Phát thanh và Truyền hình chuyển mình trong kỷ nguyên số

15:26, 27/11/2024

Truyền thông số có khả năng phát triển đến mức thay thế hoàn toàn các hình thức truyền thông truyền thống hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng. Tuy vậy, điều chắc chắn là chuyển đổi số trong truyền thông đang trở thành một xu thế tất yếu. Quá trình này không chỉ đặt ra nhiều thách thức mà còn mở ra vô số cơ hội mới, đồng thời tái định vị vai trò của phát thanh và truyền hình trong bối cảnh hiện đại.

Vài nét tổng quát

Theo Báo cáo Việt Nam Digital 2024 của We Are Social, số người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt 78,44 triệu người, với 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội tính đến tháng 1 năm 2024, tương đương 73,3% dân số. Đáng chú ý, 96,6% người dùng truy cập Internet qua điện thoại di động. Trung bình, mỗi người Việt Nam dành 6 tiếng 18 phút mỗi ngày để truy cập Internet, trong đó có 2 tiếng 25 phút cho mạng xã hội, và 59,6% sử dụng Internet để cập nhật tin tức, sự kiện.

Những con số này cho thấy nhu cầu thông tin của công chúng là rất lớn, đặc biệt trên các nền tảng trực tuyến, nơi họ vừa tìm kiếm thông tin vừa giải trí. Điều này khẳng định rằng chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu đối với báo chí Việt Nam, mà còn là vấn đề sống còn. Các cơ quan báo chí buộc phải chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu công chúng, lan tỏa thông tin hiệu quả hơn và đảm bảo vị thế trong việc giành thị phần công chúng, doanh thu truyền thông, quảng cáo trong bối cảnh phát triển kinh tế số.

Phát thanh và truyền hình đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các loại hình truyền thông trên nền tảng số. Cuộc cạnh tranh này không chỉ diễn ra về mặt nội dung mà còn liên quan đến việc chia sẻ công chúng. Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu của công chúng là tiếp cận thông tin đa chiều, linh hoạt và phù hợp với thói quen cá nhân. Đây chính là lợi thế nổi bật của các nền tảng số so với báo chí truyền thống như phát thanh và truyền hình.

Chỉ với một chiếc smartphone, công chúng có thể dễ dàng thỏa mãn mọi nhu cầu từ tiếp nhận thông tin, giao tiếp xã hội, giải trí cho đến thực hiện các công việc cá nhân. Điều này làm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thông tin truyền thống, khiến phát thanh và truyền hình dần mất đi vị thế độc tôn của mình.

Hiện nay, không gian mạng đã trở thành “trận địa chính” và là “trận chiến chính” của báo chí. Điều này có nghĩa là, dịch chuyển sang không gian số và tạo nguồn thu từ nội dung số là một yêu cầu, mệnh lệnh cấp thiết mà các cơ quan báo chí phải thực hiện.

Chuyển đổi số trong báo chí tại Việt Nam không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn hướng đến việc xây dựng các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Qua đó, báo chí sẽ tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự nghiệp đổi mới của đất nước, đồng thời đáp ứng những yêu cầu mới của công chúng trong kỷ nguyên số.

Công nghệ số đã thay đổi toàn bộ thị trường, làm thay đổi cách nghĩ, cách xem, cách nghe và cách đọc của công chúng Việt. Sự thay đổi này dẫn đến phản ứng dây chuyền, kéo theo sự thay đổi từ phía các nhà quảng cáo. Điều này có nghĩa là các yếu tố quan trọng của báo chí, bao gồm cả phát thanh và truyền hình, đều đã “xoay trục”. Vậy, các tòa soạn và các Đài Phát thanh, Truyền hình ở Việt Nam sẽ phải ứng phó ra sao với sự thay đổi này?

Kỷ nguyên số đã và đang thúc đẩy sự “xoay trục” của các Đài PTTH.

Sự thích ứng của Phát thanh, Truyền hình trong kỷ nguyên số

Total VTV là một mô hình mới trong việc phát triển và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện. Với truyền hình truyền thống, nền tảng truyền hình số quốc gia VTVGo, Thời báo VTVTimes và các trang mạng xã hội, Đài Truyền hình Việt Nam đã tự chủ công nghệ và làm chủ dữ liệu, từ đó dễ dàng phân tích và hiểu rõ nhu cầu của người dùng. Đài Truyền hình Việt Nam hiện có thể tiếp cận gần như tất cả khán giả, không chỉ trong nước mà còn quốc tế.

