Quản lý thuế minh bạch hơn qua hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

16:17, 14/12/2022

Năm 2022, ngành Thuế đã triển khai thành công hóa đơn điện tử và rất nhiều dịch vụ công trực tuyến khác, đồng thời đang tiếp tục triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Quản lý thuế minh bạch hơn qua hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền - Ảnh 1.

Triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền là hình thức hóa đơn có lợi hơn cho cả người bán và người mua.

Những thay đổi trên không chỉ góp phần vào hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, mà còn góp phần hiện thực hóa "Chiến lược chuyển đổi số quốc gia" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nền tảng để quản lý thuế hiệu quả

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã tổ chức triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi toàn quốc theo quy định của Luật Quản lý thuế. Tổng cục Thuế xác định triển khai HĐĐT là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng tạo nền tảng về dữ liệu để thực hiện quản lý thuế hiệu quả, là động lực cho công cuộc chuyển đổi số ngành Thuế nói riêng và góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp và của toàn xã nội nói chung.

Không chỉ có HĐĐT, năm 2022, ngành Thuế còn triển khai thành công rất nhiều dịch vụ công trực tuyến khác, như: EtaxMobile, Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, Cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử… Đây là những bước thay đổi cơ bản không chỉ góp phần vào hiện đại hóa trong công tác quản lý thuế, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, mà qua đó còn hiện thực hóa Chiến lược chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Theo Tổng cục Thuế, việc triển khai HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền là hình thức hóa đơn có lợi hơn cho cả người bán và người mua. Người bán có thể xuất hóa đơn từ phần mềm bán hàng, không có độ trễ do mã của cơ quan thuế được người bán chủ động gắn trên hóa đơn, vì cơ quan thuế đã thông báo chấp nhận sử dụng dải ký tự mã của cơ quan thuế cho người nộp thuế (NNT) khi NNT đăng ký hoặc thay đổi đăng ký sử dụng hóa đơn. Người mua hàng hóa dịch vụ có thể sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là chi phí hợp pháp và có thể sử dụng hóa đơn này tham gia chương trình "Hóa đơn may mắn". Rất đơn giản, người mua chỉ cần cung cấp thông tin về chứng minh nhân dân/căn cước công dân mà không nhất thiết phải nhớ mã số thuế khi đề nghị người bán xuất hóa đơn theo quy định.

Việc triển khai trên toàn quốc HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng, trong đó có nhóm dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại đã được ngành Thuế đặc biệt quan tâm. Để việc triển khai HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền đi vào cuộc sống, cơ quan thuế các cấp đã và đang chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ để toàn dân hiểu, có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiểu và lựa chọn chuyển sang sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.

8 đối tượng sẽ sử dụng hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền

Quản lý thuế minh bạch hơn qua hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền - Ảnh 2.

HĐĐT có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế đảm bảo nguyên tắc quy định tại Điều 11 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Tổng cục Thuế, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo 8 mô hình kinh doanh sau sẽ thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế, gồm: Trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác.

Để được áp dụng HĐĐT từ máy tính tiền, các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh phải đáp ứng điều kiện: Có thể thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử như có chữ ký số và đăng ký để được cơ quan thuế cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử; có hạ tầng công nghệ thông tin (máy tính hoặc thiết bị điện tử có kết nối internet, email); sử dụng phần mềm lập HĐĐT. Đây là phần mềm có thể khởi tạo HĐĐT, đồng thời có thể truyền dữ liệu HĐĐT đến người mua và đến cơ quan thuế.

Hiện tại, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình để triển khai HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Việc triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền được coi là bước tiếp theo trong quá trình chuyển đổi số của ngành Thuế.

2,1 tỷ hóa đơn điện tử đã được phát hành

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thuế, tính đến 24h ngày 21/11/2022, đã có trên 2,1 tỷ HĐĐT được phát hành.

Hiện ngành Thuế đang triển khai kế hoạch nâng cấp hệ thống quản lý HĐĐT đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý dữ liệu HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền. Song song với đó, Tổng cục Thuế đang xây dựng kho cơ sở dữ liệu về HĐĐT và triển khai các giải pháp, công cụ phân tích, tổng hợp dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro về thuế.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