Quy trình phức tạp, giải ngân cho chuyển đổi số Thành phố đạt 0 đồng
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, năm 2024, Thành phố bố trí hơn 1.800 tỷ đồng cho chuyển đổi số, chiếm 1,22% tổng chi ngân sách Thành phố. Tuy nhiên đến giờ này, tỉ lệ giải ngân cho các dự án đầu tư chuyển đổi số đạt 0%.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Sáng 14/6, tại ngày làm việc thứ 2 Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XI, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trình bày báo cáo về kết quả thực hiện chuyển đổi số của Thành phố. Đẩy mạnh chuyển đổi số cũng là một nội dung trong chủ đề năm 2024 của TPHCM.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, trong thực hiện chuyển đổi số, TPHCM xác định 5 trụ cột chính: Nền tảng số, kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, an toàn-an ninh số. Trong đó, nền tảng số Thành phố phát triển căn bản; kinh tế số và xã hội số phát triển mạnh mẽ. Còn chính quyền số đã có bước chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của Thành phố của người dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã tập trung triển khai một số nhiệm vụ lớn: Ban hành 3 kế hoạch trọng điểm như Kế hoạch chuyển đổi số và đô thị thông minh; Kế hoạch triển khai Đề án 06; Chương trình ứng dụng trí tuệ nhân tạo năm 2024.
Thành phố đã thành lập Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố; phê duyệt và thông qua kinh phí thường xuyên gần 1.829 tỷ đồng cho các hoạt động chuyển đổi số năm 2024, chiếm 1,22% tổng chi ngân sách Thành phố.
Trung tâm Dữ liệu Thành phố đảm bảo vận hành hơn 1.184 máy chủ trên nền tảng điện toán đám mây dùng chung và đã kết nối 818 điểm của các cơ quan nhà nước qua đường truyền mạng chuyên.
Thành phố cũng đã hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch: Đăng ký kết hôn; đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký nhận cha, mẹ, con; phê duyệt 986 khu vực hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bao gồm cả dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần.
Cung cấp 820 TTHC trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố và đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thành phố cũng xem xét và phê duyệt 1.641 quy trình đồng bộ để giải quyết các TTHC, trong đó có 927 chương trình đồng bộ được tái cấu trúc trở lại, tức là cắt giảm các bước nội bộ để phục vụ giải quyết TTHC…
Ông Võ Văn Hoan nhìn nhận, công tác chuyển đổi số Thành phố có một số khó khăn, vướng mắc - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Hồ sơ chạy lòng vòng
Tuy nhiên, ông Hoan nhìn nhận, hiện công tác chuyển đổi số của Thành phố đang có một số vướng mắc, khó khăn.
Đó là, mạng chập chờn nhưng không phải do mạng mà do thiết bị phục vụ hoạt động không tốt, cũ kỹ, lạc hậu, phần mềm chưa được nâng cấp.
Bên cạnh đó, theo ông Hoan, cán bộ công chức làm việc cảm thấy vất vả, phiền lòng hơn vì phải xử lý cùng một lúc nhiều hệ thống hơn: Vừa phải nhập dữ liệu, vừa phải xử lý dữ liệu, vừa truy xuất dữ liệu, vừa báo cáo cho các cơ quan và đôi khi báo cáo đó cũng không chính xác vì không đồng bộ giữa các cơ quan.
Một khó khăn nữa, đó là hồ sơ xử lý nhanh hơn nhưng kết quả xử lý chậm hơn. TTHC đối với những bộ hành chính thông thường thì Thành phố xử lý tốt nhưng TTHC phục vụ cho việc đầu tư, xây dựng, phát triển các dự án còn rất nhiều bất cập. Từ đó, dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, hồ sơ chạy lòng vòng. Có một số trường hợp là những đề xuất của cơ quan chỉ có 1,2 tờ giấy nhưng quy trình nội bộ và quy trình liên thông giữa các sở thì trên 10 tờ giấy. Điều này cho thấy việc lưu chuyển văn bản này rất phức tạp và khó kiểm soát.
Đặc biệt, ông Hoan cho biết tỉ lệ giải ngân cho các dự án đầu tư chuyển đổi số đến giờ này đạt 0%.
"Thành phố bố trí hơn 1.800 tỷ đồng cho chuyển đổi số nhưng chưa sử dụng được đồng nào, do quy trình mua sắm trang thiết bị, đấu thầu, đấu giá qua nhiều khâu chúng ta chưa làm được", theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố.
Ngoài ra, chữ ký số thì có làm nhưng chỉ làm thí điểm trong nội bộ chứ chưa phổ biến rộng rãi và còn dè dặt trong thực hiện.
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết UBND Thành phố đã trình HĐND Thành phố ban hành 21 Nghị quyết triển khai 17/30 nội dung; ban hành 19 quyết định thuộc thẩm quyền. Một số cơ chế, chính sách đã được hiện thực hóa, nâng cao năng lực quản lý nhà nước như: Thành lập Sở An toàn thực phẩm; Đẩy mạnh hoạt động phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp huyện, nhất là thành phố Thủ Đức; Đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn. Về hạn chế, vướng mắc, theo ông Hoan, một số nhiệm vụ thể chế hoá chính sách đặc thù còn chậm; công tác phối hợp giữa Bộ, ngành Trung ương và Thành phố chưa chặt chẽ; Nghị định của Chính phủ chậm được ban hành (về phân cấp quản lý; đầu tư theo hình thức BT); công tác triển khai các nghị quyết của HĐND Thành phố tại các sở, ngành, quận, huyện còn chậm. |
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