Phát triển nhân lực công nghệ chất lượng cao

15:21, 28/03/2022

Trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, theo một số khảo sát cho thấy, nhân lực ngành công nghệ thông tin đang thiếu hụt khá lớn, riêng năm 2021 thiếu khoảng 20 nghìn nhân lực. Trong khi đó, Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030 đạt ít nhất 100 nghìn doanh nghiệp công nghệ số và có 1,5 triệu nhân viên trong lĩnh vực kỹ thuật số.

Kỹ sư trẻ công nghệ thông tin tham gia chương trình tập huấn.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ, trong lĩnh vực an ninh mạng, chuyên gia giỏi và nền công nghiệp công nghệ thông tin quan trọng ngang nhau. Ngoài doanh nghiệp an ninh mạng và công cụ công nghệ thì cần các cá nhân xuất sắc. Bởi công cụ chỉ xử lý được các lỗ hổng bảo mật đã được phát hiện; những lỗ hổng bảo mật chưa biết thì chỉ có các chuyên gia công nghệ mới xử lý được, do đó, Việt Nam phải xây dựng một đội ngũ chuyên gia về an toàn an ninh mạng làm nòng cốt. 

Do sự gia tăng về số lượng, quy mô của những vụ tấn công mạng, nhu cầu nhân lực an toàn an ninh mạng năm 2025 được dự báo sẽ tăng trưởng gấp hai lần so với năm 2020, tức là Việt Nam cần khoảng 6 triệu lao động trong lĩnh vực này. Từ góc độ của các doanh nghiệp, có hai nguyên nhân chính gây thiếu hụt nhân sự là số lượng hồ sơ ứng viên chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng (70,6%) và ứng viên chưa đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ năng chuyên môn (55,5%). Ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực (mức thiếu hụt năm 2021 tăng 1,8 lần so với năm 2020).

Ông Cao Trung Hiếu, nhà sáng lập, điều hành Công ty Dân trí Soft chia sẻ, nhu cầu nhân lực lĩnh vực công nghệ lúc nào cầu cũng vượt cung, nhất là trong thời điểm hiện nay. Riêng nhân sự công nghệ thông tin kỹ thuật cao đang thiếu trầm trọng, cho nên nhiều doanh nghiệp đã đưa ra mức lương hấp dẫn để thu hút. Những kỹ sư, chuyên gia có chuyên môn vững vàng, kỹ thuật cao luôn được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài săn đón.

Nhiều năm qua, nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam được đào tạo từ hệ thống các trường đại học, cao đẳng trong nước hằng năm đã không đủ để đáp ứng cho các doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, nguồn nhân lực chất lượng cao lại luôn bị nước ngoài thu hút. Thực trạng này đặt ra vấn đề cấp bách đối với việc phát triển số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin để đáp ứng các nhu cầu của chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, ngành nghề và các địa phương trong cả nước.

Năm 2022 được kỳ vọng là năm của kỷ nguyên số hóa, các doanh nghiệp đang gấp rút chuẩn bị nguồn lực, đặc biệt là nhân lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng. Nhân lực ngành công nghệ thông tin phải được đào tạo các kiến thức, kỹ năng tự học, tự rèn luyện theo định hướng tiếp thu đầy đủ kiến thức của khoa học cơ bản, khả năng ứng dụng công nghệ nguồn thành các giải pháp công nghệ, quy trình quản lý, thiết kế các công cụ hoàn chỉnh, định hướng sâu vào các chuyên ngành kinh tế số, công nghệ số.

Theo ước tính, mỗi năm có khoảng hơn 50 nghìn  kỹ sư công nghệ thông tin ra trường và có khoảng 12 nghìn nhân lực công nghệ thông tin được đào tạo từ hơn 400 trường đào tạo nghề bậc cao đẳng và trung cấp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% trong số nhân lực đó đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Vì vậy, thay vì chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng sinh viên ra trường cần chú trọng đầu tư để các kỹ sư có thể đáp ứng yêu cầu thực tế của các công ty tuyển dụng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Lê Xuân Hòa cho biết, phát triển nguồn nhân lực đang là mối quan tâm hàng đầu trong chương trình chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam đang thực hiện một loạt nhiệm vụ về đào tạo để đạt được mục tiêu đề ra như tuyển sinh đào tạo, bổ sung cử nhân, kỹ sư chuyên ngành công nghệ thông tin hằng năm; điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo ở bậc sau đại học, đại học và dạy nghề về các công nghệ số; triển khai áp dụng mô hình giáo dục tích hợp khoa học-công nghệ-kỹ thuật-toán học và nghệ thuật, kinh doanh...; tổ chức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng số cho người lao động tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất...

Về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Trần Ðăng Khoa cho biết, các cơ sở đào tạo cần có sự tăng cường hợp tác, trao đổi với các tổ chức quốc tế; tiếp cận theo hướng toàn diện, gắn đào tạo với thực tế, có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và các cơ quan, tổ chức có nhu cầu nhân lực. Thạc sĩ Hoàng Thị Giang, Học viện Kỹ thuật mật mã đề cập đến yếu tố cần tăng cường năng lực ngoại ngữ cho sinh viên ngành an toàn thông tin bằng việc xây dựng chuẩn đầu ra cao hơn về ngoại ngữ đối với sinh viên và phát triển mạnh mẽ các dự án vì cộng đồng, thông qua đó phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp tỉnh có thể đặt hàng các trường đào tạo trọng điểm trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, an toàn thông tin để các trường có điều kiện đầu tư nguồn lực về con người và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, xây dựng các chuyên đề đào tạo phù hợp yêu cầu của từng nhóm  đối tượng.

Trong giai đoạn tới, khi chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số sẽ là vấn đề cấp bách cần có những định hướng vĩ mô với tầm nhìn dài hạn từ các cơ quan quản lý. Ðồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị đào tạo về công nghệ thông tin với các doanh nghiệp công nghệ để bảo đảm nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam gia tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng.

Theo/nhandan.vn