Phó Thủ tướng: "Dù là mong muốn chủ động hay bị động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thanh niên phải sẵn sàng "nhảy nghề""

05:02, 01/04/2022

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng với sức trẻ, sự sáng tạo, dấn thân, thanh niên sẽ tận dụng được thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sẵn sàng thích ứng, đứng vững trước mọi biến động của thời cuộc để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Phó Thủ tướng: Thanh niên phải sẵn sàng nhảy nghề trong cách mạng 4.0 - 1

Các đại biểu tham dự diễn đàn.

Ngày 30/3, tại Hội trường Diên Hồng Nhà Quốc hội (Hà Nội), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên Việt Nam, với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”.

Dự Diễn đàn có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam; anh Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nói: "Diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên Việt Nam hôm nay là hoạt động tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam trong chủ trương duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp, cho người dân nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng.

Chúng ta tin tưởng rằng, từ diễn đàn sẽ góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đào tạo nghề, cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ các cơ sở thực tiễn trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách cho thanh niên ngày càng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay".

Phó Thủ tướng: Thanh niên phải sẵn sàng nhảy nghề trong cách mạng 4.0 - 2

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu khai mạc Diễn đàn thanh niên 2022.

Diễn đàn thanh niên 2022 là hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đào tạo nghề; là cơ hội để thanh niên chia sẻ nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan nhà nước về công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn sẽ cung cấp cơ sở cho Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ các chính sách về đào tạo nghề cho thanh niên phù hợp với thực tiễn.

Diễn đàn nhận được trên 80 tham luận và hàng chục câu hỏi trực tiếp của các đại biểu tại hội trường đề cập các vấn đề: chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho thanh niên; công tác đào tạo nghề cho thanh niên các khối đối tượng: thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên; các chính sách và khuyến nghị về đào tạo nghề cho thanh niên trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 và cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 cùng các vấn đề khác có liên quan đến chủ đề Diễn đàn.

Tại diễn đàn, đại biểu Mai Thị Tươi (Thái Bình) hỏi Nhà nước đã có những chính sách gì để đào tạo lao động chất lượng cao, đặc biệt là lao động chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp? Đại biểu Mai cũng hỏi về các cơ chế chuẩn hóa lao động trong môi trường quốc tế và những cơ chế khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo.

Đại biểu Nguyễn Văn Tấn (Viện Ứng dụng công nghệ) đặt vấn đề, nhiều thanh niên học đại học nhưng không phù hợp, mong muốn học nghề nhưng lo lắng lỡ mất những kiến thức học, vậy có nên khuyên các bạn thay đổi không?

Đại biểu Phạm Quang Khoát (Hội thanh niên khuyết tật TP Hà Nội) đặt câu hỏi về chính sách hỗ trợ thanh niên khuyết tật để được đào tạo nghề bài bản, tham gia thị trường lao động.

Đại biểu Trần Hùng Tiến (Trung cấp nghề Kỹ thuật Bắc Thăng Long) hỏi về trường hợp các thanh niên ra nước ngoài lao động sau khi về nước nên làm công việc gì, có chính sách hỗ trợ hay không?

Đại biểu Phạm Đức Hiếu (quân nhân xuất ngũ) mong muốn đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp cho quân nhân xuất ngũ để có cơ hội nghề nghiệp và đề xuất mở rộng thời hạn thẻ đào tạo nghề sau xuất ngũ.

Đại biểu Bùi Tuấn Minh (Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội) nêu vấn đề là các trung tâm đào tạo nghề đang ưu tiên kết hợp với các doanh nghiệp lớn, chưa quan tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có chính sách thúc đẩy kết nối đôi bên.

Lắng nghe các ý kiến tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho rằng, những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Diễn đàn thanh niên 2022 thuộc các chủ đề như phân luồng, liên thông trong đào tạo, đào tạo lại, liên kết với doanh nghiệp, chuyển đổi số... đều là những vấn đề rất trọng tâm trong khuôn khổ Diễn đàn thanh niên.

Thứ trưởng mong các bạn thanh niên nên chú trọng tìm hiểu hai văn bản rất quan trọng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Quyết định 1331 ban hành ngày 24/7/2021 về Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam 2021-2030 và Quyết định 2239 ban hành ngày 30/12/2021 về Chiến lược phát triển GDNN 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thông tin thêm, trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, nổi bật nhất là chỉ tiêu thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào học trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Do đó, giáo dục nghề nghiệp thời gian tới sẽ tập trung cho đẩy mạnh thể chế hóa, chuyển đổi số, phát triển đội ngũ nhà giáo, gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, phát triển nghiên cứu khoa học vươn tầm thế giới...

Thanh niên sẽ đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững ảnh 5

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Diễn đàn.

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp của các đại biểu thanh niên và phần giải đáp chính sách của đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ đạo: "Trên cơ sở Diễn đàn ngày hôm nay, tôi đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu và có những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động, kết quả, hiệu quả cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện thật tốt và giám sát thực hiện về đào tạo nghề cho thanh niên; đồng thời nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, những chính sách đột phá để đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh rằng, vai trò của thanh niên hiện nay là rường cột của nước nhà.

Thanh niên sẽ đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững ảnh 6

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại chương trình.

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phân công lao động quốc tế ngày càng mạnh mẽ hơn.

Theo Phó Thủ tướng, “ngày xưa nói rằng "một nghề thì sống, đống nghề thì chết", nhưng bây giờ các bạn thanh niên không những cần thường xuyên thay đổi, cập nhật ngay trong nghề của mình mà còn phải sẵn sàng "nhảy nghề". Điều này đặt ra cho hệ thống giáo dục và giáo dục nghề nghiệp nói riêng phải luôn đổi mới, nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động.

“Kỹ năng nghề không chỉ là kỹ năng tay nghề mà còn là những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình và cả những kỹ năng đóng góp, tham gia vào những hoạt động của xã hội. Điều này không chỉ giúp cho chính mình mà còn tiếp thêm năng lượng tích cực cho cộng đồng", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng với sức trẻ, sự sáng tạo, dấn thân, thanh niên sẽ tận dụng được thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thích ứng linh hoạt trước mọi biến động của thời cuộc để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Thanh niên sẽ đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững ảnh 7

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại Diễn đàn.

Kết luận Diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, qua nghiên cứu các tham luận, ý kiến phát biểu, Ban tổ chức sẽ kiến nghị Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành chỉ thị về đổi mới, tăng cường công tác đào tạo nghề trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, cũng đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát Luật có liên quan như luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Việc làm, Luật Thanh niên… bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, chính sách tạo thuận lợi cho việc đào tạo nghề. Trong đó, ưu tiên ban hành cơ chế, chính sách phổ cập nghề cho thanh niên; rà soát, điều chỉnh ban hành cơ chế, trong đó, có các chính sách miễn giảm học phí cho thanh niên học nghề; chính sách về đào tạo lại…

Ông Vinh cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm, ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần thực hiện đột phá chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, ông cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm để hỗ trợ các gói tín dụng vay ưu đãi cho thanh niên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp.

Hoàng Hằng (T/h)