Phát hiện phá rừng trồng cần sa nhờ phần mềm quản lý rừng

14:49, 03/06/2021

Nhờ áp dụng công nghệ ảnh viễn thám, kiểm lâm phát hiện kịp thời các điểm phá rừng, trong đó có mục đích trồng cần sa, ở vùng đồi núi hiểm trở. Theo lãnh đạo kiểm lâm, việc áp dụng công nghệ quản lý bằng ảnh vệ tinh và công nghệ GIS là cấp thiết.

Giữa tháng 5, sau gần một ngày băng rừng, dò theo tọa độ vệ tinh, Hạt kiểm lâm liên huyện Hàm Tân – La Gi cùng lực lượng chức năng địa phương phát hiện hơn 3.000 m2 rừng bị phá trên núi Mây Tào đang trồng cần sa. 470 cây đang phát triển tốt cao khoảng 40-60 cm. Tại đây còn có hệ thống dẫn nước từ khe suối gần đó xuống tưới cho vườn cần sa giữa rừng.

"Khi tìm đến đúng tọa độ, chúng tôi thấy hiện trạng đúng như dự đoán" - ông Lê Chiến, cán bộ kỹ thuật Hại kiểm lâm liên huyện Hàm Tân – La Gi kể.

Trước đó, xem ảnh vệ tinh trên thống quản lý rừng bằng công nghệ viễn thám, ông Chiến phát hiện có những điểm trống bất thường trên núi. Đây là vị trí có địa hình hiểm trở do Trường bắn quốc gia khu vực III quản lý, lâu nay ít ai đặt chân đến.

Thấy khả nghi, lãnh đạo hạt kiểm lâm nhanh chóng thông tin với trường bắn, công an huyện và đồn biên phòng xã Tân Thắng phối hợp đi thực địa xác minh. Hạt trưởng Nguyễn Đăng Hiếu nói: "Nếu không nhờ ảnh viễn thám, sẽ khó phát hiện ra điểm phá rừng trồng cần sa quy mô trên núi cao hiểm trở như thế".

Vườn cần sa 3.200 m2 được phát hiện trên núi Mây Tào, huyện Hàm Tân, ngày 12/5.

FMS là hệ thống quản lý rừng bằng ảnh vệ tinh Sentinel và công nghệ thông tin địa lý (GIS) được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Bình Thuận triển khai từ đầu năm nay, kinh phí gần 3 tỷ đồng. Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận được giao trách nhiệm vận hành và quản lý hệ thống qua địa chỉ web: https://fmsbinhthuan.net/login.html.   

Theo định kỳ, mỗi tháng hai lần (ngày 2 và 16) hệ thống sẽ tự động cập nhật hình ảnh, thông báo chính xác tọa độ từng điểm rừng (từ 0,1 ha trở lên) bị thay đổi hiện trạng. Ngay sau khi nhận tin nhắn SMS hoặc email, chủ rừng cùng cán bộ kỹ thuật, nhân viên bảo vệ rừng đến hiện trường xác minh và báo cáo kết quả về Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Qua 5 tháng vận hành, phần mềm đã phát hiện và gửi hơn 1.000 tin cảnh báo. Hầu hết đều đã được xác minh nguyên nhân. Trong đó có 151 điểm khai thác rừng trồng, 2 điểm cháy rừng, 12 điểm cháy thực bì, 14 điểm lấn chiếm đất lâm nghiệp, 4 điểm phá rừng và còn lại do nhiều nguyên nhân khác (như rừng rụng lá mùa khô, người dân thu hoạch hoa màu trên đất rẫy cũ trong rừng...).

Hầu hết chủ rừng đều tâm đắc với hiệu quả ban đầu do phần mềm này mang lại. Ông Hồ Văn Phương, Phó ban quản lý Rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết công nghệ ảnh viễn thám thực sự hữu dụng, giúp đơn vị quản lý rừng chặt chẽ hơn trước.

Rừng bị phá để trồng cần sa trên núi Mây Tào (chỗ khoanh tròn) được phát hiện nhờ phần mềm quản lý rừng bằng ảnh viễn thám.

Rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi nằm giáp ranh tỉnh Lâm Đồng. Gần 20.000 ha rừng nhưng chỉ có 26 người (thuộc 6 trạm) trực tiếp quản lý, bảo vệ. Theo ông Phương, đôi khi việc tuần tra không thể kiểm soát kịp thời tình hình trong các lõi rừng sâu hoặc khu vực kề rẫy dân. "Vừa qua, từ tin báo hệ thống, chúng tôi đi xác minh và ngăn chặn ngay 4 điểm rừng bị tác động" - ông Phương cho hay.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phần mềm cảnh báo chưa chính xác. Chẳng hạn, tại khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông (huyện Tánh Linh), từ đầu năm đến nay được hệ thống cảnh báo 4 điểm ở ba xã: La Ngâu, Đức Bình và Suối Kiết. Chủ rừng đã kiểm tra, xác định một lô (2.600 m2) cảnh báo đúng và 3 lô (3.100 m2) cảnh báo chưa đúng do hiện trạng dây leo bị khô cháy chứ không phải mất rừng.

Ông Nguyễn Tri Tâm, Phó giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông cho rằng tới đây Chi cục Kiểm lâm cần cải tiến và nâng cấp hệ thống FMS Bình Thuận, làm sao phát hiện sớm hơn các điểm rừng bị tác động, nhất là tăng độ rõ nét của hình ảnh những người trực tiếp phá để rừng làm cơ sở xử lý, ngăn chặn triệt để hơn.

Thạc sĩ Phan Văn Thưởng, người trực tiếp xử lý thông tin trên ứng dụng quản lý rừng bằng ảnh viễn thám tại Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận.

Bình Thuận hiện còn hơn 336.400 ha rừng (trong đó có gần 288.700 ha rừng tự nhiên và hơn 47.700 ha rừng trồng). Hiện, bình quân mỗi nhân viên bảo vệ rừng quản lý khoảng 700 ha, nên khó tiếp cận địa bàn thường xuyên.

Vì vậy, theo lãnh đạo kiểm lâm, việc áp dụng công nghệ quản lý bằng ảnh vệ tinh và công nghệ GIS là cấp thiết. Ngoài ra, sử dụng công nghệ này rẻ hơn chi phí mua máy bay không người lái (khoảng 30 tỷ đồng) như dự kiến trước đó của Thường trực Tỉnh ủy Bình Thuận.

"Tới đây chúng tôi tiếp tục phối hợp với đối tác nâng cấp hệ thống hiện có, phát huy hơn nữa hiệu quả của công nghệ mới này trong công tác quản lý rừng" - ông Hồ Thiện Đang, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận cho hay.

PV (T/h)