Chợ truyền thống bắt nhịp chuyển đổi số

07:25, 14/06/2024

Trước tình trạng các kênh mua sắm online phát triển mạnh, trong khi chợ truyền thống ngày càng vắng khách, tiểu thương các chợ truyền thống trên địa bàn Đà Nẵng cần phải bắt nhịp chuyển đổi số để tăng doanh số bán hàng.

Mua sắm trực tuyến phát triển khiến các chợ truyền thống giảm số lượng khách - Ảnh: VGP/Minh Trang.

Thuê tiktoker livestream tại chợ truyền thống

Từ tháng 5, hơn 100 hộ kinh doanh tại các chợ lớn ở Đà Nẵng, như chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hoà Cường đã tham gia chương trình "Tập huấn kỹ năng bán hàng chợ truyền thống kết hợp bán hàng livestream trên các trang mạng xã hội", do Sở Công Thương và Hiệp hội hương mại điện tử Việt Nam tổ chức.

Các buổi tập huấn đã trang bị cho tiểu thương kỹ năng bán hàng, giao tiếp; nâng cao thái độ bán hàng tại chợ truyền thống, chợ phục vụ du lịch; giải pháp bán hàng hiện đại và ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, thanh toán số... Hướng dẫn tổ chức, thực hành kỹ năng livestream bán hàng trên các trang mạng xã hội, như TikTok, Facebook…các đoạn video ngắn giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm.

Vào đầu tháng 6 vừa qua, tại chợ Cồn, Sở Công Thương đã phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức "Lễ phát động livestream bán hàng tại các chợ truyền thống - Đà Nẵng 2024" cho hộ kinh doanh tại 4 chợ (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ đầu mối Hoà Cường), thực hiện livestream tại quầy hàng và trực tiếp tại các gian hàng của chợ; kết hợp khai trương "Điểm giới thiệu và bán sản phẩm hàng Việt, hàng OCOP Đà Nẵng" tại chợ Cồn và chương trình khuyến mãi kích cầu mua sắm, thu hút khách du lịch tại các chợ.

Các TikToker livestream giới thiệu các sản phẩm đặc trưng Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Minh Trang.

Tại chương trình, Sở Công Thương đã tổ chức quầy hàng mega livestream bán hàng trực tuyến tại chợ Cồn. Trong đó, cơ quan quản lý tạo kênh, quay video TikTok chung giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm tại các chợ truyền thống, cũng như dựng quầy hàng livestream để giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, OCOP...

Trong đó, các tiểu thương tổ chức các hoạt động khuyến mại, giảm giá để tăng lượt tương tác, mua bán hàng hóa...

Chị Nguyễn Hà Cẩm, chủ quầy hàng chuyên các mặt hàng khô mực cho hay, các mặt hàng của chị được TikToker (có lượng theo dõi lớn) livestream và chốt đơn liên tục tại phiên livestream và trong ngày đã chốt hơn 100 đơn.

"Từ khi bắt đầu được tập huấn, chúng tôi mới biết cách lập tài khoản trên TikTok và hiểu được chính sách của các sàn TikTok, Shopee, như phí, thuế trên sàn, nhu cầu thị trường, cách làm video… Sau buổi livestream đầu tiên, chúng tôi tiếp tục đưa thêm các sản phẩm lên sàn, thiết kế quầy hàng cho livestream và luyện cách livestream để quen dần cách thức mới này và tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn", chị Hà Cẩm chia sẻ.

Từ phiên livestream, chị Hà Cẩm, tiểu thương tại chợ Cồn đã chốt được hơn 100 đơn - Ảnh: VGP/Minh Trang.

Tạo ra hiệu ứng 'chuyển đổi số' trong cộng đồng tiểu thương chợ truyền thống

Ông Phan Thành Thoại, Trưởng Ban Quản lý chợ Cồn cho hay, chương trình được triển khai trong bối cảnh các kênh mua sắm online (sàn thương mại điện tử, chợ điện tử…) và kênh mua sắm hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) ngày càng phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các chợ truyền thống, nhiều chợ trong tình trạng ngày càng vắng khách.

Theo ông Phan Thành Thoại, sau đợt phát động, hy vọng sẽ tạo ra được một hiệu ứng tự tuyên truyền, tự lan tỏa nhau của các hộ tiểu thương. Các hộ tiểu thương đã có kết quả, chốt được nhiều đơn sẽ tự nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử và bắt buộc phải chuyển đổi cách thức bán hàng thì mới "vượt bão" trước cách mạng công nghệ hiện nay, từ đó sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền, lan tỏa đến các tiểu thương khác và tạo ra phong trào chuyển đổi số của các hộ tiểu thương truyền thống.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, sau chương trình phát động, đơn vị vẫn sẽ để quầy hàng mega livestream tại chợ Cồn. Từ đây đến tháng 8, bất kỳ tiểu thương nào đăng ký đều sẽ được nhân viên tới tận nơi hỗ trợ cách thức livestream, các thông tin như đợt tập huấn hoàn toàn miễn phí.

Các tiểu thương các chợ truyền thống tại Đà Nẵng được tập huấn về thương mại điện tử - Ảnh: VGP/Minh Trang.

Ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”, ngành công thương triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử tại chợ truyền thống trên địa bàn Đà Nẵng năm 2024 và kế hoạch thực hiện các chương trình khuyến mãi, kích cầu mua sắm; hỗ trợ hộ kinh doanh bán hàng, quảng bá giới thiệu sản phẩm qua các kênh online trực tuyến.

Theo đó, Sở đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức 2 đợt tập huấn kỹ năng bán hàng truyền thống và bán hàng livestream qua các trang mạng xã hội vào tháng 5. Bên cạnh đó, tổ chức chương trình kích cầu mua sắm tại các chợ 2 đợt: Đợt 1 từ tháng 6 đến tháng 8, đợt 2 từ tháng 11/2024 đến tháng 2/2025.

Để hỗ trợ hộ kinh doanh tại các chợ trực thuộc bán hàng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu, Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng đã xây dựng nhóm bán hàng "Chợ Đà Nẵng" trên Facebook. Hộ kinh doanh đã tham gia nhóm bán hàng "Chợ Đà Nẵng" có thể bán hàng, quảng bá, thương hiệu, gian hàng.

Bên cạnh đó, cũng đang có kế hoạch, lộ trình xây dựng chợ Cồn, chợ Hàn thành chợ phục vụ du lịch, như cải tạo nâng cấp mặt tiền chợ; chỉnh trang cải tạo lại điểm bán hàng Việt, hàng OCOP, hàng tiêu biểu Đà Nẵng, sản phẩm kết nối nữ tiểu thương, nữ doanh nhân, phụ nữ khởi nghiệp.

Theo Báo điện tử Chính phủ

https://baochinhphu.vn/cho-truyen-thong-bat-nhip-chuyen-doi-so-102240613020249631.htm