Sáu doanh nghiệp trụ cột đang cách mạng ngành công nghệ Việt Nam
Ngành công nghiệp ICT Việt Nam đang trải qua cuộc chuyển mình mạnh mẽ, với sự dẫn dắt của sáu tập đoàn công nghệ hàng đầu bao gồm Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC và VNG, theo Bộ Thông tin và Truyền thông…
Đây không chỉ là những doanh nghiệp đã và đang định hình hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam mà còn góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
Viettel: Đưa dịch vụ di động từ xa xỉ đến "Bình dân"
Những năm 1990 đến đầu năm 2000, dịch vụ di động tại Việt Nam vẫn còn là điều xa xỉ. Điện thoại di động có giá dao động khoảng 1.000 USD, chưa kể phí kết nối của mỗi thuê bao lên đến 200 USD, cước thuê bao hàng tháng khoảng 30 USD, và mỗi phút gọi nội vùng tốn đến 0,3 USD.
Sáu tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam
Mãi đến những năm 2000, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã tạo nên bước ngoặt lớn cho ngành viễn thông Việt Nam. Khởi đầu với dịch vụ VoIP 178, Viettel cung cấp các cuộc gọi đường dài trong nước và quốc tế với chi phí chỉ bằng 55-60% so với điện thoại truyền thống.
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel)
Năm 2004, Viettel chính thức tham gia thị trường di động và nhanh chóng bùng nổ. Chỉ trong vài năm, tốc độ tăng trưởng của Viettel vượt xa tổng số thuê bao của tất cả các năm trước cộng lại.
Nhờ chiến lược giá cả hợp lý, phủ sóng rộng khắp và công nghệ tiên tiến, Viettel đã biến viễn thông từ một dịch vụ xa xỉ thành nhu cầu thiết yếu, góp phần thay đổi hoàn toàn cách người dân Việt Nam tiếp cận công nghệ di động.
Khi mà Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng di động nhanh nhất thế giới, chắc chắn không thể không kể đến công lao của Tập đoàn Viettel, nhân tố quan quan trọng thúc đẩy tỷ lệ thâm nhập di động trong người dùng Việt Nam, biến viễn thông từ một dịch vụ xa xỉ thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày như hiện tại.
Năm 2006, sau khi tạo ra cuộc cách mạng viễn thông nội địa, Viettel chính thức mở rộng ra thị trường quốc tế. Hiện nay, Viettel đã lan tỏa làn sóng công nghệ Việt Nam trên khoảng 10 quốc gia, phục vụ gần 100 triệu khách hàng trên tổng quy mô thị trường 270 triệu người.
Không dừng lại ở vai trò cung cấp dịch vụ viễn thông, Viettel còn tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất thiết bị công nghệ cao. Năm 2019, Viettel thử nghiệm thành công mạng 5G, đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia đầu tiên trên thế giới làm chủ công nghệ này.
Đặc biệt, việc tự sản xuất thành công thiết bị đầu cuối 5G, Viettel đã vươn lên trở thành một trong sáu công ty viễn thông hàng đầu toàn cầu cung cấp thiết bị 5G, sánh vai cùng Ericsson, Samsung và Huawei.
VNPT đồng hành cùng chặng đường phát triển của ngành công nghệ
Được thành lập từ năm 1995, song hành cùng chặng đường phát triển ngành viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực viễn thông của Việt Nam, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)
Một số cột mốc quan trọng của VNPT nói riêng và những thành qủa của ngành viễn thông Việt Nam nói chung, có thể kể đến. Tháng 12/2003, mạng di động VNPT đạt 7 triệu thuê bao, giúp viễn thông Việt Nam tăng mật độ điện thoại 8/100 điện thoại. Tháng 4/2008, VNPT ra mắt thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam, VINASAT-1, đã giúp nâng cao năng lực mạng và cải thiện chất lượng dịch vụ viễn thông và công nghệ.
Ngày 12/10/2009, VinaPhone - nhà cung cấp dịch vụ di động thuộc VNPT đã trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ 3G, chính thức ghi tên Việt Nam vào bản đồ 3G thế giới.
Ngày 19/12/2020, VNPT là nhà mạng đầu tiên chính thức phát sóng thương mại VinaPhone 5G tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, đưa Việt Nam lên bản đồ 5G của thế giới.
