Roaming thế nào cho tiết kiệm

00:00, 19/04/2010

Hiện nay nhiều người đi du lịch hoặc đi công tác nước ngoài còn chưa nắm rõ về việc đăng ký và sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế (hay còn gọi là roaming) sao cho hợp lý, vì thế cũng nhiều trường hợp mất tiền đáng tiếc. Trong khi đó, Dịch vụ Chuyển vùng Quốc tế (IR) là dịch vụ cho phép thuê bao gọi và nhận cuộc gọi tại tất cả các nước có thỏa thuận Chuyển vùng Quốc tế mà không cần thay đổi thẻ SIM và số máy điện thoại di động

Cười và khóc chuyện Roaming
 
Chuyển vùng quốc tế dịch vụ di động khi đi ra nước ngoài đương nhiên là phức tạp hơn là chuyện chỉ loanh quanh ở nhà. Không tính đến chuyện đăng ký sử dụng mỗi nhà mạng 1 kiểu, dù thủ tục đã được các nhà mạng cố gắng giảm thiểu nhưng những chuyện như dùng như thế nào cho đúng, cho tiết kiệm, không bị phát sinh cước thái quá,…lại là bài học cho nhiều khổ chủ hay đi
 
“Tuần tới em sang Thái khoảng một tuần, muốn để điện thoại vẫn liên lạc được để liên hệ với ở nhà nhưng không hiểu thủ tục thế nào. Em phải đăng ký với dịch vụ ở nhà (VNPT?) hay là cứ sang bên đó mua cái thẻ là được?”-
 
Lần đầu tiên ra nước ngoài, Linh lo lắng khoản điện thoại về nhà. Những thắc mắc được Linh “úp” liên tục trên các diễn đàn IT với hy vọng thu được nhiều kinh nghiệm trước khi xuất ngoại du lịch. Theo Linh, thay vì lọ mọ vào các trang web của nhà cung cấp dịch vụ, Linh thích hỏi kinh nghiệm thực tế của cộng đồng mạng hơn. Sau đó, người thì khuyên Linh đăng ký với VinaPhone vì thủ tục đơn giản, người thì lại tư vấn nếu muốn chỉ cần gọi về nhà thì sang nước bạn mua một cái sim prepaid cũng gọi được thoải mái. Nhưng tốt nhất để tiện liên lạc thì nên đăng ký roaming với Vinaphone.
 

Cũng sử dụng roaming nhưng chuyện của Dung, sinh viên Đại học Sư phạm Ngoại ngữ thì lại cười ra nước mắt. Đăng ký với nhà mạng Viettel chuyển vùng quốc tế, cô đi Trung Quốc 1 tuần, về đến nhà sau đó ngã ngửa ra khi nhận giấy báo cước lên đến hơn triệu đồng. Hỏi ra mới biết, khi ở nước bạn, cô nhận được nhiều cuộc gọi và cứ nghĩ không bị thu tiền như ở nhà lên nghe vô tư. Đã thế, khi về đến nhà lại quên không đi làm thủ tục hủy dịch vụ roaming ngay thế là gọi số nào “chết tiền” số ấy.

Khi roaming được ưu đãi gì?
Hiện nay, các mạng di động đều thực hiện đồng thời chính sách miễn phí cước nhận tin nhắn roaming. Bên cạnh việc mở rộng roaming cho các thuê bao trả trước, các mạng di động còn tích cực đơn giản thủ tục. Viettel đã cho phép toàn bộ khách hàng trả sau không cần ra cửa hàng đặt cọc nếu sử dụng dịch vụ roaming trong hạn mức và được phép đăng ký roaming qua tin nhắn. Trong khi đó, thông tin từ MobiFone và VinaPhone cho biết, các mạng này cũng đang chuẩn bị áp dụng các dịch vụ tương tự cho các khách hàng trả sau của mình.
Dịch vụ chuyển vùng quốc tế tin nhắn hay còn gọi là SMS Roaming của MobiFone giúp chủ thuê bao trả trước có thể dùng chính số điện thoại của mình gửi và nhận tin nhắn với bạn bè, người thân ngay khi đang ở nước ngoài (71 quốc gia). Cước phí của mỗi tin nhắn tính theo bảng giá ở từng nước/khu vực lãnh thổ (www.mobifone.com.vn).
Đặc biệt, cước gửi tin nhắn của dịch vụ này được tính chỉ một giá tại tất cả các mạng trong cùng một quốc gia khi gửi đi tất cả các hướng: gửi cho thuê bao của nước sở tại, về Việt Nam hay gửi cho thuê bao của các nước khác.

