Phát triển Kinh tế số để tạo động lực mới cho kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh mới cho quốc gia
Phát biểu tại Phiên họp lần thứ 9 của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch UBQG về chuyển đổi số đã chỉ rõ: "Chúng ta đã đi qua 6 tháng đầu của năm 2024, năm phát triển Kinh tế số với các trụ cột là Phát triển công nghiệp CNTT và truyền thông, Phát triển KTS của các ngành và địa phương, Phát triển dữ liệu như là đầu vào của KTS và Phát triển quản trị số như là một phương thức quản trị mới online và dựa trên dữ liệu. Phát triển KTS để tạo động lực mới cho kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh mới cho quốc gia. Hết 6 tháng đầu năm 2024, KTS Việt Nam ước đạt 18,3% GDP, tăng 22,4%. Như vậy, mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đặt ra, KTS đạt 20% vào năm 2025 là sẽ đạt được".
Trong nội dung phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ ra nhiều vấn đề lớn cần triển khai thực hiện trong thời gian tới để công tác chuyển đổi số quốc gia đạt hiệu quả.
Cổng TTĐT Bộ TT&TT xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng.
Công nghiệp CNTT và truyền thông đã lấy lại được đà tăng trưởng như trước COVID-19, thậm chí cao hơn, 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ là 26%. Tăng cao như vậy một phần là do năm ngoái, năm 2023 tăng trưởng -5%. Lần đầu tiên, chúng ta đang soạn thảo một bộ luật riêng cho phát triển công nghiệp CNTT và truyền thông, gọi là Luật phát triển công nghiệp công nghệ số (CNS), dự kiến Quốc hội sẽ thông qua năm 2025. Việt Nam sẽ là một trong số rất ít nước có một bộ luật riêng về phát triển công nghiệp CNS, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công nghiệp CNS như là một ngành công nghiệp nền tảng, làm cốt lõi để thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, phát triển kinh tế số (KTS). Công nghiệp CNS là lõi của KTS. Giai đoạn đầu của KTS, tức là trước năm 2025, nó có thể chiếm tới 60% nền KTS nhưng về lâu dài, sau năm 2030, nó sẽ chỉ còn 40%, rồi 30% nền KTS.
Phát triển Kinh tế số các ngành là sự hội tụ của công nghệ số vào các ngành khác, như y tế, giáo dục, nông nghiệp, thương mại, ngân hàng, v.v... Sự hội tụ của CNS vào các ngành công nghiệp khác không chỉ là hiện đại hoá, số hoá các ngành công nghiệp này, mà còn tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, tạo thành động lực chính cho tăng trưởng của các ngành. KTS của các ngành sẽ là phần chính của KTS, nó sẽ chiếm tới 70% KTS. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, năm 2024 mỗi Bộ, ngành và địa phương phải tổ chức một hội nghị chuyên đề về phát triển KTS ngành mình, địa phương mình. Bộ TT&TT đã ban hành hướng dẫn về đo lường KTS, về phát triển KTS của các địa phương.
Về phát triển dữ liệu số như là yếu tố sản xuất mới, là đầu vào của Kinh tế số. Dữ liệu số là một loại tài nguyên mới. Tài nguyên này là do con người sử dụng CNS mà sinh ra. Bình thường thì khi phát triển, con người tiêu sài và làm cạn kiệt các loại tài nguyên. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, khi phát triển, con người sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu số. Dữ liệu số phải được tạo ra, mà đầu tiên là các cơ quan nhà nước, từ trung ương đến địa phương. Chính phủ vừa ban hành một Nghị định về phát triển các cơ sở dữ liệu cấp quốc gia và cấp Bộ, ngành. Muốn phát triển KTS nhanh thì phải nhanh chóng xây dựng các cơ sở dữ liệu này. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mỗi Bộ, ngành và địa phương phải có một đề án như Đề án 06 của Bộ Công an. Các đề án này nên tập trung vào làm dữ liệu cốt lõi của ngành mình, địa phương mình. Tiếp theo là dữ liệu phải được mua bán như là hàng hoá. Năm nay, Bộ TT&TT sẽ thí điểm sàn giao dịch dữ liệu, nhất là các dữ liệu của doanh nghiệp.