Trên các nền tảng số, Đài không chỉ đăng tải đầy đủ các chương trình truyền hình mà còn phát triển các hệ sinh thái nội dung chuyên biệt như VTVMoney (kinh tế), VTVShows (văn hoá giải trí), các dải tin tức. Breakingnews hiện đang được thí điểm; hoàn thiện là những sản phẩm dành riêng cho khán giả số.

Các nền tảng và mô hình nội dung này không cạnh tranh mà hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, tạo ra sự lựa chọn phong phú cho khán giả tùy theo từng không gian, thời điểm và điều kiện khác nhau. Từ các nội dung ngắn trên TikTok, các chương trình đầy đủ trên VTVGo, đến các bài viết đầy đủ, phân tích và trích dẫn trên VTVTimes. Nhờ vào việc tạo ra nhiều nguồn doanh thu khác nhau, chủ động và bền vững, doanh thu nội dung số năm 2023 của VTV đã vượt qua mốc 200 tỷ đồng.

Theo thống kê, chỉ tính riêng lượng người xem các chương trình truyền hình thông qua ứng dụng VTVGo hiện nay, đã tương đương 50-60% so với lượng khán giả xem truyền hình theo các phương thức truyền thống. Từ ngày 15/6, sau quá trình phối hợp và hoàn thiện công nghệ với các nhà cung cấp tại Việt Nam, hầu hết các tivi thông minh trên thị trường đã được tích hợp sẵn ứng dụng VTVGo. Dự kiến, từ năm 2025, nút bấm này sẽ có mặt trên 2 triệu tivi thông minh được phân phối ra thị trường Việt Nam mỗi năm.

Khác với quá trình chuyển đổi từ truyền hình analog sang kỹ thuật số - digital trước đây, chỉ là sự thay đổi phương thức phân phối tín hiệu, công cuộc chuyển đổi số hiện nay đã và đang làm thay đổi toàn diện các lĩnh vực hoạt động của Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Hà Nội, bao gồm quản trị, quy trình, dữ liệu và vận hành.

Theo định hướng từ các cơ quan quản lý và lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, mục tiêu đặt ra là xây dựng Đài PT-TH Hà Nội trở thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện của Thủ đô.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Đài PT-TH Hà Nội đang từng bước triển khai hệ sinh thái báo chí số mang tên Hanoi On. Đây là một hệ sinh thái nội dung về Hà Nội, là nơi mà tất cả những người quan tâm đến Hà Nội có thể cần đến và “tiêu thụ” những nội dung mà Đài cung cấp trên tất cả các thiết bị thông minh.

Hanoi On không chỉ đơn thuần là một nền tảng phân phối nội dung mà còn là một ứng dụng tương tác, kết nối người dùng. Nền tảng này hướng tới việc đáp ứng toàn diện nhu cầu xem, nghe, đọc và trải nghiệm thông tin lành mạnh, đồng thời mang đến những sự kiện, câu chuyện, chương trình giải trí hấp dẫn diễn ra tại Hà Nội và trên cả nước.

Bên cạnh đó, Hanoi On tập trung khai thác các vấn đề mà người dân Hà Nội quan tâm cũng như những nội dung mà cả nước và thế giới mong muốn tìm hiểu về Thủ đô. Với mục tiêu đa dạng hóa trải nghiệm người dùng, ứng dụng này hứa hẹn trở thành cầu nối giữa Hà Nội với công chúng trong nước và quốc tế.

Ứng dụng Hanoi On là một nền tảng tích hợp, kết nối toàn bộ hệ thống các kênh phát thanh và truyền hình của Đài PT - TH Hà Nội. Ứng dụng này liên kết chặt chẽ với hệ thống mạng đa kênh của Đài cùng website và các cổng phân phối nội dung khác, từ đó tạo cầu nối trực tiếp và hiệu quả giữa Đài và công chúng.

Với Hanoi On, người dùng không chỉ đóng vai trò khán giả mà còn trở thành người tham gia sáng tạo nội dung, mà còn là một phần của hệ sinh thái.

