Pin di động: Vàng thau lẫn lộn

11:18, 03/10/2006

Thị trường pin ĐTDĐ hiện nay khá lộn xộn và chưa được kiểm soát chặt chẽ, bằng chứng là sự tràn ngập của hàng nhái và hàng kém chất lượng trên thị trường. Pin chính hãng: Hiếm có khó tìm Dạo một vòng quanh các điểm bán hàng từ những tiệm nhỏ lẻ đến các siêu thị lớn, pin ĐTDĐ được bày bán khá xôm tụ và mức giá cũng rất đa dạng. Được bày bán nhiều nhất vẫn là pin ĐTDĐ Nokia. Tiếp đến là pin dành cho Motorola, Samsung và Sony Ericsson. Còn đối với những thương hiệu còn lại, có lẽ do người mua quá ít nên rất hiếm nơi bày bán. Theo giải thích của các chuyên gia, tuy Nokia có rất nhiều model điện thoại khác nhau nhưng chủng loại pin lại không nhiều. Bởi một loại pin của Nokia có thể dùng chung cho rất nhiều model. Ví dụ như các model 7610, 6600, 6230i… dùng chung loại pin BL-5C, hay các model 7260, 3230, 6020… dùng chung loại pin BL-5B. Nhờ đó, pin Nokia khá dễ bán. Trong khi đó, các thương hiệu ĐTDĐ khác thường rất ít model dùng chung một loại pin. Phức tạp nhất vẫn là pin dành cho ĐTDĐ Samsung. Kết cấu pin của Samsung thường dính liền trên nắp sau của máy nên gần như mỗi model Samsung lại dùng một loại pin riêng. Số lượng người dùng trên một model cũng chẳng nhiều nên các điểm bán thường không có sẵn các loại pin này. Tuy vậy, nếu model bạn đang dùng vẫn còn bán trên thị trường thì sẽ chẳng khó khăn để tìm mua pin. Nếu các cừa hàng bán lẻ không có sẵn, họ sẽ gọi hàng về để bán ngay sau khi đã thỏa thuận mức giá.
 
Mức giá của các lọai pin thực sự khá phức tạp. Điển hình nhưng loại pin BL-5C dành cho máy Nokia được bán với giá từ 80 - 120 nghìn đồng tại các cừa hàng nhỏ, tại các siêu thị di động dao động từ 130 - 200 nghìn đồng. Bất ngờ hơn là giá cho loại pin này tại các Nokia Store lên đến trên 300 nghìn. Theo nhiều người có kinh nghiệm, pin chính hãng xuất hiện rất ít, thường chúng chỉ có tại các showroom hay trung tâm chăm sóc khách hàng của các hãng. Còn pin trôi nổi trên thị trường đa phần không phải là hàng chính hãng nên chất lượng cũng rất “mơ hồ”. Nhiều người còn cho rằng tình trạng đó diễn ra ngay cả tại một số siêu thị ĐTDĐ chứ không phải chỉ riêng tại các cừa hàng nhỏ. Dù các điểm bán nhỏ hay siêu thị di động vẫn thường giới thiệu đó là pin tốt, chất lượng cao. Cho nên có thể dễ dàng hiểu được tại sao giá bán pin tại các nơi khác thường có giá thấp hơn rất nhiều tại các showroom hay trung tâm chăm sóc khách hàng của các hãng. Tất nhiên pin không phải của chính hãng thường khó có chất lượng tốt. Chúng thường không đảm bảo được các thông số kỹ thuật do hãng đưa ra như cường độ dòng điện, điện thế… Và loại pin không đáp ứng được các yêu cầu về thông số kỹ thuật có thể làm giảm tuổi thọ, gây hư hỏng cho máy. Các loại pin nhái đa phần được nhập lậu về thông qua các tay buôn linh phụ kiện ĐTDĐ. Ngoài ra, chúng còn được “tái sản xuất” từ các bộ pin hư. Bộ pin dùng cho mobile thường được kết hợp từ các pin nhỏ hơn bên trong và không phải lúc nào tất cả các viên pin nhỏ bên trong đều bị hư cùng lúc. Thế nên có thể nối những viên pin chưa bị hư hoàn toàn lại với nhau để có được một bộ pin mới, bộ pin mới này có thể dùng tạm được trong thời gian vài tháng. Nhiều khách hàng mua trúng loại pin này nên chỉ sau vài tháng lại bị hư ngay. Tuy nhiên, nhờ cách này nhiều người đã có được pin dùng dù model ĐTDĐ của họ không còn trên thị trường hoặc chúng là “hàng độc” nên không có pin mới. Pin tốt ở đâu? Sở dĩ các loại pin kém chất lượng tràn ngập như thế bởi mức giá quá cao của pin chính hãng. Ví như loại pin dành cho Nokia 3120 có mức giá trên 300 nghìn đồng trong khi giá trị của một chiếc Nokia 3120 cũ chưa đến 1 triệu đồng. Cho nên, khách hàng thường hiếm khi bỏ tiền ra mua pin chính hãng. Cũng vì thế, các điểm bán cũng không muốn bán pin chính hãng vì sợ “chết hàng” , không ai mua. Cứ như thế, pin kém chất lượng dễ dàng xuất hiện khắp nơi. Muốn tìm mua pin chính hãng, khách hàng nên tìm đến các showroom, trung tâm bảo hành của hãng. Bên cạnh các loại pin chính hãng, nhiều chuyên gia đánh giá chất lượng pin của thương hiệu Koracell khá tốt. Hai ưu điểm chính của thương hiệu pin này chính là chất lượng đáng tin cậy và mức giá phù hợp với người dùng. Thế nhưng, hiện nay loại pin này chủ yếu chỉ mới đáp ứng được cho ĐTDĐ Nokia. Ngoài ra, pin Koracell cũng xuất hiện chưa phổ biến lắm. Pin Koracell chỉ mới xuất hiện tại một số siêu thị mobile như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, Nettra. Cũng chính vì loại pin này chưa phổ biến nên hiện tại mức giá của pin Koracell tại các nơi cũng không thống nhất. Nhiều nơi chênh lệch nhau đến hơn 50 nghìn đồng dù mức giá bán lẻ pin Koracell do nhà phân phối đề nghị đa phần không quá 160 nghìn đồng. Chính vì vậy, khách hàng cần tham khảo kỹ mức giá các loại pin trước khi mua. (Theo Echip Mobile)
TIN LIÊN QUAN