Săn đồ “BEO”

14:50, 26/04/2010

Nhắc đến Bang & Olufsen (B&O), giới chơi audio ai cũng phải nghiêng mình kính nể trước hãng âm thanh Đan Mạch với lịch sử gần một trăm năm này. Ở Việt Nam, những đồ audio khoác thương hiệu B&O luôn là mục tiêu tìm kiếm của rất nhiều dân chơi. Nhiều người sẵn sàng trả một cái giá rất đắt để mua bằng được sản phẩm mình đang săn lùng.

B&O- đỉnh cao thiết kế

Trong ngành công nghiệp âm thanh với hàng trăm thương hiệu lớn bé, Bang & Olufsen nổi lên là một tên tuổi sáng chói với lịch sử gần 100 năm. Sở dĩ B&O được nhiều người ưa thích bởi chất lượng trình diễn và  những thiết kế độc đáo có một không hai của hãng. Những thiết kế khiến cho B& O dù ở đâu cũng không bao giờ bị trộn lẫn.

B&O hiện nay là thương hiệu đa quốc gia, có mặt ở 26 nước, với hơn 3.000 nhà phân phối trên toàn cầu. Không chỉ giới hạn trong các sản phẩm nghe nhìn dân dụng, B&O còn phát triển sản phẩm qua lĩnh vực viễn thông, trang âm xe hơi với những sản phẩm cực kỳ đặc sắc và giá bán cũng luôn ở mức cao chót vót…

Năm 1925, Peter Bang và Svend Olufsen là hai thanh niên yêu thích kỹ thuât, đã tình cờ gặp nhau và nhanh chóng nhận ra họ đúng là một bộ đôi, bởi ai cũng có niềm đam mê kỹ thuật rất mạnh mẽ. Hai người nghiên cứu và sản xuất ra chiếc radio bóng đèn mang tên “Quistrup”, khởi đầu cho tên tuổi B&O lẫy lừng như bây giờ.

Trong suốt những năm sau đó, hai người lập nên công ty B&O, các sản phẩm của họ đều có chữ đầu là  “Beo”, như Beolink, Beomaster, Beocenter, Beovox… do vậy dân audio quen gọi sản phẩm của B&O với tên thân thiện: BEO.

B&O đã có lịch sử phát triển lẫy lừng xuyên suốt thế kỷ 20 với nhiều sản phẩm nghe nhìn như: radio, TV, loa, Ampli, đặc biệt là các hệ thống âm thanh hi-fi độc đáo, sử dụng nguồn phát là đĩa than hoặc băng cối, cassette và sau này là đĩa Compact. Hầu hết chúng đều nhận được  lời tán tụng và đón chào nồng nhiệt từ những audiophile cuồng nhiệt. Lời khen tặng từ những đôi tai sành sỏi nhất càng làm cho tên tuổi của B &O thêm bay xa.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, phong trào chơi đồ âm thanh ngày càng lan rộng, đồ điện tử bãi (second hand) về theo nhiều nguồn, ngày càng nhiều người sở được hữu những sản phẩm độc đáo của B&O, dấy lên phong trào chơi thiết bị của hãng này có thể nói là sôi nổi hơn bao giờ hết.

Chất gây nghiện

Những người yêu âm thanh, từng sở hữu một hai món đồ Beo nhưng amp, loa… chắc chắn đều biết rằng để mua được chúng là điều không dễ dàng. Ngay cả trên các thị trường khác, những đồ âm thanh của B&O cũng sản xuất trong các thập niên 80, 90 của thế kỷ trước luôn được rất nhiều người lùng mua.

Anh Tùng, một dân chơi audio ở Hà Nội cho biết: tình cờ anh biết tới đồ B&O khi ghé qua một cửa hàng bán đồ điện tử cũ. “Cặp loa đó sau này tôi biết là dòng Redline, trông cứ như cái TV phẳng. Nhìn dáng vẻ lạ lùng của nó, tôi đánh bạo mua về để nghe thử. Không ngờ âm thanh của nó ấn tượng ngay từ phút đầu tiên. Lúc đó tôi mới bắt đầu tìm hiểu về hãng B&O và ngày càng say mê”.