Với những dấu mốc quan trọng và vai trò tiên phong trong ngành viễn thông, VNPT, ở vai trò là một doanh nghiệp nhà nước, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng công nghệ tại Việt Nam mà còn tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Mobifone dẫn mở kỷ nguyên di động Việt Nam
Khi công nghệ di động kỹ thuật số GSM bắt đầu được triển khai tại châu Âu vào đầu những năm 1990, Việt Nam cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng này. Dịch vụ Bưu chính Việt Nam, tiền thân của MobiFone, đã lựa chọn GSM làm nền tảng cho mạng di động của mình.
Tổng công ty Viễn thông MobiFone
Ngày 16/4/1993, MobiFone chính thức đi vào hoạt động, trở thành doanh nghiệp đầu tiên thương mại hóa mạng di động tại Việt Nam. Ngay từ những bước đi đầu tiên, MobiFone đã hợp tác với tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới Comvik/Kinnevik (Thụy Điển), tận dụng kinh nghiệm, công nghệ và chiến lược kinh doanh tiên tiến để phát triển cơ sở hạ tầng, mô hình vận hành và văn hóa doanh nghiệp.
Đến năm 1994, công ty ghi nhận doanh thu tăng trưởng đáng kể, đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước. Trong những năm đỉnh cao, MobiFone liên tục nằm trong nhóm doanh nghiệp viễn thông có lợi nhuận cao nhất Việt Nam, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình trên 35% mỗi năm.
FPT: Ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu
Cuối những năm 1998, Tập đoàn FPT dần khẳng định vị thế là công ty công nghệ hàng đầu, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Tập đoàn FPT
Bước ngoặt quan trọng đến vào năm 1999, khi FPT mạnh dạn bước vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, đặt nền móng cho hành trình vươn ra thế giới. Từ những thị trường tiềm năng như Ấn Độ và Thung lũng Silicon, FPT đã ghi dấu ấn mạnh mẽ tại Nhật Bản vào năm 2005, tiếp tục mở rộng sự hiện diện tại Singapore, châu Âu và Mỹ.
Đến năm 2023, FPT đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin, chính thức gia nhập nhóm các công ty dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu. Không dừng lại ở đó, tập đoàn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.
CMC: Từ thương hiệu máy tính Việt Nam đầu tiên đến trụ cột công nghệ quan trọng của Việt Nam
Được thành lập vào năm 1993, CMC ban đầu được biết đến với hoạt động sản xuất máy tính thương hiệu Việt đầu tiên, trước khi mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng như tích hợp hệ thống và dịch vụ phần mềm.
Tập đoàn công nghệ CMC
Nhằm đẩy mạnh chiến lược toàn cầu hóa, năm 2017, CMC thành lập “CMC Global”, tập trung vào xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ. Với định hướng phát triển mạnh trong các lĩnh vực công nghệ hàm lượng tri thức cao,
CMC đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp tỷ đô vào năm 2028, và đang không ngừng mở rộng hiện diện tại nhiều thị trường quốc tế, bao gồm cả những thị trường khó tính như Nhật Bản hay Singapore.
VNG: Từ công ty trò chơi đến kỳ lân công nghệ
Được thành lập vào năm 2004 với tư cách là một công ty trò chơi nhỏ, VNG những năm sau đó nhanh chóng mở rộng và khẳng định vị thế trong ngành công nghệ Việt Nam. Đến năm 2014, công ty trở thành "kỳ lân công nghệ" đầu tiên của Việt Nam, với cột mốc vốn hoá chính thức chạm mốc 1 tỷ USD trở lên.
Công ty VNG
Từ doanh nghiệp chuyên về trò chơi trực tuyến, VNG đã "phá kén", đa dạng hóa hoạt động của mình sang nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm tài chính số, dịch vụ đám mây, trí tuệ nhân tạo và thương mại điện tử. Trong đó, Zalo – nền tảng nhắn tin và mạng xã hội do VNG phát triển đã trở thành một trong những ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam với hơn 75 triệu người dùng đang hoạt động.
Ngoài Zalo, VNG còn sở hữu nhiều sản phẩm công nghệ nổi bật như ZaloPay – một trong những ví điện tử hàng đầu, VNG Cloud – cung cấp giải pháp điện toán đám mây cho doanh nghiệp, và mảng phát triển trò chơi trực tuyến với nhiều tựa game được yêu thích trong và ngoài nước.
Cũng giống như những tay chơi quan trọng trong ngành công nghệ của Việt Nam, kỳ lân của Việt Nam cũng không chỉ tập trung vào thị trường nội địa, mà còn đang tìm kiếm nhiều cơ hội mới từ thị trường toàn cầu.