Siri bị kiện vì vi phạm nghiêm trọng quyền riêng tư
Theo Reuters, Thẩm phán tòa án quận Bắc California Jeffrey White cho biết Apple đang đối mặt với một vụ kiện tập thể về việc Siri vi phạm quyền riêng tư. Các nguyên đơn cố gắng chứng minh Siri ghi lại những cuộc trò chuyện bí mật sau khi tình cờ được kích hoạt.
Theo đơn kiện, Apple bị cáo buộc đã chuyển những dữ liệu này cho bên thứ ba. Vào tháng 7/2019, một nhân viên làm việc cho đối tác của Táo khuyết tiết lộ rằng Apple gửi các đoạn mã tương tác của người dùng iPhone cho bên thứ ba để giúp công ty cải thiện hiệu suất của Siri.
Trước đó, Apple cho biết chỉ gửi 1% dữ liệu từ Siri cho các đối tác để xác định xem trợ lý ảo này được kích hoạt có chủ đích hay tình cờ. Ngoài ra, công ty cũng đánh giá Siri có phản hồi thích hợp với người dùng hay không dựa trên những dữ liệu đấy.
Một người dùng Siri trên iPhone nói rằng sau khi anh ta gọi điện với bác sĩ về một “phương pháp điều trị phẫu thuật có hiệu quả” và nhanh chóng nhận được quảng cáo cho quy trình này. Hai người dùng iPhone khác cũng phàn nàn rằng họ nhận được hàng loạt quảng cáo về giày thể thao Air Jordan, kính râm Pit Viper sau khi bàn luận về chúng.
“Apple có lỗi với các nguyên đơn vì sử dụng những dữ liệu riêng tư của họ mà không có sự cho phép”, thẩm phán White nhấn mạnh trong quyết định của mình. Ông White cũng nói thêm rằng Apple đã vi phạm Đạo luật nghe lén liên bang, luật về quyền riêng tư của California và vi phạm hợp đồng.
Amazon cũng từng bị kiện vì sao chép các cuộc trò chuyện của người dùng Alexa. Vào tháng 7/2021, một thẩm phán ở California đã ra phán quyết những người sử dụng trợ lý ảo của Google có thể cáo buộc công ty này trong một vụ kiện tập thể.
Cả Amazon, Google, và Apple đều sử dụng bản ghi âm hoặc bản chép lời để đảm bảo rằng trợ lý kỹ thuật số đang phản hồi một cách thích hợp với các yêu cầu hoặc truy vấn của người dùng.
Google cũng từng bị kiện vì nghe lén người dùng từ trợ lý ảo. Ảnh: Google
Bên cạnh việc các sản phẩm được đề cập quảng cáo trên điện thoại của người dùng iPhone, các vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng hơn đã xảy ra. Những lần kích hoạt tình cờ của Siri cho phép những người làm việc cho công ty bên thứ ba có thể nghe thấy các cặp đôi đang quan hệ tình dục. Ngoài ra, các cuộc trò chuyện chứa thông tin y tế cá nhân cũng được công ty bên thứ ba tiếp nhận cùng với các giao dịch mua bán thuốc.
Apple tuyên bố rằng không có cách nào để công ty bên thứ ba xác định được danh tính của người dùng qua các bản ghi âm. “Các yêu cầu của người dùng không được liên kết với ID Apple của họ. Phản hồi của Siri được phân tích trong các cơ sở bảo mật và tất cả các nhân viên có nghĩa vụ tuân thủ các yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt của Apple”, gã khổng lồ công nghệ tuyên bố vào tháng 7/2019.
Trợ lý ảo Siri thu nhập dữ liệu từ người dùng và chuyển sang cho bên thứ ba. Ảnh: Apple.
Tuy nhiên, điều khoản dịch vụ của Apple nêu rõ công ty “có thể thu nhập và lưu trữ thông tin chi tiết về cách bạn sử dụng các dịch vụ, bao gồm cả truy vấn tìm kiếm". Apple tuyên bố thông tin này có thể được sử dụng để cải thiện các dịch vụ của hãng.
“Apple đã bán hàng triệu thiết bị được trang bị Siri cho người tiêu dùng. Nhiều người trong số họ sẽ không mua những thiết bị này nếu biết Apple thu âm các cuộc trò chuyện mà không có sự cho phép”, các nguyên đơn cho biết trong đơn gửi lên tòa án.
Điều thú vị là khi người dùng hỏi Siri “Bạn có luôn lắng nghe tôi”, thì câu trả lời của trợ lý ảo này là “Tôi tôn trọng quyền riêng tư và chỉ lắng nghe khi bạn nói chuyện với tôi”.
PV (T/h)