Phát huy giá trị tư tưởng các danh nhân văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước

08:12, 23/03/2024

Các nhà khoa học đã khái quát, đúc kết những bài học kinh nghiệm quý từ các danh nhân để vận dụng và phát huy vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Hội thảo Danh nhân văn hóa Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước – Những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự - Ảnh: VGP/PL.

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Hội đồng lý luận Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học “Danh nhân văn hóa Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước – Những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”.

Trung tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Ủy viên thường trực Hội đồng lý luận Bộ Công an, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an nhấn mạnh, lịch sử hào hùng trong hơn 4.000 nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã ghi danh biết bao anh hùng, danh nhân văn hóa với những đóng góp to lớn cho sự trường tồn và phát triển của dân tộc ta. 

Các danh nhân văn hóa Việt Nam không chỉ thể hiện tấm lòng vì nước, vì dân, vì độc lập chủ quyền dân tộc, vì sự phát triển bền vững của đất nước, mà họ đã cống hiến cả cuộc đời hoạt động của mình cho mục tiêu, lý tưởng đó.

Trung tướng Trần Vi Dân cho biết Hội thảo sẽ làm rõ những tài năng xuất chúng, tinh thần yêu nước, ý chí, nghị lực phi thường, lòng dũng cảm vô hạn, phẩm chất đạo đức trong sáng và những đóng góp to lớn của các danh nhân văn hóa đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử. 

Từ đó khái quát, đúc kết những bài học kinh nghiệm quý từ các danh nhân để vận dụng và phát huy vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 

Hội thảo đã nhận được gần 40 báo cáo khoa học của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng Công an, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương.

Bài học về xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc

Tham luận tại Hội thảo với chủ đề “Nhận thức chung về danh nhân và nghiên cứu danh nhân”, GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu danh nhân,nhấn mạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng về danh nhân góp phần vào nâng cao nhận thức xã hội, biết trân trọng các giá trị và di sản, quý trọng nhân tài, hiền tài, thấy ở đó nguồn trữ năng tinh thần vô giá, nguồn tài nguyên quý hiếm cần phát huy trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa, phát triển dân tộc. 

Nghiên cứu danh nhân góp phần cung cấp các dữ kiện lịch sử và văn hóa để xây dựng chiến lược, chính sách phát triển nhân tài, nhân lực, sử dụng có hiệu quả nhân tài, bồi dưỡng và trọng đãi tiền tài “nguyên khí của quốc gia” để phát triển đất nước.

Phân tích quan điểm giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun trồng nguyên khí quốc gia của Thân Nhân Trung và bài học về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc hiện nay, PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ, Thân Nhân Trung là một vị quan đại triều có uy tín về đức độ và tài năng. Câu viết trên bia tiến sỹ năm 1484 “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” của ông không chỉ có ý nghĩa trong xã hội thời Lê mà vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta hiện nay. 

Thấm nhuần quan niệm đó, vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” và “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Đảng ta đã coi “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” và phải “tạo ra đột phá trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài” để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phấn đấu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Kế thừa, phát huy các giá trị tư tưởng “dân là gốc”, “yên dân” của Nguyễn Trãi và các danh nhân văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, PGS.TS Đinh Công Tuấn, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã rút ra bài học kinh nghiệm về xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện nay. 

Trong đó, đồng chí cho rằng, ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân là nhân tố quyết định thắng lợi của Ngày hội và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. 

Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng CAND làm nòng cốt. Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được triển khai ở cơ sở, thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp theo hướng xã hội hóa phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa bàn.

TS. Nguyễn Thị Kim Oanh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng, Viện Nghiên cứu danh nhân cho rằng, sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội là một trong những vấn đề liên quan đến sự an nguy của quốc gia, dân tộc và đời sống của nhân dân trên mọi phương diện. 

Việc khai thác giá trị danh nhân Việt Nam vào nhiệm vụ quan trọng này là một việc làm không thể không quan tâm đến. 

Do đó, chúng ta phải không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực cùa các chủ thể, lực lượng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị danh nhân văn hóa. Không ngừng tuyên truyền, giáo dục làm cho giá trị của danh nhân văn hóa Việt Nam thấm sâu vào mọi người dân. 

Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn các sản phẩm xấu độc, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch, xuyên tạc, hạ bệ uy tín của các danh nhân, trong đó có danh nhân văn hóa Việt Nam.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/phat-huy-gia-tri-tu-tuong-cac-danh-nhan-van-hoa-viet-nam-trong-su-nghiep-dung-nuoc-va-giu-nuoc-102240322162458629.htm