Quy hoạch và xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây
Mới đây, Thủ tướng chính phủ đã chính thức phê duyệt Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nêu rõ tính cầp thiết của việc quy hoạch và xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây trên cả nước.
Hình minh họa.
Đối với hạ tầng trung tâm dữ liệu, Quyết định 36 nêu rõ, cần phát triển mạng lưới trung tâm dữ liệu trên cơ sở hài hòa với quy hoạch năng lượng, tận dụng lợi thế vùng về hạ tầng kết nối, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, căn cứ vào nhu cầu phát triển và có tính đến các yếu tố về an ninh, quốc phòng.
Hình thành và triển khai tối thiểu 02 trung tâm dữ liệu quốc gia. Bố trí trung tâm dữ liệu quốc gia theo thứ tự ưu tiên sau: (1) tại vùng kinh tế trọng điểm; (2) tại vùng kinh tế - xã hội. Các vùng kinh tế trọng điểm bao gồm: vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng kinh tế - xã hội bao gồm: vùng kinh tế - xã hội Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Hình thành tối thiểu 03 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia. Bố trí cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia theo thứ tự ưu tiên sau: tại vùng kinh tế trọng điểm; tại vùng kinh tế - xã hội. Các vùng kinh tế trọng điểm bao gồm: vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng kinh tế - xã hội bao gồm: vùng kinh tế - xã hội Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Các trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng đặt tại các vùng: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Các trung tâm dữ liệu biên kết nối với các trung tâm dữ liệu quốc gia, trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia và trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng, ưu tiên tại các khu vực gần người sử dụng, thuận tiện cho việc tiếp cận năng lượng, triển khai linh hoạt phù hợp với nhu cầu thị trường có yêu cầu hạ tầng và dịch vụ mới đòi hỏi độ trễ thấp, độ tin cậy cao...
Trong trường hợp các trung tâm dữ liệu đa mục tiêu không đáp ứng được yêu cầu sử dụng trung tâm dữ liệu của địa phương hoặc không đáp ứng được yêu cầu đặc thù về trung tâm dữ liệu, các trung tâm dữ liệu khác được phát triển phù hợp với quy hoạch tỉnh. Các địa phương đề xuất bổ sung vào quy hoạch tỉnh các trung tâm dữ liệu nêu trên.
Tiêu chí xác định vị trí các trung tâm dữ liệu: gần các điểm nút mạng đường trục quốc gia; khả năng cung cấp đủ nguồn điện, bảo đảm tính ổn định, liên tục (có tối thiểu 02 nguồn cung cấp điện từ các trạm trung thế khác nhau, ưu tiên các vị trí đặt gần các công trình thủy điện hoặc năng lượng tái tạo, bảo đảm đồng bộ với quy hoạch năng lượng quốc gia); tại các vị trí có địa hình thuận lợi, bằng phẳng, nguy cơ thiên tai thấp, ổn định về chính trị, xã hội (Ưu tiên đặt tại các địa phương có nhiệt độ trung bình thấp); gần các trường đại học, nơi có khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; có hệ thống giao thông thuận lợi.
Bên cạnh đó, cần triển khai thực hiện giám sát từ xa các trung tâm dữ liệu để đáp ứng yêu cầu về an toàn và chất lượng dịch vụ.
Đây là loại hình công trình liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia và các văn bản hướng dẫn. Với vai trò cụ thể là:
+ Trung tâm dữ liệu quốc gia phục vụ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung khác theo quy định của pháp luật.
+ Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của cơ quan nhà nước.
+ Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng phục vụ hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của cơ quan nhà nước.
Do đó, quy mô công trình cần căn cứ nhu cầu theo giai đoạn trong nước và khu vực,
+ Các trung tâm dữ liệu quốc gia có diện tích sàn xây dựng cần thiết khoảng 70.000 m2, công suất điện khoảng 79 MW.
+ Các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia có tổng diện tích sàn xây dựng cần thiết khoảng 310.000 m2; công suất điện khoảng 375 MW.