 

Còn Hoàng, chuyên dẫn đoàn du lịch, dù đã có kinh nghiệm trong việc sử dụng liên lạc nhưng vẫn không tránh khỏi thất thoái tiền túi mà vẫn phải “ngậm bò hòn làm ngọt”. Cả đoàn hơn chục người ngày nào cũng mượn chiếc máy roaming của Hoàng để liên lạc về nước hỏi thăm gia đình. Trước khi cho mượn, Hoàng đã cảnh báo cách tính cước chuyển vùng rất phức tạp ở nước bạn, có thể rất tốn tiền, thế nhưng nhiều người không quen nên sa đà vào buôn chuyện. Khi lấy lại máy, Hoàng  dùng dịch vụ kiểm tra cước phát hoảng lên khi chỉ vài phút mà đã ngốn tài khoản mất gần 500.000 đồng.

 

Như vậy, dịch vụ Chuyển vùng Quốc tế (IR) thực sự là một dịch vụ tiện ích giúp cho người dùng khi di chuyển ra nước ngoài vẫn luôn có thể chủ động liên lạc được với chiếc di động và số sim của mình. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm cũng như không có nhiều thông tin khiến cho nhiều người vẫn cho rằng dịch vụ khó hiểu, khó sử dụng và thậm chí có người sợ… dùng vì nghĩ đến chuyện cầm hóa đơn thanh toán cước sau đó.

 

Nguyên tắc tính cước roaming

Thực ra, theo thông tin từ các nhà mạng thì, nguyên tắc tính cước (đều giống nhau) như sau:
 
Cước gọi đi (từ nước bạn đang đến công tác gọi đi một nước khác hoặc gọi về VN) được tính theo công thức: Cước gọi đi = Cước cuộc gọi theo biểu giá cước của nhà mạng mà bạn đang được roaming (như một thuê bao của mạng đó đang thực hiện một “cuộc gọi đi quốc tế”) + Phụ thu của mạng mình đang dùng + Phí khác (được quy định bởi cơ quan thẩm quyền nước bạn đến).
 
Cước nhận cuộc gọi (từ VN gọi đến máy bạn) được tính bằng cước định tuyến cuộc gọi (từ tổng đài ở VN đến tổng đài nước mà bạn đang đến công tác để thông qua tổng đài đó đến máy của bạn).
 
Cước này được tính như là một “cuộc gọi đi quốc tế” từ máy bạn ở VN đến chính số máy bạn nhưng ở nước ngoài) + Cước cuộc gọi ở nước bạn đang đến công tác (tính cước “gọi nội mạng” từ một “số máy ảo” ở tổng đài nước đó đến máy bạn) + Phụ thu của mạng mình đang dùng + Phí khác (được quy định bởi cơ quan thẩm quyền nước bạn đang đến công tác).
 
Cước nhắn tin (gửi, nhận) và dịch vụ phụ (giá trị gia tăng, nghe nhạc, giải đáp thông tin…) đều tuân thủ cách tính giống như tính cước gọi/nhận cuộc gọi ĐT nhưng thường thì giá cước gửi/nhận tin nhắn thường rẻ hơn rất nhiều so với nghe/gọi điện thoại.
 
Tổng cước = Cộng tất cả các khoản cước (nghe, gọi, nhắn tin, nhận tin…) và phụ thu.
 

Về chi tiết giá cước và cách sử dụng, người dùng cần tham khảo trong các trang web của các nhà mạng có cung cấp đầy đủ.

 

Sử dụng dịch vụ?
 

Tại nước chuyển đến, việc đầu tiên cần làm là chọn mạng thông tin di động. Nếu điện thoại di động đã được cài đặt sẵn chức năng tự lựa chọn mạng di động thì đơn  giản chỉ cần bật máy điện thoại di động, máy sẽ tự động chọn mạng phù hợp. Nếu chưa được cài đặt chức năng tự động tìm kiếm mạng, người dùng vào menu chính để chọn mạng theo chế độ bằng tay (manual searching). Thông thường, thứ tự thực hiện như sau: Chọn Cài đặt (Seting), chọn Tìm kiếm mạng (Searching network), chọn Chế độ bằng tay (Manual) để tìm mạng. Khi có danh sách mạng hiển thị trên màn hình máy điện thoại di động phải chọn mạng có ký thoả thuận với nhà mạng mà thuê bao đã đăng ký.


Làm sao để roaming tiết kiệm hơn?