Phú Thọ: Đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh, xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và kế hoạch CĐS của tỉnh, thời gian qua, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS trong hoạt động quản lý, điều hành, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
Người lao động tham gia phỏng vấn trực tuyến tại Sàn giao dịch việc làm phiên lưu động năm 2023 do Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp tổ chức.
Chú trọng CĐS trên các lĩnh vực
Trên địa bàn tỉnh hiện có 31 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với 8 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 6 trung tâm GDNN, 12 Trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, trong đó có 7 cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ lệ 22,58%. Hằng năm, số lượng tuyển sinh học các cấp trình độ trong GDNN đạt trên 40.000 người. Những năm qua, các cơ sở GDNN đã xem CĐS là vấn đề then chốt, tập trung nguồn lực, tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị CNTT; phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu của CĐS. Từ đó, mang lại kết quả tích cực, nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời đại công nghệ số...
Hiện nay, 100% cơ sở GDNN đã xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử; 100% cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở GDNN có địa chỉ hộp thư điện tử, sử dụng thường xuyên, phục vụ trong công việc hành chính và giảng dạy. Một số cơ sở GDNN đã tổ chức dạy học trực tuyến các môn học lý thuyết chung, chuyên ngành, đồng thời tích cực triển khai hệ thống quản lý trực tuyến/hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến và thông qua zalo, facebook để hướng dẫn học sinh, sinh viên học tập...
Đồng chí Lương Chí Cường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Phú Thọ cho biết: "Nhà trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT, áp dụng CĐS trong công tác điều hành, quản lý quá trình đào tạo, quá trình dạy - học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện của Trường. 100% việc tiếp nhận, xử lý, chỉ đạo, triển khai văn bản tới các đơn vị trực thuộc được thực hiện thông qua phần mềm quản lý văn bản điện tử VNPT eOffice. Các văn bản gửi đi đều được sử dụng chữ ký điện tử. Việc thu học phí không dùng tiền mặt bước đầu đạt kết quả tốt, thay đổi thói quen sử dụng các dịch vụ không dùng tiền mặt. Một số phần mềm đào tạo, quản lý học sinh, sinh viên, quản lý hồ sơ cán bộ, giáo viên đã được ứng dụng, mang được hiệu quả ban đầu...".
Xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, Sở LĐ,TB&XH đã ban hành các kế hoạch, chương trình cụ thể về ứng dụng CNTT và CĐS toàn diện; quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ đến các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc; tuân thủ quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý, phát hành, quản lý và lưu trữ văn bản điện tử; kiện toàn các đơn vị, bộ phận, đội ngũ phụ trách CNTT; tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CĐS, kỹ năng số gắn với cải cách hành chính, công vụ. Chú trọng an toàn thông tin mạng; tăng cường tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính và trả kết quả trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; tăng cường trang bị cơ sở vật chất, bảo đảm hạ tầng CNTT. Sở tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, nhất là lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và đối tượng thuộc ngành được giao quản lý tích cực cùng tham gia công tác chuyển đổi số của ngành...
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận “Một cửa” các cấp, Sở thường xuyên thực hiện số hóa hồ sơ và trả kết quả theo quy định; 100% các phòng, ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT-iOffice, 100% cán bộ, công chức được đăng ký và sử dụng thư điện tử công vụ, đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm tại cơ quan, đơn vị... Sở cũng tiếp tục rà soát, thu thập thông tin các đối tượng chi trả chính sách an sinh xã hội đủ điều kiện mở tài khoản thanh toán để thực hiện việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp
Đến nay, Sở LĐ,TB&XH đã chú trọng ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành. Trình độ CNTT của đội ngũ cán bộ, công chức cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc, 100% cán bộ, công chức đã sử dụng thành thạo Internet và các phần mềm phục vụ công tác. Các ứng dụng CNTT dùng chung từng bước được triển khai như Trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành, sử dụng hộp thư điện tử... nhiều phần mềm chuyên ngành được các phòng, đơn vị đưa vào sử dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
100% các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của Sở được cập nhật, niêm yết công khai tại Sở, bộ phận “Một cửa” của Sở tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; được công bố công khai trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết TTHC. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận, xử lý, giải quyết trực tuyến đạt khoảng 90%. Tiếp tục triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành VNPT IOffice 4.0, đã ứng dụng chữ ký số điện tử, sim ký số cá nhân khi phát hành văn bản đi.
Theo đồng chí Hoàng Xuân Đoài - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH, để tiếp tục đẩy mạnh CĐS, ngành LĐ,TB&XH quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác chỉ đạo, điều hành; phát triển hạ tầng số, tập trung hoàn thiện hệ thống mạng nội bộ, trang thiết bị CNTT thành mạng LAN hoàn chỉnh và an toàn an ninh thông tin. Phát triển chính quyền số, ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp, các hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, khai thác, sử dụng hiệu quả Cổng dịch vụ công và hệ thống “Một cửa” điện tử của tỉnh; tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức toàn trình; xây dựng cơ sở dữ liệu, tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thu thập, rà soát, làm sạch để hoàn thiện cơ sở dữ liệu các lĩnh vực của ngành; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Cùng với đó, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ của Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”...".