Phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo ngành Nông nghiệp

09:20, 26/04/2023

Với chủ đề "Khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng nông nghiệp Việt", sáng 25/4, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức hội nghị triển khai chiến lược phát triển Khoa học công nghệ (KHCN) và Đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngành Nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quang cảnh Hội nghị. 

Chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với trên gần 300 đại biểu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các viện, trường đại học, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiêu biểu trong cả nước tham gia.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, những đóng góp của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp là rất to lớn, qua đó góp phần quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển của các ngành, lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, xây dựng nông thôn mới. Khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi; giống cây lâm nghiệp; giống lúa, giống cây ăn quả và các quy trình thử nghiệm, phương pháp canh tác nuôi trồng mới.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nếu tháo gỡ, “cởi trói” được vướng mắc về chính sách tăng cường hợp tác công tư, gắn khoa học và công nghệ với sự phát triển của doanh nghiệp và phát huy được cơ sở vật chất, trang thiết bị, diện tích đất đai… sẽ là động lực rất quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỉ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%; tỉ lệ kết quả các nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó, khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030.

Ngành sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển từ 50 đến 100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% vào năm 2030.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị.

Chia sẻ về hướng đi của KHCN trong nông nghiệp, Tư lệnh ngành Nông nghiệp - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng KHCN không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng mà là tạo ra giá trị gia tăng.

“Giá trị gia tăng đến từ những cái tích hợp đa giá trị trong một ngành với hướng tới mục tiêu là giảm chi phí như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, rồi nông nghiệp xanh, giảm phát thải… tất cả là để tạo ra thương hiệu, tạo ra giá trị gia tăng. Đó chính là hướng đi của KHCN trong tương lai…” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Xác định phát triển KHCN và ĐMST là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%; tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KHCN có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật... được ứng dụng vào thực tiễn đạt hơn 90% vào năm 2025 và đạt hơn 95% năm 2030.

Chiến lược cũng khẳng định, có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó, khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021 - 2025 và 35% giai đoạn 2026 - 2030.

Nhằm “khơi nguồn tri thức Việt vì khát vọng nông nghiệp Việt”, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới tư duy để KHCN và ĐMST trở thành khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, bền vững với môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành.

Đồng thời đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia, lấy DN làm trung tâm, trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh; tiếp tục quan tâm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tăng cường hợp tác công tư, đồng tài trợ giữa nhà nước và doanh nghiệp cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, song hành với ngành NN&PTNT, các hoạt động KHCN phục vụ nông nghiệp đã và đang được lãnh đạo hai bộ quan tâm ở mức độ cao và ngày càng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ rệt, đóng góp thiết thực vào thành công nông nghiệp.

Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT đã phối hợp tổ chức có hiệu quả nhiều nghị quyết của Bộ chính trị cũng như các chương trình, đề án KHCN cấp quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp được Thủ tướng CP phê duyệt. Ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0 để điều khiển quá trình canh tác tiết kiệm, hiệu quả; Xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm, các nhóm sản phẩm có thể xuất khẩu; Phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thực hiện các hiệp định FTA thế hệ mới….

Chân Hoàn (T/h)