Về quản trị số, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng một Kế hoạch hành động về xây dựng Chính phủ số (CPS) chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Để làm được việc này thì tất cả các Bộ, ngành và địa phương phải kết nối online về Chính phủ. Các Bộ, ngành và địa phương vì vậy cũng phải chuyển đổi số các hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp mình một cách trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Đây sẽ là một sự thay đổi căn bản về quản trị số của cơ quan nhà nước, cấp trên kết nối trực tiếp vào hệ thống CNTT của cấp dưới để lấy dữ liệu phục vụ quản lý, đảm bảo chính xác và tức thời, không còn cấp dưới báo cáo số liệu cấp trên bằng văn bản. Sau khi Kế hoạch này được ban hành thì sẽ có một hướng dẫn để các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch hành động của mình. Không có CĐS cấp địa phương thì không có CĐS cấp Bộ, ngành. Không có CĐS cấp Bộ, ngành thì không có CĐS cấp Chính phủ. Kế hoạch hành động này có nhiều việc để làm nhưng có một việc duy nhất quyết định tất cả các việc còn lại là hoạt động hàng ngày của cán bộ công viên chức từ cấp thấp nhất trong hệ thống chính quyền phải được thực hiện trên môi trường số, nếu không thì phải được nhập vào hệ thống một cách định kỳ. Bởi vậy, việc quan trọng nhất của CĐS là các cấp chính quyền phải thể chế hoá, có quy định về làm việc trên môi trường số và nhập liệu đối với từng cán bộ công viên chức. Sau khi đã số hoá toàn diện thì việc phân tích đánh giá, phát hiện vấn đề, thay đổi vận hành của hệ thống sẽ chỉ là phần mềm, là vấn đề công nghệ. Kế hoạch hành động về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ một cách trực tuyến và dựa trên dữ liệu tập trung vào năm 2024 - 2025, nhưng có định hướng tới 2030.
Ngoài những nội dung về phát triển Kinh tế số, trong nội dung phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh ba vấn đề, đó là:
Thứ nhất, tháng 6/2024, Uỷ ban Quốc gia về CĐS đã tổ chức hội nghị về mô hình CĐS thành công cấp Bộ, ngành để nhân rộng tại Toà án nhân dân tối cao. Những tháng quý 3 này, Uỷ ban sẽ tổ chức thêm 2 hội nghị về mô hình dịch vụ công trực tuyến, mô hình trung tâm điều hành thông minh cấp tỉnh. Sau nhiều năm CĐS, chúng ta mới tổng kết được các mô hình thành công để nhân rộng. Đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tham khảo các mô hình thành công để thúc đẩy CĐS cấp mình.
Thứ hai, về ứng dụng AI: AI làm trợ lý, giúp việc cho con người chứ không vượt lên trên con người. AI dù có thông minh hơn, nhiều thông tin, nhiều tri thức hơn nhưng cũng là để giúp cho con người ra quyết định, làm việc tốt hơn. Ứng dụng hiệu quả nhất của AI, dễ làm nhất và có thể làm nhanh là trợ lý ảo (TLA). Có thể làm nhanh là vì nền tảng công nghệ đã sẵn sàng, chỉ cần mỗi đơn vị đưa hệ tri thức của mình vào TLA và huấn luyện, thường là trong 3-6 tháng. Hiệu quả là vì mỗi cán bộ công chức (CBCC) sẽ có thêm một người giúp việc. TLA này đặc biệt thông thạo về các văn bản pháp luật, các quy định, quy trình, cách làm, vốn là cái mà CBCC của chúng ta đang rất khó khăn do hệ thống pháp luật quá lớn, khó ai có thể nhớ và thông thạo. Bộ TT&TT sẽ có hướng dẫn về phát triển TLA trong quý 3 này để các Bộ, ngành và địa phương tham khảo triển khai, dựa trên thực tiễn đã triển khai tại Bộ TT&TT.
Thứ ba, về đào tạo CĐS cho người đứng đầu các cấp. CĐS thì Chuyển đổi là danh từ, là chính, Số là tính từ, Công nghệ số chỉ là công cụ để thực hiện sự chuyển đổi. CĐS là số hoá toàn diện và sau đó là thay đổi cách vận hành của tổ chức. Nếu người đứng đầu mà không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng, không trực tiếp tự mình chuyển đổi thì sẽ không thành công. Ở Việt Nam chúng ta, qua 4 năm CĐS thì cơ bản các yếu tố công nghệ để thực hiện CĐS đã sẵn sàng, đã có một số thành công bước đầu rất đáng khích lệ. Bây giờ quyết định sự thành công của công cuộc CĐS quốc gia sẽ là người đứng đầu các cấp. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban thông qua một chương trình đào tạo CĐS cho người đứng đầu các cấp, nhất là cấp Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh và đồng thời với đào tạo sẽ là một kế hoạch CĐS tổng thể cấp quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ sẽ giao những nhiệm vụ CĐS cụ thể cho từng Bộ, ngành và địa phương để CĐS được thực hiện một cách đồng bộ trên bình diện cả quốc gia. CĐS chỉ một khi toàn dân và toàn diện thì mới phát huy hiệu quả tổng thể và cộng hưởng.
Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo https://mic.gov.vn