Quyết tâm giảm khí thải ô nhiễm môi trường bằng chuyển đổi phương tiện xanh

09:11, 16/08/2024

Chuyển đổi phương thức di chuyển trong đô thị, trong đó có sử dụng đường sắt đô thị là một trong những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm. Để làm được điều này, bên cạnh vấn đề nhận thức còn là sự tạo tiện lợi cho người dân sử dụng.

Khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng thân thiện với môi trường

Trước tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng đáng lo ngại, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí TP. Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Bảo vệ môi trường bằng chuyển đổi giao thông xanh là xu thế tất yếu. Ảnh minh họa

Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75 - 80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.

Để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia cho rằng, việc quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm ngay là giảm phương tiện tham gia giao thông tại nội đô. Song, đây vẫn đang là bài toán khó, khi lượng phương tiện cơ giới hoạt động trên địa bàn thành phố quá lớn với gần 7 triệu mô tô xe máy, 1,1 triệu ô tô và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương khác hằng ngày đổ về Hà Nội.

Cùng với việc khuyến khích người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện và hạn chế xe cá nhân, Hà Nội đang nỗ lực gia tăng phương tiện công cộng chạy bằng điện, thân thiện với môi trường như xe buýt, tàu đường sắt trên cao... và bước đầu đã mang đến những tín hiệu khả quan cho môi trường.

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vì vậy, thành phố cần có giải pháp về chính sách và cả biện pháp hành chính để giảm thiểu phương tiện cá nhân, chuyển đổi phương tiện "xanh", khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề: "Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó" do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) tổ chức ngày 15/8, TS. Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết: Sau một tuần đi vào khai thác thương mại, tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội đã chạy 1.370 chuyến tàu vận chuyển an toàn 393.168 hành khách. Ngày đạt kỷ lục đã vận chuyển 100.515 hành khách. Đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, có 20% hành khách có ô tô, nhưng vẫn lựa chọn tàu điện. Từ những số liệu này cho thấy, sự quan tâm của người dân đối với loại hình phương tiện xanh rất lớn.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, việc chuyển đổi phương tiện xanh là việc làm khó. Thành phố có nhiều phương tiện giao thông cá nhân, hàng ngày gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường qua lượng phát thải lớn.

"Việc chuyển đổi phương tiện xanh góp phần bảo đảm môi trường, sức khỏe người dân đô thị… Tôi từng đi Thụy Sĩ, khi khách du lịch đến, họ tặng ngay vé đi tàu điện miễn phí. Đây là cách làm sáng tạo và Hà Nội có thể học hỏi. Ở góc nhìn rộng hơn, Hà Nội nên nghiên cứu hình thành nên các vùng phát thải thấp với sự ưu tiên chỉ có các phương tiện xanh mới được đi vào. Tuy nhiên, để thành công, việc đầu tiên cần có sự vào cuộc của chính quyền cơ sở", TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

Cần chuyển đổi từ năng lượng phát thải cao sang năng lượng sạch

TS. Nguyễn Đình Thạo, giảng viên Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, giao thông Hà Nội đang có sự mâu thuẫn giữa nhu cầu, áp lực từ phương tiện giao thông với hạ tầng giao thông. Do đó, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, còn cần tới những giải pháp phân luồng, điều tiết giao thông. Tuy nhiên, với hiện trạng giao thông của Hà Nội, mọi giải pháp đều gặp phải những thách thức lớn...

Ở góc độ môi trường, có thể thấy các hoạt động vận tải hiện nay chủ yếu đang sử dụng nhiên liệu truyền thống, nhiên liệu hóa thạch. Loại nguyên liệu này sẽ phát ra khí thải nhà kính. Theo nghiên cứu, người ta tính toán được, mỗi xe ô tô con thông thường, chạy 1 km sẽ phát thải 250-252 g khí thải CO2 ra môi trường. Còn nếu tính trong một năm, lượng CO2 một xe ô tô thải ra môi trường là 3 tấn.

"Năm 2014, chúng ta có thực hiện cuộc tổng kiểm kê khí thải nhà kính. Kết quả cho thấy, toàn quốc có 30 triệu tấn khí thải nhà kính, chiếm 11% phát thải toàn nền kinh tế. Trong 10 năm qua (từ 2014 đến nay) lượng khí thải nhà kính đã tăng từ 30 triệu tấn lên 45 triệu tấn. Đến 2023, lượng khí thải nhà kính Việt Nam có thể đạt gần 90 triệu tấn và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tiếp theo. Năm 2021, khi Việt Nam tham gia cam kết với Liên Hợp quốc về việc đưa phát thải về 0 vào năm 2050 tại COP26, câu chuyển không chỉ dừng lại ở việc giảm phát thải, mà phải giảm phát thải về 0", TS. Nguyễn Đình Thạo nhận định.

Muốn thực hiện được điều này, phải chuyển đổi năng lượng, từ năng lượng phát thải cao sang năng lượng sạch, từ phát thải cao về thấp và chuyển đổi phương tiện. Ngoài ra, còn có thể có những trụ cột khác như quản lý nhu cầu; chuyển đôi nhu cầu để thải loại những phương tiện cũ; thu giữ carbon…

Bảo vệ môi trường bằng chuyển đổi giao thông xanh là xu thế tất yếu

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, hiện nay chuyển đổi giao thông xanh là xu thế tất yếu. Bởi việc chuyển đổi xanh là của hệ thống chính trị, xã hội chứ không chỉ của riêng Sở GTVT hay của ngành giao thông và của người làm giao thông.

"Chúng ta sẽ chắc chắn làm được, vì phát triển xanh là xu thế tất yếu. Đầu tiên, chúng ta cần có nhiều phương tiện thay thế bằng phương tiện công cộng, không dùng nhiên liệu hóa thạch. Thứ 2 là đường xá, tài chính đầu tư hạ tầng, thứ 3 là hệ thống giao thông cần kết nối chặt chẽ, tăng cường hệ thống hạ tầng giao thông tốt. Cùng với đó là có những chế tài đi kèm khi thực hiện", PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, cần xã hội hóa để các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực giao thông xanh, trong đó có ưu tiên tín dụng để đầu tư hạ tầng. Cùng với đó, các sở ban, ngành cần làm đến cùng. Đối với nhân dân, hệ thống giáo dục cùng tham gia từ sớm, tuyên truyền trên các hệ thống truyền thông về lợi ích của phương tiện xanh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, TP. Hà Nội đang hoàn thiện và trình Thủ tướng quy hoạch Thủ đô. Việc cần làm ngay là giải quyết ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm và ùn tắc đang làm ảnh hưởng đến sự phát triển Thủ đô và đời sống người dân. Quy hoạch Thủ đô có 3 chuyển đổi, trong đó, chuyển đổi xanh đòi hỏi sự đồng bộ lớn. Giống như mục tiêu của Luật Thủ đô là lấy người dân làm trung tâm, đo đếm được cụ thể người dân được hưởng lợi những gì. Hà Nội nhất trí với quan điểm của các chuyên gia là phải thể hiện quyết tâm của chính quyền, phát huy vai trò người đứng đầu.

"Hà Nội đang quyết tâm chuyển đổi năng lượng vận hành phương tiện sang điện, đã đưa vào Quy hoạch Thủ đô để đồng bộ và kết nối trong giao thông. Phải kết nối được toàn bộ các phương thức vận tải hành khách nhằm thu hút người dân và cần tuyên truyền những nôi dụng cụ thể về lợi ích phương tiện xanh đem lại", ông Hà Minh Hải cho biết.