Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

09:10, 28/06/2024

Quốc hội đồng ý thành lập Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương, do Chính phủ quản lý để hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt...

Quốc hội Biểu quyết thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Chiều 27/6/2024, với 464 đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành (chiếm 100%), Quốc hội đã thông qua Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

TẠO NGUỒN LỰC CHO CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết về hoạt động quản lý nguồn lực tài chính cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, có ý kiến đề nghị rà soát quy định tại khoản này cho phù hợp, chặt chẽ, tránh cách hiểu chỉ ưu tiên phân bổ nguồn lực dự toán ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh cho nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, an ninh; nghiên cứu bỏ từ “Hoạt động” tại tên Điều.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật quy định mang tính chính sách, định hướng chung tạo nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh, nhằm xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Tuy nhiên, để tránh cách hiểu việc ngân sách Nhà nước được phân bổ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ ưu tiên cho công nghiệp quốc phòng, an ninh cao hơn các nhiệm vụ khác, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bỏ cụm từ “của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an” tại khoản 1 và bỏ từ “Hoạt động” tại tên Điều như dự thảo Luật trình Quốc hội.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế tăng vốn điều lệ trực tiếp từ nguồn trích lại lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp công nghiệp an ninh hoặc các nguồn huy động hợp pháp khác để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước hoặc nghiên cứu bổ sung quy định tăng vốn điều lệ từ Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật quy định lợi nhuận sau thuế được sử dụng để trích các quỹ theo quy định của pháp luật, trong đó, có Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ gắn với nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới, công nghệ cao và bù đắp chi phí nghiên cứu không thành công.

Việc tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Chính sách về vốn điều lệ cũng đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều này. Do đó, để bảo đảm tính trọng tâm, khả thi của việc trích lợi nhuận sau thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Theo quy định của luật, về chính sách của Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, ưu tiên bảo đảm ngân sách, có chính sách, cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Xây dựng, phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo với sản xuất, sửa chữa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh. Huy động tối đa nguồn lực của công nghiệp quốc gia, xây dựng và phát triển công trình hạ tầng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thu hút, đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

LẬP QUỸ CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH

Về quy định Quỹ công nghiệp quốc phòng, an ninh là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được thành lập ở trung ương, do Chính phủ quản lý để hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

Quỹ được hình thành từ các nguồn: Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; Nguồn vốn hợp pháp được cấp có thẩm quyền quyết định; Nguồn trích lập từ lợi nhuận sau thuế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt; Đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước; Nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định.

Nguyên tắc hoạt động của Quỹ được quy định không vì mục đích lợi nhuận; quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật, kịp thời, hiệu quả; hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, có tính mới, rủi ro cao hoặc nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật có ý nghĩa chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

Luật cũng quy định chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Tổ hợp là hệ thống liên kết, hợp tác của cơ sở công nghiệp quốc phòng, tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng điều kiện theo quy định, do cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt làm hạt nhân để hình thành chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm quốc phòng theo nhóm, chuyên ngành sản phẩm vũ khí trang bị kỹ thuật.

Tổ hợp này có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, cải hoán, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật phục vụ sản xuất quốc phòng; Làm chủ công nghệ nền, công nghệ lõi, chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại;

Đồng thời huy động nguồn lực quốc gia phát triển công nghiệp quốc phòng; Nghiên cứu, sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh, chuyển giao công nghệ phù hợp công nghiệp dân sinh, phục vụ phát triển kinh tế xã hội; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, tham gia thị trường xuất khẩu sản phẩm quốc phòng.

Theo VnEconomy

https://vneconomy.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-va-dong-vien-cong-nghiep.htm