnh: NASA/JPL/MSSS
"Ngay khi lần đầu tiên nhìn thấy mỏ trầm tích, chúng tôi biết nó rất đặc biệt. Nó không giống bất kỳ thứ gì được tìm thấy trong khu vực Elysium Planitia, thậm chí là trên toàn bộ bề mặt sao Hỏa", đồng tác giả Jeff Andrews-Hanna, Phó giáo sư tại Phòng thí nghiệm Mặt trăng và Hành tinh thuộc Đại học Arizona, cho hay.
Phân tích chi tiết hơn cho thấy các đặc tính, thành phần và sự phân bố của vật chất phù hợp với những gì có thể xảy ra với một vụ phun trào nham tầng (pyroclastic) - sự kiện bùng nổ magma do các luồng khí mở rộng tạo nên, giống như việc mở một lon nước ngọt có ga sau khi lắc mạnh.
Việc phát hiện một mỏ trầm tích còn ít tuổi như vậy đã làm tăng khả năng tồn tại các điều kiện hỗ trợ sự sống phát triển bên dưới bề mặt hành tinh. "Sự tương tác giữa magma với chất nền băng giá của khu vực này có thể tạo điều kiện cho hoạt động gần đây của vi sinh vật, làm tăng khả năng tồn tại sự sống", Horvath nói thêm.
Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục điều tra nguyên nhân của vụ phun trào bằng cách xem xét các mô hình để tìm hiểu cơ chế đằng sau nó. Đồng tác giả Pranabendu Moitra, nhà khoa học địa chất tại Đại học Arizona, gợi ý rằng sự kiện có thể do magma tiếp xúc với lớp băng vĩnh cửu của sao Hỏa gây ra.
"Băng tan thành nước, trộn với magma và bốc hơi, tạo ra một vụ nổ dữ dội. Khi nước tiếp xúc với magma, nó giống như đổ xăng vào lửa", Moitra giải thích. Nhóm nghiên cứu dự đoán vụ phun trào đã đẩy một lượng lớn tro bụi lên tới độ cao 9 km.
Linh Trang (T/h)