Việt Nam điểm sáng trung tâm dữ liệu và đám mây khu vực

10:16, 20/12/2023

Hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây đóng vai trò then chốt trong việc định hình hạ tầng số ở Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự thành công của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Việt Nam - điểm sáng trung tâm dữ liệu và đám mây khu vực

Việt Nam đã thể hiện tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, đóng góp khoảng 14,26% vào GDP của quốc gia. Trung tâm Dữ liệu và Điện toán Đám mây đã trở thành hạ tầng cốt lõi trong quá trình này và Việt Nam được công nhận là một trong mười thị trường trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây phát triển nhanh nhất thế giới.

trung tâm dữ liệu, đám mây khu vực

Báo cáo “Thị trường Data Center Việt Nam- Phân tích đầu tư và cơ hội tăng trưởng 2023-2028”- Researchandmarkets.com

Theo báo cáo của Research and Markets, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 10,68% trong giai đoạn 2022- 2028, dự kiến tăng từ 561 triệu USD năm 2022 (12.900 tỷ đồng) lên 1.037 tỷ USD vào năm 2028. Theo tốc độ tăng trưởng này, năm 2023 giá trị toàn thị trường trong nước ước đạt 620 triệu USD (khoảng 14.270 tỷ đồng).

Theo báo cáo Điện toán đám mây & Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC Report 2023), nhu cầu sử dụng dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam đã tăng đột biến, đặc biệt là trong năm 2022, khi quy mô thị trường tăng lên 9.700 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2021. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nội địa đã đáp ứng kịp thời nhu cầu gia tăng, làm tăng doanh thu từ 900 tỷ đồng vào năm 2021 lên 2362 tỷ đồng vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 37,4%.

VNCDC Report 2023 cũng chỉ ra rằng, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đang thu hút sự đầu tư lớn của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam như VNPT, Viettel, CMC, FPT… thời gian qua rất chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển các trung tâm dữ liệu hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp các dịch vụ đẳng cấp thế giới.

Hội thảo Điện toán Đám mây & Trung tâm Dữ liệu (Hà Nội) 2023 diễn ra tại Hà Nội tháng 8/2023 vừa qua, bà Quỳnh Phạm - Giám đốc Quốc Gia, Edge Works Global đã chia sẻ năm lý do Việt Nam đang nổi lên như một thị trường hấp dẫn cho việc đầu tư và phát triển ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu và đám mây.

trung tâm dữ liệu, đám mây khu vực

Bà Quỳnh Phạm -Giám đốc Quốc Gia, Edge Works Global cùng Các chuyên gia trao đổi về Trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây ở Việt Nam. Ảnh: Hùng Cường

Thứ nhất, quy định và chính sách ưu đãi từ phía chính phủ đã tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi; Thứ hai, nguồn nhân lực đa dạng và trẻ tuổi của Việt Nam cung cấp nền tảng mạnh mẽ cho ngành DC; Thứ ba, chi phí hoạt động ở Việt Nam rất cạnh tranh, bao gồm cả chi phí đất đai, lao động và năng lượng; Thứ tư, sự phát triển của thị trường đám mây được chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ; Thứ năm, sự hiện diện của các nhà cung cấp dịch vụ lớn như Alibaba và Microsoft đã đóng góp vào sự phát triển của ngành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Chính sách là chìa khóa cho trung tâm dữ liệu và đám mây bứt phá

Sáng 24/11, với 468/472 đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông (sửa đổi). Luật gồm 10 chương, 73 điều.

Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ thúc đẩy phát triển hạ tầng số cho Việt Nam, kịp thời bổ sung quy định quản lý đối với dịch vụ trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, phù hợp với xu thế phát triển lĩnh vực viễn thông, xu hướng hội tụ giữa viễn thông, công nghệ thông tin.  

Trong báo cáo xây dựng Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025 sẽ có 100% cơ quan chính phủ, 70% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.

trung tâm dữ liệu, đám mây khu vực

VNPT IDC Hòa Lạc đạt tiêu chuẩn Uptime Tier III về Facility (TCCF) tại Việt Nam. Ảnh: VNPT

Theo thống kê mới nhất, Việt Nam hiện có trên 39 trung tâm dữ liệu được phân bổ ở nhiều vùng miền khác nhau.

Các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam như VNPT, Viettel, VNG, CMC, FPT… thời gian qua rất chú trọng đầu tư, xây dựng phát triển các trung tâm dữ liệu hiện đại, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp các dịch vụ cạnh tranh với các “Big Tech” trên thế giới.

Điển hình là các trung tâm dữ liệu mới được khai trương, đạt tiêu chuẩn cấp độ 3 như các trung tâm dữ liệu của các tập đoàn VNPT, CMC, Viettel, và VNG.

Mới đây, MobiFone cũng đẩy mạnh đầu tư vào thị trường này, bằng việc khởi công dự án trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc, Hà Nội tháng 4/2023 với quy mô mở rộng lên đến 1.000 tủ rack, đáp ứng tiêu chuẩn TIER III dự kiến sẽ tăng tính cạnh tranh của MobiFone nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường.

Ngoài ra, các tập đoàn nước ngoài cũng mở rộng đầu tư tại thị trường Việt Nam như DC Tier III của liên doanh NTT Global - Quang Dũng, EC51 của liên doanh giữa Công ty Edge Centres (Australia) và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Theo phân tích của bộ phận soạn thảo Báo cáo VNCDC Report 2023, ở câu hỏi: "Mô hình dịch vụ điện toán đám mây nào sẽ có tốc độ phát triển nhanh nhất trong năm 2024 và 2025?", có tới 90,9% ý kiến đánh giá là điện toán đám mây công cộng sẽ phát triển nhanh nhất, chỉ có 1/11 ý kiến cho rằng mô hình đám mây lai ghép (hybrid). Về sự phát triển của các loại hình dịch vụ, phần lớn các nhà cung cấp được khảo sát (63,7%) nhất trí rằng loại hình IaaS sẽ phát triển nhanh nhất trong 2 năm tới. 27,3% ý kiến còn lại bình chọn cho các loại hình SaaS và PaaS.

Trong câu hỏi "Hệ thống chính sách và các văn bản pháp quy hiện nay của Việt Nam có hỗ trợ cho sự phát triển dịch vụ của quý công ty như thế nào?", VNCDC Report 2023 đã chỉ ra 57% câu trả lời của các doanh nghiệp được khảo sát là "Bình thường", 43% còn lại đánh giá "Tốt", điều đặc biệt không có đánh giá "Rất tốt" nào.

Nghị định số 53/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, trong đó xiết chặt việc quản lý dữ liệu, vì vậy, việc đảm bảo tính bảo mật và pháp lý trong quá trình chuyển đổi số là một thách thức quan trọng. Việc hoàn thiện môi trường pháp lý và quy định cụ thể để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng dữ liệu số là hoàn toàn cấp thiết.

Đây cũng là vấn đề mấu chốt để tạo sức bật cho các doanh nghiệp trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây trong nước phát triển, bắt kịp tốc độ tăng của thị trường và đủ sức cạnh tranh với các "Big Tech" từ nước ngoài.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí Điện tử và Ứng dụng số 06 tháng 12/2023).

Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng

(https://dientuungdung.vn/viet-nam-diem-sang-trung-tam-du-lieu-va-dam-may-khu-vuc)