Quản lý Internet và hành vi người sử dụng: Áp dụng khó khăn?

07:28, 24/06/2010

Ngày 13/4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra dự thảo về Qui chế quản lý trò chơi trực tuyến. Theo đó, các đại lý internet trên địa bàn Hà Nội chỉ được mở cửa lúc 8 giờ cho đến 22 giờ hàng ngày. Ngay sau đó, ngày 26 tháng 4 UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Qui định số 15/2010/QĐ – UBND. Qui định về việc quản lý giờ giấc hoạt động của các đại lý internet và hành vi người sử dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc áp dụng những qui định này vào thực tế cuộc sống sẽ rất khó khăn...

BÀI HỌC TRƯỚC ĐÓ

 

Thực tế trước đây, các cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều văn bản tương tự, nhằm quản lý giờ giấc mở cửa của các đại lý internet và hành vi người dùng. Như Thông tư liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA ngày 01/6/2006 giữa Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ TT-TT), và Bộ Công an về quản lý các đại lý internet và hành vi người dùng. Trong đó ban hành một số nội dung nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về quản lý internet trước đó. Thông tư này cũng qui định giờ giấc mở cửa của các đại lý internet là 6 giờ, và đóng cửa vào 24 giờ hàng ngày.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các đại lý internet và cả người dùng vẫn “phớt” lờ, hoặc không hề hay biết đến những văn bản pháp luật này.

Tại phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội), lâu nay vẫn được cho là nơi có số lượng đại lý internet lớn nhất Hà Nội. Tại đây, hàng trăm máy tính được các đại lý internet cho hoạt động liên tục 24/24 giờ. Trên thực tế, những đại lý này thường mở cửa vào 6 đến 8 giờ sáng, và đóng cửa vào 24 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, đó chỉ là hành động nhằm che mắt các cơ quan chức năng, và thực tế những đại lý này vẫn tiếp tục hoạt động suốt ngày đêm. Các đối tượng khách hàng chơi game online có thể mua thẻ game tại chỗ, hoặc gọi điện thoại cho chủ quán, hay gõ cửa... Khách sẽ đút tiền qua khe cửa sắt, và nhận về những thẻ game có mệnh giá tương đương. Điều đáng nói là đối tượng chơi game có cả những người dưới 18 tuổi- Điều mà Qui chế quản lý trò chơi trực tuyến nghiêm cấm.
 

Hệ thống “cảnh báo” giữa các đại lý internet ở khu vực này cũng có sự kết hợp rất chặt chẽ. Nếu phát hiện có sự kiểm tra của cơ quan chức năng, lập tức họ thông báo cho nhau, tắt hết điện, thậm chí yêu cầu cả người chơi “im mồm” nhằm tránh sự để ý của lực lượng chức năng.

Tình trạng trên cũng diễn ra tại rất nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội, như Lương Thế Vinh, Đại học Công nghiệp, Đại học Mỏ địa chất... trước sự bất lực của cơ quan chức năng.

 

VƯỚNG MẮC?

 

Cả Quy chế quản lý trò chơi trực tuyến của Bộ TT-TT và Qui định số 15/2010/QĐ – UBND của UBND thành phố Hà Nội, đang tạo nên những luồng phản ứng đa chiều, từ phía người chơi game online, cả những người không chơi và doanh nghiệp cung cấp.

Về phía người chơi game online và doanh nghiệp cung cấp thì cho rằng, việc phải tắt sever từ 22 giờ là động chạm đến nhu cầu giải trí và lợi ích của người chơi và doanh nghiệp. Theo anh Đỗ Văn Nam, một người chơi game online chuyên nghiệp. Trong game online, người chơi có thể cài đặt chế độ tự động (auto) nên vừa có thể online vừa làm được những công việc khác. Nếu nhà cung cấp game tắt sever từ 22 giờ sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người chơi trong game online.
 
 Còn ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ TT-TT, Trưởng ban soạn thảo qui chế quản lý trò chơi trực tuyến, đã từng nói trước báo giới rằng, việc giới hạn thời gian như vậy là để thay đổi hành vi đối tượng sử dụng. Vì ngày càng có nhiều đối tượng là học sinh, sinh viên vì ham mê quá mà bỏ cả ăn học... cho nên yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tắt sever sau 22 giờ đêm.
 
 Mặt khác, theo quy định số 15/2010/QĐ – UBND thì người sử dụng sẽ chịu sự “quản lý hành vi” truy cập internet tại các quán internet của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, họ có thể chuyển sang truy cập tại nhà, và có thể kết nối với nhau, chia sẻ các thông tin thông qua hệ thống mạng lan... Ngoài ra, trình độ tin học của nhân viên quản lý có theo kịp đội ngũ hack cơ hay không cũng là vấn đề cần bàn đến khi triển khai thực hiện.
 

  Như vậy có thể thấy, việc ban hành các văn bản pháp luật về kiểm soát hành vi người sử dụng internet, các đại lý internet, và nhà cung cấp còn gặp rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Trong đó vấn đề quan trọng nhất là, đảm bảo lợi ích xã hội cả trước mắt và lâu dài của các bên có liên quan.

 

Dương Hà Dương

TIN LIÊN QUAN