Dần tìm hiểu, anh Tùng càng “vỡ” ra nhiều điều. Thế giới B&O thật rộng lớn. Các sản phẩm đều mang phong cách hết sức độc đáo. “Từ cặp loa Redline ban đầu, tôi tìm đọc tài liệu, rồi sự tầm dần cả hệ thống Beolink – một hệ thống giải trí phải nói là hoàn hảo. Từ những năm 1980, các kỹ sư B&O đã áp dụng những công nghệ đỉnh cao vào sản phẩm của họ”.

Anh Tùng “mê muội” đồ B&O tới mức, anh tìm mọi cách sở hữu bất cứ đồ điện tử B&O lọt vào mắt. Từ những cặp loa hiếm có như Beolab Penta, beovox S 75, ampli Beomaster 8000, TV B&O, radio B&O…

Chẳng riêng gì anh Tùng, ngày càng nhiều người lùng tìm đồ B&O. Trên một số diễn đàn âm thanh, có những người được mệnh danh là “thủ kho” B&O vì trong nhà chất đầy đồ B&O. Topic B&O trên diễn đàn VNAV được bàn tán sôi nổi. Giá trị của đồ B&O không phải nhận ra được ngay trong thoáng chốc, mà cần cả quá trình. Có một điều chung, những người thích B&O đều cho rằng mình đã nghiện thương hiệu này.

Anh Thắng, một người chơi audio có tiếng ở Hà Nội, hiểu biết rất rõ về các dòng sản phẩm của B&O, cho rằng sở dĩ thời gian gần đây B&O mới phổ biến tới dân chơi Việt là vì sản phẩm này rất đắt đỏ, chỉ có những series cũ sản xuất trong những năm 1980, 1990 trở về trước theo đường tàu biển du nhập vào Việt Nam thì dân chơi mới có cơ hội thưởng thức. Còn những đồ đời mới đều có giá ngất ngưởng, không phải ai cũng có cơ hội sở hữu.

Săn đồ B&O

Trên diễn đàn VNAV- nơi quy tụ hầu hết dân chơi âm thanh ở Việt Nam hiện nay, Ban quản trị quy hoạch một khu vực riêng cho hoạt động mua bán, trao đổi đồ âm thanh. Ở đây luôn tấp nập, con số online cùng lúc lên tới cả trăm người. Mỗi khi ở đâu ai post lên một món đồ B&O thì nơi đó trở thành tâm điểm quan tâm. Chỉ một thời gian rất ngắn sau đó, món đồ sẽ “bị mua” rất nhanh.

Anh Huy, một thành viên VNAV kể, những món đồ B&O xuất hiện trên diễn đàn chủ yếu là hình ảnh chụp từ các bộ dàn audio của các thành viên. Còn khu vực shop, khu vực mua bán rao vặt thường rất ít thấy. Đơn giản là vì, cứ ai đăng bán là có người hỏi mua ngay.

Chính vì hiếm có khó tìm nên giá cả của đồ B&O đã leo thang tới chóng mặt. Những thứ trước đây chỉ có giá khoảng trên dưới 10 triệu thì nay có món đã tăng vụt tới gần 20 triệu đồng. Anh Tuấn Anh- một người chuyên sưu tầm, trao đổi đồ B&O cho biết: Có rất nhiều người nhờ tôi mua các thiết bị lừng lẫy, đi vào huyền thoại như Beomaster 8000, loa Beovox S75… nhưng những món này phải lâu lâu mới gặp một lần.

Mặc dù giá cả không hề rẻ nhưng những người yêu B&O đều cho rằng giá trị của những thiết bị mang thương hiệu B&O vượt trên cả giá cả. Những sản phẩm mặc dù có tuổi đời đến mấy chục năm, nhưng những giá trị nằm trong kiểu dáng thiết kế độc đáo lẫn “chất âm” vẫn gần như không hề bị thay đổi. Trong nhiều năm qua, giới chơi audio Việt Nam ghi nhận rất nhiều phong trào, gu chơi khác nhau, trong đó gu chơi B&O vẫn được xem là một trong những phong cách chơi lâu bền nhất.

Bảo Khánh

TIN LIÊN QUAN