+ Quy mô của trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng được xác định cụ thể tại các quy hoạch vùng trên cơ sở nhu cầu của từng vùng.
Định hướng khai thác, sử dụng
+ Tối ưu hóa sự tương tác dữ liệu giữa các trung tâm dữ liệu.
+ Nâng cao chất lượng vận hành, có hệ thống giám sát sử dụng tài nguyên năng lượng để phát triển xanh.
Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật công trình được nêu rõ rất cụ thể, ví dụ:
+ Trung tâm dữ liệu quốc gia: tiêu chuẩn Uptime TIER 3 hoặc ANSI/TIA 942-B rated 3 hoặc tiêu chuẩn Việt Nam tương đương trở lên, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
+ Trung tâm dữ liệu vùng: tiêu chuẩn Uptime TIER 3 hoặc ANSI/TIA 942-B rated 3 hoặc tiêu chuẩn Việt Nam tương đương trở lên, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Ảnh minh họa.
Công nghệ công trình
Cần xây dựng các trung tâm dữ liệu theo tiêu chuẩn xanh, tiết kiệm năng lượng, có độ tin cậy, tính sẵn sàng và bảo mật cao, năng lực tính toán quy mô lớn theo thời gian thực hoặc phi thời gian thực nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số quốc gia. Do đó, phải quy hoạch các trung tâm dữ liệu theo các tiêu chuẩn mở và kiến trúc mở. Xây dựng trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub).
Với định hướng phân bổ không gian, gắn với lựa chọn địa bàn thí điểm cơ chế đặc khu để trung tâm dữ liệu khu vực của Việt Nam được áp dụng các cơ chế đặc thù và có điều kiện được ưu tiên đầu tư phát triển trở thành Digital Hub.
Đây sẽ là trung tâm dữ liệu khu vực không chỉ cung cấp dịch vụ cho thị trường trong nước mà còn cung cấp cho các nước trong khu vực và quốc tế. Là nơi tập trung lưu trữ, xử lý dữ liệu, phục vụ vận hành điện toán đám mây và trung chuyển lưu lượng Internet của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, nội dung số toàn cầu với quy mô cung cấp dịch vụ trên địa bàn rộng, nhiều quốc gia lân cận/vùng/khu vực.
Với quy mô công trình sẽ là trung tâm dữ liệu khu vực có tổng diện tích sàn xây dựng cần thiết khoảng 170.000 m2; công suất điện khoảng 413 MW. Do đó, vị trí công trình sẽ đặt tại các địa điểm gần các trung tâm tài chính. Dựa trên công nghệ phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về trung tâm dữ liệu, bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường.
Điện toán đám mây
Cần xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây, đa dạng mô hình triển khai và các loại hình dịch vụ cung cấp phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội.
Việc xây dựng hạ tầng điện toán đám mây Chính phủ (CGC) thống nhất theo mô hình 1+ N trên cơ sở quy hoạch, kết nối đám mây của các cơ quan nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương (AGC) nhằm tạo môi trường để lưu trữ, chia sẻ tài nguyên, phát triển dịch vụ dùng chung cho Chính phủ số trên quy mô toàn quốc được linh hoạt, hiệu quả, nhanh chóng; kết nối, khai thác hiệu quả các hệ thống đám mây của doanh nghiệp (EGC) để cung cấp hạ tầng điện toán đám mây cho Chính phủ số, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ Chính phủ số. Trong đó nêu rõ, việc sử dụng công nghệ mở bảo đảm tính minh bạch, tin cậy và an toàn thông tin mạng.
Định hướng các doanh nghiệp lớn cung cấp dịch vụ điện toán đám mây dùng riêng để cung cấp dịch vụ cho Chính phủ phù hợp với tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Kết nối nền tảng cung cấp dịch vụ điện toán đám mây của các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn tại Việt Nam theo mô hình multicloud (đa đám mây).
Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng
(https://dientuungdung.vn/quy-hoach-va-xay-dung-ha-tang-trung-tam-du-lieu-va-dien-toan-dam-may)