Phát triển hạ tầng giao thông là nền tảng để hiện đại hóa đất nước
Qua hơn 35 năm đổi mới, tư duy lý luận và chủ trương, đường lối của Ðảng về CNH, HĐH gắn với phát triển nông nghiệp, các ngành dịch vụ, các lĩnh vực đô thị, kết cấu hạ tầng, các đột phá về cơ sở vật chất ở những ngành kinh tế công nghiệp nền tảng... cho thấy sự thống nhất và phát triển, hoàn thiện về mặt tư duy lý luận, gắn chặt với thực tiễn sinh động.
Trong nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII xác định cần thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho CNH, HĐH đất nước.
Theo đó, tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia và vùng về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng, hạ tầng số, các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục của vùng.
Phát triển hệ thống đường bộ cao tốc đạt mục tiêu 5.000 km vào năm 2030; quan tâm đúng mức và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm; tập trung cải tạo, nâng cấp để tiếp tục khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; nghiên cứu, sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố khác, một số tuyến đường sắt kết nối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển.
Tiếp tục đẩy nhanh xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng đề án tổng thể, thống nhất về cơ chế giao quản lý, khai thác các tài sản kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải, hàng không, đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa theo hướng tăng cường xã hội hóa, tách biệt rõ vai trò quản lý nhà nước với vai trò quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng GTVT; nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công; đa dạng hóa nguồn lực, huy động tối đa nguồn lực từ quỹ đất trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Thành Nam (T/h)