Cụ thể, khán giả có thể gửi các nội dung tự tạo cho các kênh để phát hành của Đài, tương tác trong các chương trình truyền hình, hoặc sử dụng các tiện ích như giáo dục trực tuyến, thanh toán, thương mại điện tử, xem camera giao thông, báo cáo tình trạng tắc đường. Ngoài ra, ứng dụng còn tích hợp các dịch vụ công của thành phố, tích hợp theo từng giai đoạn, mang lại trải nghiệm tiện ích toàn diện cho người dùng.

Các Đài PTTH đang dần thích nghi, đáp ứng việc chuyển đổi số.

Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số của các Đài PT-TH

Ông Nguyễn Lê Tân - Giám đốc Trung tâm nội dung số, Đài Truyền hình VTC đã đặt ra những vấn đề mang tính thực tiễn nhất đã, đang và có thể sẽ đến ở giai đoạn đầu của cuộc chuyển đổi. Những vấn đề đó bao gồm cả cơ hội và các thách thức với báo chí phát thanh, truyền hình.

Về cơ hội:

Thứ nhất, sự thay đổi sâu rộng của báo chí và truyền thông dưới tác động của công nghệ số đã mở ra cơ hội để các Đài Phát thanh, Truyền hình làm mới mình trước thính giả, khán giả. Khi công chúng, thị trường và các nhà quảng cáo cùng thay đổi thì cơ hội thay đổi sẽ được chia đều cho tất cả các Đài.

Thứ hai, sự xuất hiện của một lớp công chúng mới, những người luôn sẵn sàng với Internet và các công nghệ hiện đại là cơ hội để các Đài Phát thanh, Truyền hình có một tập thính giả, khán giả mục tiêu mới.

Thứ ba, sự thay đổi trong hành vi và thói quen tiếp cận thông tin của thính giả, khán giả tạo ra cơ hội cho các Đài sáng tạo những thể loại nội dung mới mẻ, không chỉ phù hợp với radio hay truyền hình truyền thống mà còn với các nền tảng chia sẻ trực tuyến.

Thứ tư, sự ra đời của nhiều dòng thiết bị thông minh mở ra cơ hội cho các Đài tiếp cận cách sản xuất mới, bằng các công cụ và giải pháp đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm và hiện đại

Cuối cùng, đây là một cơ hội lớn để các Đài Phát thanh, Truyền hình tạo ra một nguồn thu mới, bên cạnh nguồn thu quảng cáo truyền thống, vốn đang trở nên chông chênh và gian khó

Còn về thách thức, cụ thể như sau:

Đầu tiên, thách thức lớn nhất là công tác quản lý báo chí và thông tin trong thời đại mới, khi mà bất kỳ cá nhân nào cũng có thể trở thành “nhà báo”, “nhà quay phim” hay “nhà nhiếp ảnh”

Thứ hai, thách thức về kiểm soát và làm chủ công nghệ. Có kiểm soát và làm chủ công nghệ, các Đài phát thanh, truyền hình mới có thể giải quyết được bài toán phát triển và chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn.

Thứ ba, thách thức về kỹ năng và trình độ của các nhà báo, kỹ thuật viên phát thanh, truyền hình cũng là một vấn đề lớn. Đây không chỉ là câu chuyện đào tạo chuyên môn, mà còn là sự thay đổi tư duy của một thế hệ làm báo, trước tác động mạnh mẽ, nhanh chóng và thậm chí ào ạt của công nghệ số.

Thứ tư, một thách thức khác là làm thế nào để khai thác tối đa giá trị kinh tế từ các sản phẩm báo chí số. Đặc biệt, trong lộ trình các Đài Phát thanh, Truyền hình Việt Nam vươn lên tự chủ tài chính thì đây sẽ trở thành một câu chuyện mang tính then chốt và lâu dài.

Cuối cùng, phải kể đến thách thức là làm thế nào để tiếp cận và xây dựng một cộng đồng tiêu thụ nội dung số của các Đài một cách văn minh, lành mạnh, đồng thời lan tỏa các giá trị văn hóa và những giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Báo chí không chỉ là công cụ quan trọng trong hoạt động cách mạng, mà còn là vũ khí sắc bén thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội. Thực tế, chúng ta đang chứng kiến sự dịch chuyển từ “thế giới thực” sang “thế giới ảo”, trong đó thách thức và cơ hội luôn song hành. Công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông số đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Cốt lõi của báo chí là phản ánh trung thực dòng chảy của đời sống xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng về một Việt Nam hùng cường và thịnh vượng, đồng thời góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ./.